Thứ bảy, 12/12/2020 14:31

EU và UK cùng bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam

Để tiến tới Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh - UKVFTA (sẽ tiếp nối quan hệ thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit), ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hội đồng Thương mại Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hội đồng Thương mại Vương quốc Anh Elizabeth Truss tại buổi Lễ ký kết (ảnh: MOIT).

Phát biểu tại buổi Lễ ký Biên bản kết thúc đàm phán UKVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: việc ký biên bản hôm nay là bước quan trọng để hai nước hướng đến sớm ký kết UKVFTA trong thời gian tới". Theo ông, hai nước đã tiến hành thảo luận về hiệp định này từ tháng 8/2018. Do Brexit, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực ngày 1/8/2020 sẽ không còn áp dụng với Anh sau ngày 31/12/2020. Việc sớm có Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước sẽ giúp quan hệ thương mại không bị gián đoạn.

Các điều khoản của UKVFTA phần lớn sẽ giống với EVFTA, vì vậy, hai nước không cần phải trải qua một thập kỷ đàm phán. Hai bên muốn hoàn tất thoả thuận càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự hồi phục kinh tế sau Covid-19. Đại diện của Bộ Công Thương nhấn mạnh, thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Mặt khác, Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút khách du lịch Anh sau khi Covid-19 kết thúc. Hiệp định cũng tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam - Vương quốc Anh nhất là khi hai bên mới ra tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tương tự các nội dung khác, đại diện Bộ Công Thương cho biết, cam kết về sở hữu trí tuệ của Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa Hiệp định EVFTA, và do đó sẽ bao gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Khi Hiệp định có hiệu lực, UK sẽ tiếp tục bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột … Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường UK.

Ngoài ra, Hiệp định còn đưa ra các cam kết về quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Các cam kết của UKVFTA cơ bản dựa trên EVFTA nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với hai nước. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong thời gian tới là năng lượng tái tạo, sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính...

Bắc Lê

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)