Thứ sáu, 06/11/2020 16:48

Đảm bảo an toàn hóa chất trong lĩnh vực khí công nghiệp

Đây là Hội thảo do Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 5/11/2020 nhằm hiện thực hóa nội dung Biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa Cục Hóa chất và Hiệp hội Khí công nghiệp châu Á.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, khí công nghiệp là nguồn năng lượng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là nguyên liệu chính cho nhiều lĩnh vực sản xuất như hàn cắt kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến thực phẩm đông lạnh, dược, điện tử, luyện thép, làm sạch đường ống dẫn khí, lưu hóa cao su, tôi thép đặc chủng, sản xuất kính, phân bón… Ngoài được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, khí công nghiệp còn được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế như vệ sinh y vụ, hồi sức, trợ thở, tẩy hấp, bảo quản lạnh, vô khuẩn, đặc biệt là khí ôxy phục vụ cấp cứu bệnh nhân…

Theo báo cáo của Cục Hóa chất, tại Việt Nam hiện có một số loại khí công nghiệp phổ biến như: ôxy, nitơ, axetylen, argon, hêli, hydrô và khí trộn. Hiện nay, nhu cầu thị trường về các sản phẩm khí công nghiệp ở Việt Nam vào khoảng 320 triệu m3/năm, trong đó, thị trường ôxy chiếm khoảng 48%, thị trường nitơ chiếm khoảng 51%, phần còn lại là các loại khí hiếm như argon, hydro... Phần lớn các khí hiếm chưa sản xuất được trong nước, phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây được xem là một loại hóa chất nguy hiểm cần được quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn. Do vậy, việc quản lý chặt chẽ, an toàn hóa chất trong lĩnh vực khí công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Huy Vương - Phó Trưởng phòng Quản lý hóa chất (Cục Hóa chất) cho rằng, đối với các loại khí công nghiệp được sản xuất có thành phần chứa hóa chất nguy hiểm, các tổ chức cá nhân phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến đặc điểm, tính chất, thông tin phân loại, ghi nhãn và phiếu an toàn hóa chất đối với hóa chất nguy hiểm, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất đối với các khí công nghiệp. Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ mới trong quản lý, sử dụng khí công nghiệp nhằm ngăn ngừa tai nạn và sự cố hóa chất, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất khí công nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)