Thứ tư, 16/12/2020 14:28

RCEP: Xác lập, sử dụng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được khởi động đàm phán từ năm 2012 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực Đông Á, thành viên bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Newzealand. Qua 8 năm thương thảo, mới đây dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên, RCEP đã chính thức được ký kết (trừ Ấn Độ), mở ra triển vọng hợp tác đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa bền vững. Bên cạnh các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hài hòa quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại…, RCEP còn hướng đến việc xác lập, sử dụng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) một cách hiệu quả.

RCEP - Động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế

Với mong muốn tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng, thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng và phát triển kinh tế công bằng trên cơ sở chuỗi giá trị toàn khu vực, Hiệp định RCEP đã chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020, có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký. Đây là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao kết nối khu vực kinh tế năng động và phát triển nhất hiện nay là ASEAN, Đông Bắc Á và châu Đại Dương (Australia, New Zealand). Mục tiêu chính của RCEP là xóa bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy đầu tư nhằm hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Bên cạnh đó, RCEP còn thiết lập khung khổ đối tác kinh tế hiện đại, tự do, toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu. RCEP được thực thi sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% dân số thế giới), với GDP gần 27 nghìn tỷ USD (chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu) và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại.

Với việc ký kết RCEP, Việt Nam cam kết với các nước trong khu vực và các nước đối tác tỷ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết trong các FTA ASEAN + hiện hành. Cụ thể, cam kết với ASEAN là 90,3%, với Australia và New Zealand là 89,6%, với Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%. Đối với Trung Quốc, Việt Nam cam kết tỷ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN - Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành, nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi RCEP). Trong khi đó, các nước đối tác cam kết với chúng ta tỷ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn các cam kết chúng ta đưa ra cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể Australia xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%.

Một số lưu ý về lĩnh vực SHTT

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, cam kết của Việt Nam về SHTT trong RCEP đã được xây dựng trên cơ sở các cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam cùng ASEAN đã tham gia. Trong khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt phù hợp với cả một số quốc gia ASEAN đang phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn, nhưng RCEP cũng linh hoạt hơn đối với các nước tham gia. Các nước thành viên cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến mức độ hợp tác cao hơn khi đã sẵn sàng.

RECP bao gồm 20 chương và các phụ lục, trong đó dành riêng Chương 11 đề cập đến lĩnh vực SHTT. Điểm mới trong vấn đề SHTT ở RCEP chính là cách tiếp cận cân bằng, toàn diện về việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, trong đó có các vấn đề liên quan như: các quy định chung và nguyên tắc cơ bản, bản quyền và các quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, thiết kế công nghiệp, nguồn gen và tri thức truyền thống, cạnh tranh không công bằng, tên quốc gia, hợp tác và tư vấn, các giai đoạn chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật, các vấn đề về thủ tục… Bên cạnh đó, RCEP cam kết hài hòa mức độ bảo hộ và thực thi các quyền SHTT dựa trên cơ sở các quy định trong Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của WTO. Ngoài ra, RCEP lại có những cam kết không được đề cập trong TRIPS hoặc cao hơn chuẩn mực của TRIPS. Đặc biệt, RCEP đã đưa ra nội dung liên quan đến các thủ tục nhằm cải tiến các thủ tục liên quan đến quyền SHTT và hợp lý hóa các yêu cầu về thủ tục trên giấy tờ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thực thi quyền trong môi trường kỹ thuật số, vấn đề bảo hộ sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống và làm rõ hơn các nghĩa vụ về thực thi quyền bằng biện pháp hình sự trong TRIPS.

RCEP cam kết tạo thuận lợi hơn cho các chủ SHTT nhằm thu hút đầu tư ổn định, lâu dài từ bên ngoài, trong đó có các nước đối tác vào thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. RCEP đồng thời thừa nhận mức độ phát triển và khả năng kinh tế khác nhau của các bên cũng như sự khác biệt trong hệ thống luật pháp quốc gia; nhu cầu thúc đẩy đổi mới và sáng tạo; nhu cầu duy trì một sự cân bằng thích hợp giữa quyền của các chủ SHTT với lợi ích hợp pháp của người sử dụng và lợi ích công cộng; tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho việc truyền bá thông tin, kiến thức, văn hóa và nghệ thuật.

Nhìn chung, các cam kết về SHTT trong RCEP là toàn diện và cao so với cam kết trong các Hiệp định khác của ASEAN. Việc thực thi quyền SHTT trong RCEP sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, mang lại lợi ích chung cho nhà sản xuất và người sử dụng tri thức theo cách có lợi cho xã hội và nền kinh tế.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, việc RCEP được ký kết là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam nói riêng và các quốc gia Đông Á nói chung. Đây là cơ hội để mỗi quốc gia “tận dụng lợi thế của chuỗi giá trị khu vực”, bằng cách hợp nhất những quy tắc hiện hành khác nhau thành một bộ quy tắc duy nhất thông qua các lĩnh vực đầu tư, SHTT, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng trong khu vực và quốc tế.

Thanh Hải

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)