Thứ hai, 10/08/2020 15:55

Chương trình nông thôn miền núi góp phần nâng cao trình độ sản xuất của địa phương

Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện một số dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi (NTMN). Kết quả thực hiện các dự án đã góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương, nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện cuộc sống của người dân...

Các dự án thuộc Chương trình NTMN được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã lựa chọn và chuyển giao được hàng chục tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đào tạo cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân, xây dựng và nhân rộng hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN. Với những kết quả đạt được, Chương trình NTMN đã góp phần quan trọng vào giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương, nâng cao trình độ sản xuất, cải thiện cuộc sống của người dân... Cụ thể:

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phát triển chăn nuôi lợn hàng hoá, trồng cây ăn quả trên vùng cát ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận” được triển khai đã khắc phục được những khó khăn của địa phương (điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai bị hoang hóa, bạc màu, lượng mưa/năm rất thấp...). Dự án đã giúp chuyển đổi tập quán sản xuất cây, con giống cũ bằng kinh nghiệm sang hình thức sản xuất cây, con giống mới với kỹ thuật tiên tiến nên năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể, được chính quyền và người dân tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Việc triển khai 92 mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm và trồng nho đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tham dự án (các mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm cho lợi nhuận trực tiếp hơn 2,3 triệu đồng/nái/năm, mô hình trồng nho giống Cardinal trên đất cát cho lợi nhuận hơn 262 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng nho giống mới trên đất cát cho lợi nhuận 353 triệu đồng/ha/năm). Những người tham gia dự án, đặc biệt là các kỹ thuật viên đã tiếp nhận được các tiến bộ kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất, nắm bắt được kỹ thuật, kiến thức và có kỹ năng thực hành tốt hơn trong sản xuất.

Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật để phát triển một số loại cây nông nghiệp tỉnh Bình Thuận” đã giúp tỉnh xây dựng được một phòng nuôi cấy mô với các trang thiết bị tương đối hiện đại, mở ra hướng đi quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Từ 2 kỹ thuật viên được dự án đào tạo ban đầu, đến nay đã có thêm hàng chục kỹ thuật viên có thể làm chủ được kỹ thuật nuôi cấy mô một số loại cây trồng như: phong lan, cúc, thanh long, chuối... Hiện nay, phòng nuôi cấy mô vẫn được duy trì và phát triển, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, nhân nhanh các giống cây trồng chủ lực của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân về giống cây chất lượng cao và đồng nhất.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống chuối ở Bình Thuận

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau của huyện đảo Phú Quý” đã được triển khai với 15 mô hình trồng rau trong nhà lưới che mưa, gió mặn quy mô 200-300 m2/mô hình, 15 mô hình trồng rau trong vòm lưới che chắn gió mặn, mưa, nắng với quy mô 100-150 m2/mô hình; 150 mô hình vườn rau gia đình trên đất cát có tầng giữ ẩm nhân tạo với quy mô 20-50 m2/mô hình và 200 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật. Dự án đã giúp cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo Phú Quý tự túc được nguồn rau xanh; tạo nghề mới có thu nhập tương đối ổn định cho một bộ phận không nhỏ dân cư trên đảo, đặc biệt là phụ nữ và những người cao tuổi không có khả năng đi biển.

Mô hình trồng rau trên đảo Phú Quý

Kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận” đã thật sự đáp ứng nhu cầu bức thiết của sản xuất do thiếu nguồn nước. Thông qua 8 mô hình trình diễn, dự án đã giúp người dân bước đầu áp dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất; góp phần tiết kiệm nước để phát triển các cây trồng, vật nuôi và ngành nghề khác; góp phần đổi mới tư duy trong sản xuất cũng như sử dụng nguồn nước tưới. Đến nay, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt đã được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

TH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)