Thứ sáu, 28/08/2020 15:28

Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung

Đứng trước yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước rất coi trọng và có những chính sách thiết thực nhằm khuyến khích việc tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ và xây dựng một nền văn hóa sở hữu trí tuệ (SHTT). Các hoạt động giảng dạy, đào tạo về SHTT là một trong những bước hiệu quả nhất góp phần tăng cường nhận thức của các đối tượng khác nhau trong lĩnh vực SHTT. Dự án “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung” (thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020) do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Trong những năm gần đây, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về SHTT đã được tổ chức thường xuyên, liên tục ở nhiều quy mô, cấp độ và hình thức khác nhau, nhận thức của công chúng về SHTT đã có chuyển biến tích cực hơn trước, dù vẫn còn những hạn chế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đã đến lúc hoạt động đào tạo về SHTT cần có sự thay đổi và phát triển lên một bước cao hơn và đi vào chiều sâu hơn. Bên cạnh các hoạt động đào tạo mang tính truyền thông, phổ cập nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng, cần có các hoạt động đào tạo chuyên sâu, mang tính thực chất cho từng nhóm đối tượng có hoạt động trực tiếp liên quan đến SHTT. Hai trong những mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 là “nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” và “đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT cho khoảng 1.000 cá nhân, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp”.

Trên thực tế, đào tạo chuyên sâu về SHTT cho các nhóm đối tượng là chủ thể trực tiếp tạo lập, nắm giữ, khai thác tài sản trí tuệ (các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp) cũng như các chủ thể thực thi quyền SHTT (thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế, ủy ban nhân dân, tòa án, viện kiểm sát …) là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi các nhóm đối tượng này còn thiếu hụt khá nhiều kiến thức SHTT chuyên sâu, hiện đại và cập nhật phục vụ cho công việc hàng ngày của họ. Xuất phát từ nhu cầu này, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất và được giao thực hiện dự án “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung”. Dự án nằm trong khuôn khổ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Dự án đã tập trung vào 2 hợp phần lớn: (i) Thiết kế chương trình, xây dựng tài liệu và tổ chức triển khai các lớp đào tạo chuyên sâu về SHTT cho các nhóm đối tượng xác định; (ii) Xây dựng, hoàn thiện bộ học liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo các nhóm đối tượng được xác định.  Các nội dung cụ thể mà dự án đã triển khai: điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo cho từng nhóm đối tượng; biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng kế hoạch và tổ chức 04 lớp đào tạo thí điểm; chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình, học liệu đào tạo; rà soát, rút kinh nghiệm các quy trình quản lý và hoạt động tổ chức các lớp học; xây dựng kế hoạch đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo chính thức; báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả đào tạo.

Trong quá trình triển khai, dự án đã tổ chức được 17 lớp đào tạo chuyên sâu (trong đó có 4 lớp đào tạo thí điểm và 13 lớp đào tạo chính thức) ở khu vực Bắc Bộ và miền Trung với khoảng hơn 400 lượt học viên thuộc các nhóm đối tượng khác nhau được đào tạo. Nhóm thực hiện dự án có trách nhiệm quy tụ đội ngũ cán bộ khoa học có chuyên môn về SHTT biên soạn bộ tài liệu giảng dạy nhằm cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu với mục đích giảng dạy hoặc tham khảo, tự học. Các chương trình được áp dụng cho 5 nhóm đối tượng: (1) Giảng viên các trường đại học khối khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ; (2) Giảng viên các trường đại học khối kinh tế - tài chính và doanh nghiệp; (3) Giảng viên các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, kiến trúc; (4) Cán bộ thực thi quyền SHTT trong các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, cơ quan công an; (5) Cán bộ thực thi SHTT trong các cơ quan viện kiểm sát nhân dân, tòa án.

Đánh giá về hiệu quả, đại diện đơn vị chủ trì cho biết, dự án góp phần trang bị kiến thức chuyên sâu về SHTT cho giảng viên các trường đại học phù hợp với lĩnh vực hoạt động của họ (trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực kinh tế, thương mại) để họ có thể lồng ghép các nội dung SHTT ngay trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của mình, từ đó lan tỏa kiến thức SHTT chuyên sâu đến sinh viên, học viên - những nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong tương lai; nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu - triển khai trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua việc tham khảo, khai thác và ứng dụng hệ thống thông tin SHTT; thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, gắn nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh; trang bị các kiến thức chuyên sâu về tạo lập, khai thác thương mại và bảo vệ tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp như: nhận diện các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược xác lập quyền, chuyển giao tài sản trí tuệ, các biện pháp tự bảo vệ tài sản trí tuệ; khuyến khích và nâng cao số lượng tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được đăng ký bảo hộ trong nước và nước ngoài; hạn chế tình trạng xâm phạm quyền SHTT…

Thông qua dự án, các kiến thức chuyên sâu về thực thi quyền SHTT cũng đã được trang bị cho các cán bộ thực thi như xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT, hàng hóa giả mạo SHTT, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHTT, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính, dân sự, hình sự, kiểm soát biên giới… Có thể nói, kết quả của dự án rất hữu ích cho các ngành, địa phương để xây dựng và tổ chức các khoá đào tạo về SHTT cho các đối tượng thuộc địa phương, lĩnh vực quản lý của mình.

ThS Trịnh Thu Hải

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ Trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)