Thứ ba, 24/11/2020 11:01

Viện Tài nguyên và Môi trường: Tiên phong trong đào tạo, tư vấn, dịch vụ về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững

Từ một cơ sở nghiên cứu với hơn 10 người khi mới thành lập vào năm 1985, Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã thực sự lớn mạnh với đội ngũ cán bộ mà phần lớn được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến trên thế giới và đã đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam. Viện đã được tin tưởng giao làm chủ trì nhiều chương trình trọng điểm quốc gia về môi trường và phát triển bền vững, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp ĐHQGHN và cấp tỉnh, đặc biệt là các đề tài/dự án, hội nghị/hội thảo quốc tế có quy mô lớn. Ngày 21/11/2020, CRES đã tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập, đây là dịp để CRES tổng kết lại những kết quả đã đạt được và đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

35 năm qua, CRES đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của một đơn vị uy tín hàng đầu quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững. Viện đã được giao chủ trì 71 nhiệm vụ KH&CN các cấp, 69 dự án hợp tác quốc tế và hàng trăm hợp đồng dịch vụ KH&CN. Đặc biệt, các nhà khoa học có trình độ cao và uy tín của Viện đã được tín nhiệm giao làm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước.

CRES là đơn vị tiên phong trong đào tạo, tư vấn và dịch vụ về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững với một đội ngũ cán bộ chất lượng cao và cách tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp. Viện đã đi tiên phong trong nghiên cứu liên ngành, gắn kết khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phục vụ hoạch định chính sách trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đóng góp tri thức và thực tiễn cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, từ rất sớm, CRES đã định hướng hoạt động của một tổ chức KH&CN tự chủ tài chính. Từ năm 2004, được phép của ĐHQGHN, CRES bắt đầu triển khai thí điểm chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành “Môi trường trong pát triển bền vững”, đến năm 2013 đổi thành “Môi trường và phát triển bền vững”. Đây là một bước ngoặt trong hoạt động đào tạo của Viện. Từ đó đến nay, Viện đã tổ chức 11 khóa đào tạo tiến sỹ với tổng số 39 nghiên cứu sinh, trong đó có 22 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sỹ; 10 khóa đào tạo thạc sỹ với 208 học viên, trong đó có 192 học viên đã được cấp bằng Thạc sỹ về khoa học môi trường.

CRES đã triển khai rộng khắp các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, chuyển giao KH&CN cho các bộ, ngành và địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhằm đóng góp tri thức và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Viện luôn chủ động du nhập và đổi mới các cách tiếp cận như tiếp cận liên ngành, tiếp cận sinh thái nhân văn/sinh thái xã hội, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận dựa vào cộng đồng và đồng quan lý vào nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo sau đại học.

Từ những ngày đầu thành lập, “lúc mà có nhiều người còn cho rằng nghiên cứu các vấn đề về môi trường ở Việt Nam là phù phiếm, mà thậm chí có người còn lên án những người nghiên cứu, vận động bảo vệ môi trường là cản trở sản xuất”, dưới sự sáng lập và lãnh đạo của GS Võ Quý, Viện đã tập trung vào nghiên cứu bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học thông qua cộng đồng và đã triển khai các nghiên cứu về ảnh hưởng của chiến tranh hóa học (chất độc dioxin) lên các hệ sinh thái và người dân ở Việt Nam. Những cố gắng để phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái do chiến tranh và việc khuyến khích bảo tồn, quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng vẫn đang được Viện triển khai thực hiện cho đến ngày nay.

Hiện nay, Viện tiếp tục áp dụng các phương pháp mới và hiện đại vào các hoạt động nghiên cứu như tiếp cận dịch vụ hệ sinh thái như là một công cụ để hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử, eDND trong bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm và có giá trị, ứng dụng công nghệ sinh học và vi sinh vật nội sinh trong kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, nghiên cứu cân bằng dinh dưỡng đất - cây trồng và chế độ phân bón hợp lý trong canh tác nông nghiệp bền vững... Song song với các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, CRES đã thực hiện các tư vấn và tham gia tích cực vào việc xây dựng các chính sách, kế hoạch và văn bản pháp quy cho Việt Nam và nhiều địa phương từ rất sớm như Luật Bảo vệ môi trường, Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia, Luật Bảo vệ rừng, Kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn (tỉnh Quảng Ninh)...

Tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, nhiều đại biểu đã đánh giá CRES là đơn vị điển hình về hợp tác phát triển, tập hợp sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đã đạt được của Viện Tài nguyên và Môi trường trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ nghiên cứu. Viện đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về môi trường và phát triển bền vững. Viện đã luôn thể hiện được vai trò quan trọng trong việc liên kết các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài ĐHQGHN trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh: Một trong những thế mạnh nổi bật của Viện  là hoạt động hợp tác quốc tế. Với hơn 100 dự án hợp tác quốc tế từ năm 1985 đến nay đã tạo cho Viện một nguồn lực đáng kể để thực hiện những hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn tin tưởng rằng, trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục là một cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ uy tín, một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)