Thứ hai, 31/08/2020 14:54

Hỗ trợ startup từ các tập đoàn quốc tế

3 gói hỗ trợ dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) với tổng giá trị lên đến 480.000 USD đã được công bố vào sáng 28/8/2020 trong khuôn khổ tọa đàm trực tuyến: “Startup và công nghệ kết nối dữ liệu mới”, do Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN), Tập đoàn Qualcomm Beowulf Blockchain (Singapore) phối hợp tổ chức. Tại buổi tọa đàm các chuyên gia đã chia sẻ và phân tích nhiều thông tin hữu ích cho các startup, đặc biệt là những thông tin về công nghệ kết nối mới và thách thức của nó đối với các startup Việt.

Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 150 doanh nghiệp theo dõi (chủ yếu là các doanh nghiệp KNĐMST đang ở giai đoạn phát triển sản phẩm), chia sẻ thông tin về tương lai phát triển công nghệ kết nối dữ liệu mới (WIFI6, 5G, Machine Learning - AI, SD-WAN...), ảnh hưởng, cơ hội và thách thức dành cho các doanh nghiệp KNĐMST cũng như chỉ ra định hướng hỗ trợ của các thành phần trong hệ sinh thái 5G cho doanh nghiệp KNĐMST và thảo luận về tầm nhìn hợp tác dài hạn giữa các tập đoàn lớn và doanh nghiệp KN ĐMST.

Những công nghệ kết nối mới cần được startup quan tâm

Chia sẻ chi tiết về tác động của công nghệ kết nối dữ liệu mới tới các công nghệ tiên phong, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết: “Trong thời điểm đại dịch Covid-19, công nghệ kết nối trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thế giới đang trong thời kỳ chuyển giao sang công nghệ tiếp theo và 5G được thúc đẩy mạnh mẽ để thay đổi cách con người giải trí, kết nối và làm việc. Ví dụ như làm việc tại nhà, học trực tuyến, khám bệnh từ xa... Hiện tại, đã có 60 nhà mạng/40 quốc gia triển khai thương mại 5G, dự kiến cuối năm 2020 sẽ là 100 quốc gia. 380 nhà mạng trên thế giới đang đầu tư vào công nghệ này, trong đó có Việt Nam”. Ông Nam cũng cho biết thêm, hiện nay tập đoàn Qualcomm đã tìm kiếm các startup tiềm năng thông qua cuộc thi “Qualcomm Design Challenge” ở Ấn Độ, Đài Loan và ở Việt Nam là cuộc thi “Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (QVIC)” nhằm chia sẻ công nghệ của Qualcomm, hỗ trợ kỹ thuật cho startup. Nỗ lực của Qualcomm đã đạt nhiều kết quả tốt khi đã hỗ trợ 60 startup Ấn Độ thành công và có 22 startup với sản phẩm đã được thương mại hóa.

Việt Nam là nước thứ 3 Qualcomm hỗ trợ và hiện đang triển khai cuộc thi QVIC 2020 với thời hạn đăng ký đến 30/9/2020. Top 10 startup Việt tham dự vào QVIC 2020 sẽ được hỗ trợ tài chính 10.000 USD để phát triển sản phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm tại các phòng lab của Qualcomm; top 3 startup với ý tưởng và sản phẩm tốt nhất sẽ nhận được tiền thưởng tương ứng là 100.000, 70.000 và 50.000 USD. Ngoài hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, Qualcomm cũng sẽ hỗ trợ và huấn luyện về việc đăng ký bản quyền, bảo vệ sở hữu trí tuệ và cam kết không lấy cổ phần của startup.

Dưới góc độ một chuyên gia công nghệ, Ông Hoàng Minh Trí (nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Ai20x, trụ sở tại Silicon Valley, Hoa Kỳ) nhận định, bức tranh tổng thể về công nghệ kết nối gồm 5 yếu tố: 5G, Wifi 6, Machine Learning - AI, Digitized spaces và SD-WAN, mở ra khá nhiều ứng dụng trên mọi phương diện, mọi ngành. Để phát triển mạnh mẽ những công nghệ kết nối này, các startup Việt cần nghiên cứu kỹ thị trường và công nghệ, tìm ra ứng dụng thiết thực và lên kế hoạch hành động, chuẩn bị nguồn lực để bắt kịp xu hướng, chứ không nên chạy theo trend mà chưa đủ nguồn lực.

Thực tế hiện nay, rất ít các startup Việt trong lĩnh vực IoT vượt qua được giai đoạn thử nghiệm sản phẩm (MVP). Hầu hết giải pháp mà các startup trong ngành này đưa ra còn mang tính tạm thời, chưa có hướng phát triển bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng. Bà Nguyễn Phi Vân (nhà sáng lập Vietnam Angel Network) cho rằng, khắc phục vấn đề này sẽ cần thời gian, cần các biện pháp giáo dục và sự chuẩn bị cho một thế hệ startup tiếp theo để bắt kịp với các cường quốc công nghệ như Hàn Quốc, Đài Loan hay các nước phương Tây.

Thách thức của công nghệ kết nối mới với startup Việt

Đại diện từ startup về IoT trong lĩnh vực nông nghiệp - Farmtech Việt Nam, ông Đỗ Trần Anh chia sẻ: “Dù là ngành chủ lực của Việt Nam, nhưng hiện nông nghiệp đang được đầu tư nhỏ lẻ và tỷ lệ ứng dụng công nghệ khá thấp. Nông dân không có nhu cầu sử dụng những sản phẩm công nghệ phức tạp hơn. Yếu tố về nhận thức người dùng, trình độ công nghệ cản bước các startup IoT trong lĩnh vực này. Hơn nữa việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn như chi phí nghiên cứu và phát triển lớn, chưa có một bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm như các nước phát triển... khiến startup khó mở rộng quy mô kinh doanh”.

Còn trong lĩnh vực nhà ở thông minh, vấn đề được quan tâm hàng đầu là bảo mật. Thấu hiểu điều này, startup Lumi đã tích hợp camera, cảm biến cửa, cảm biến chuyển động với các thiết bị trong nhà để chống trộm. Tuy nhiên, công ty đang tìm giải pháp cho vấn đề hacker tấn công dữ liệu trong nhà. “Đó cũng là bài toán chung mà Lumi và các hãng camera, smarthome lớn trên thế giới như Dahua đang tìm lời giải” - ông Nguyễn Bảo Ân (Giám đốc khu vực miền Nam của Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam) nhận định.

Trong lĩnh vực blockchain, ông Đỗ Văn Long (Giám đốc điều hành của Tập đoàn Blockchain Việt Nam) chia sẻ góc nhìn về ứng dụng công nghệ Blockchain như một phương thức truyền tải dữ liệu an toàn và tác động của công nghệ này đối với startups. Ông cho hay khi băng thông càng rộng thì càng có nhiều cơ hội cho sự phát triển của blockchain. Chữ ký số, fintech, agritech… là những ứng dụng tiêu biểu.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)