Thứ ba, 23/06/2020 15:04

Cà Mau: Xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP

Để sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, những năm gần đây Cà Mau đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực đạt chuẩn VietGAP đang là hướng đi mới giúp gia tăng tăng hiệu quả kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện xâm nhập mặn ngày càng tăng ở địa phương này.

Lợi thế để phát triển thủy sản

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là tôm. Theo số liệu điều tra, đến năm 2020 diện tích nuôi tôm toàn tỉnh ước đạt gần 300.000 ha với tổng sản lượng đạt 280.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ trên 278.000 ha với nhiều loại hình như: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp… Đặc biệt, diện tích đất canh tác 1 vụ hoặc 2 vụ lúa trên đất nuôi tôm khoảng 45.000 ha, rất phù hợp để triển khai mô hình xen canh lúa - tôm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với tôm càng xanh, đặc biệt là tôm càng xanh toàn đực là loài thủy sản có giá trị kinh tế, với kích thước lớn và thịt thơm ngon, dinh dưỡng cao, dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, kích thước lớn hơn nhiều so với con cái..., đối tượng này có thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong lẫn ngoài nước. Chính vì vậy, tôm càng xanh ngày càng trở thành đối tượng nuôi quan trọng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nông dân tỉnh Cà Mau nói riêng. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm càng xanh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về con giống, kỹ thuật nuôi, môi trường… Hơn nữa, do những điều kiện khách quan, chủ quan mà hiện nay việc quản lý kinh doanh giống tôm càng xanh ở Cà Mau chưa được chặt chẽ, giống nhập về không được kiểm tra, không có giấy chứng nhận kiểm dịch tại gốc, nguồn gốc giống chưa được xác định rõ ràng. Do đó, số lượng, chất lượng con giống là một trong những vấn đề đáng báo động và cần phải được quan tâm đúng mức.

Tôm càng xanh toàn đực đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Sự vào cuộc của các nhà khoa học

Là tỉnh chưa có cơ sở sản xuất về giống tôm càng xanh nói chung và tôm càng xanh toàn đực nói riêng nên việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ ương dưỡng giống tôm càng xanh toàn đực là yêu cầu cần thiết của người dân để phát triển sản xuất. Trước thực trạng đó, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng Bắc Cà Mau, tỉnh Cà Mau”, thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Dự án được triển khai đã cho thấy sự phù hợp với đặc thù vùng sinh thái, phù hợp với quy hoạch về đối tượng cây trồng, vật nuôi của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm hướng đến sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập cho người nông dân. Dự án đã áp dụng 3 quy trình công nghệ gồm: ương giống tôm càng xanh toàn đực; sản xuất lúa trên nền đất lúa - tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi tôm càng xanh thương phẩm toàn đực xen canh trong ruộng lúa.

Mô hình lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP đang là hướng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp của người dân Cà Mau.

Mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP là mô hình đầu tiên thực hiện tại tỉnh Cà Mau, giúp nâng cao năng suất và giá trị giá tăng. Việc nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa buộc người dân giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất lúa, từ đó tạo điều kiện cho trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thuận lợi hơn; sản phẩm lúa - tôm càng xanh toàn đực đều là sản phẩm sạch, dễ dàng tiêu thụ và giá bán cao hơn mô hình lúa - tôm truyền thống.

Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật ương dưỡng giống tôm càng xanh toàn đực và nuôi trồng xen canh tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần chủ động nguồn giống tôm càng xanh toàn đực đạt tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ cho nuôi tôm trong tỉnh; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy suất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Dự án góp phần nâng cao thu nhập của nông hộ thuộc vùng nông nghiệp khó khăn và đặc biệt khó khăn; tạo được công ăn việc làm ổn định, giảm áp lực về kinh tế, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Qua thời gian nuôi, nhiều nông dân nhận thấy, cùng với thời gian thả nuôi chỉ từ 4 đến 4,5 tháng, mô hình lúa - tôm toàn đực cho thu hoạch khoảng 400-500 kg tôm/ha. Với giá tôm hiện tại đạt khoảng 100.000-110.000 đồng một kg, sau khi trừ hết chi phí, bà con còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha nuôi (cá biệt có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha).

Ninh Diện

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)