Thứ năm, 19/11/2020 11:10

Việt Nam được mời tham gia thí điểm dự án y tế toàn cầu mới

Việt Nam là nước châu Á duy nhất được mời tham gia thí điểm dự án “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế toàn cầu” do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Đại học Kinh tế London và AstraZeneca. Sự kiện được công bố chính thức ngày 17/11/2020 tại Việt Nam (nhà riêng Đại sứ Anh).

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một thử thách vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở nhiều quốc gia, gây ra những tổn thất về người, ảnh hưởng tới sức khỏe, hệ thống y tế và thiệt hại nặng nề về kinh tế. Đại dịch đã cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống y tế và nền kinh tế ở cả cấp quốc gia lẫn toàn cầu. Tình thế này khiến khả năng chống chịu và tính bền vững của hệ thống y tế trở thành một vấn đề thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Đại học Kinh tế London (LSE) và AstraZeneca đã sáng lập nên dự án “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế toàn cầu” (PHSSR). Dự án ra đời nhằm khởi động một nỗ lực đa ngành, rộng khắp để giúp các hệ thống y tế có thể tiên đoán trước, ngăn ngừa và thích ứng với những thách thức về y tế khác nhau mà thế giới đang phải đối mặt.

Trong giai đoạn thí điểm kéo dài đến tháng 1/2021, dự án sẽ được triển khai tại 8 quốc gia (Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Ba Lan và Việt Nam). Như vậy, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được lựa chọn vì những kinh nghiệm và chuyên môn y tế riêng biệt, bao gồm việc phòng chống COVID-19 hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu tại Việt Nam do TS Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI) dẫn đầu sẽ tiến hành khảo sát nhanh về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế trong nước, từ đó xác định các giải pháp thiết thực để nâng cao các phương diện này vì lợi ích của người dân Việt Nam. Tương tự như của các quốc gia thí điểm khác, báo cáo của Việt Nam sẽ tập trung vào các yếu tố chính có tính chất quyết định khả năng chống chịu và tính bền vững của hệ thống y tế, điển hình như: cách thức lãnh đạo và quản lý hệ thống y tế; các thức hoạch định và phân bổ ngân sách của hệ thống y tế; lực lượng nhân viên chăm sóc y tế và sức khỏe; cách thức hệ thống y tế khai thác dược phẩm và công nghệ mới; cách thức tổ chức và cung cấp các dịch vụ y tế. Các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn thí điểm sẽ là nền tảng thông tin cho “cuộc đại tái thiết” - một sáng kiến của WEF và sẽ được công bố tại sự kiện trực tuyến vào tháng 1/2021.

VVH
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)