Thứ tư, 25/11/2020 15:50

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam

Khí được xem là một trong những ngành kinh tế nòng cốt, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia, tham gia có hiệu quả vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành dầu khí, đặc biệt là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), Chính phủ đã đặc biệt quan tâm để kịp thời đưa ra những định hướng, chính sách và giải pháp phát triển lĩnh vực này trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước. Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học… tại Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/11/2020 tại Hà Nội.

Bất ổn trong sản xuất và kinh doanh LPG

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giá dầu trên thế giới giảm sâu trong 3 quý đầu năm 2020 khiến tình hình kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp bị sáp nhập và giải thể. Bên cạnh đó, do đại dịch còn diễn biến phức tạp, việc hạn chế di chuyển và thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân sự chất lượng cao là người nước ngoài tham gia thiết kế, thi công các dự án dầu khí trong nước gặp rất nhiều khó khăn…

Năm 2020 là năm thế giới và Việt Nam đã và đang chịu những tác động tiêu cực đến các hoạt động đời sống, kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngành công nghiệp khí, đặc biệt là thị trường LPG trong nước cũng gặp nhiều khó khăn và bất ổn: giá LPG biến động lớn; xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chiếm dụng, làm giả… gây mất an toàn cho xã hội và người tiêu dùng.  Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua lực lượng quản lý thị trường cả nước đã ra quân, phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, tài sản người sử dụng. Qua đó, Tổng cục Quản lý Thị trường đã tăng cường chỉ đạo Cục Quản lý Thị trường các tỉnh/thành phố phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến thị trường khí LPG, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và đặc biệt là công tác tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trong kinh doanh LPG trên thị trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để ngăn ngừa vi phạm.

Theo các chuyên gia, ngành sản xuất và kinh doanh lĩnh vực LPG còn gặp nhiều khó khăn do quy mô thị trường khí chưa tương xứng với tiềm năng hiện có về tài nguyên khí; nguồn cung khí chưa được đa dạng hóa mà hoàn toàn dựa vào nguồn khí truyền thống khai thác trong nước, chưa phát triển được khí phi truyền thống như khí đá phiến, khí chặt, khí hydrate, cũng như chưa triển khai việc nhập khẩu để chế biến theo quy hoạch; hệ thống vận chuyển khí theo từng nguồn/cụm nguồn - khu vực chưa có kết nối chuyển vùng, vì vậy, chưa linh hoạt và kịp thời trong việc điều tiết, cân đối cung - cầu có thể xảy ra ở những thời điểm nhất định, hạn chế việc đảm bảo an toàn cung cấp khí, an ninh năng lượng…

Gỡ nút thắt để phát triển

Tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường bán lẻ LPG của Việt Nam vẫn giữ thị phần lớn và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, chủ động tham gia thông qua các hình thức như đầu tư gián tiếp, góp vốn tại các công ty phân phối, bán lẻ LPG…

Đứng trước yêu cầu mới về phát triển năng lượng của đất nước, theo định hướng chiến lược về phát triển năng lượng quốc gia và theo xu hướng phát triển năng lượng thế giới, ngành Dầu khí nói chung và công nghiệp khí nói riêng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong tương lai.

Theo ThS Ngô Anh Hiền (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), với việc chuyển dần thị trường khí theo xu hướng tự do hóa cạnh tranh, khí và sản phẩm khí đã trở thành những nguyên/nhiên liệu chính trong cơ cấu sử dụng năng lượng của nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Tiêu thụ khí hiện chiếm khoảng 15% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp của Việt Nam. Ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc gia, hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh bởi nhiều lợi ích như: góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia (30% sản lượng điện, 70% sản lượng đạm, 65% sản lượng LPG và 90% sản lượng condensate); phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng phát triển các ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao (điện, hóa dầu…), thân thiện với môi trường, kích thích tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ đi kèm; tạo tiềm lực tài sản vật chất công nghiệp, thương mại quốc gia với việc hình thành các tổ hợp công nghiệp lớn, hiện đại, phát triển kinh tế vùng miền theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (cụm khí - điện - đạm Phú Mỹ, cụm khí - điện - đạm Cà Mau); thu hút vốn đầu tư nước ngoài qua các dự án đầu tư cho thăm dò khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển, xử lý và tiêu thụ khí.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường khí, cụ thể là:

Một là, không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, thăm dò để phát hiện được nhiều nguồn khí mới, củng cố và gia tăng trữ lượng, sản lượng. Đẩy nhanh tiến trình đàm phán thương mại để đưa các mỏ khí vào phát triển khai thác (Cá Voi Xanh, Lô B, mỏ Báo Vàng, Sư Tử Trắng…). Chuẩn bị các phương án nhập khẩu khí trên cơ sở cân đối cung - cầu tại từng thời điểm cụ thể, cân nhắc hiệu quả chi phí cho an ninh năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia dài hạn.

Hai là, tiếp tục phát triển quy mô thị trường tiêu thụ khí tương xứng với khả năng cung cấp. Trong đó, thị trường điện là thị trường tiêu thụ trọng tâm; triển khai các dự án hóa khí, đẩy mạnh sử dụng khí và các sản phẩm khí trong sinh hoạt đô thị và giao thông vận tải nhằm góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị gia tăng của khí. Xây dựng quy hoạch sử dụng khí với các kế hoạch triển khai cụ thể, cũng như các công cụ hữu hiệu để liên kết được các phân ngành năng lượng.

Ba là, phát triển cơ sở hạ tầng khí trên phạm vi cả nước và có các kết nối liên vùng, liên khu vực. Đối với hệ thống đường ống kết nối, thu gom, tính toán công suất vận chuyển phải có tính dự báo thích ứng với nguồn cung và hộ tiêu thụ, cũng như có cơ chế thu hồi vốn đầu tư thỏa đáng. Lập quỹ tài trợ/đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (có thể dùng lợi nhuận từ các hoạt động dầu khí khác để tái đầu tư).

Bốn là, thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như tuyên truyền phổ biến rộng rãi để các thành phần kinh tế khác quan tâm và mạnh dạn đầu tư. Công khai dự báo cung - cầu khí hàng năm, thông tin quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư. Đặc biệt, cần thiết phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và khung pháp lý quản lý ngành khí, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)