Thứ hai, 31/08/2020 09:24

Mô hình đối tác công - tư về KH&CN: Kinh nghiệm từ Trung tâm hợp tác nghiên cứu Úc

TS Trần Công Yên

Chương trình “Trung tâm hợp tác nghiên cứu” (CRC) là một sáng kiến của Chính phủ Úc được triển khai thực hiện từ năm 1990 đến nay. Tuy phương thức tài trợ và quản lý có sự thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau nhưng mục tiêu của Chương trình không hề thay đổi: thiết lập sự liên kết giữa ba nhà: nhà nước - nhà nghiên cứu - nhà doanh nghiệp trên cơ sở quan hệ đối tác công - tư về hợp tác nghiên cứu ứng dụng trung hạn và dài hạn trong ngành công nghiệp.

Chương trình CRC: mô hình hiệu quả

Chương trình CRC được Chính phủ Úc thành lập từ năm 1990 trên cơ sở đề xuất của GS Ralph Slatyer - Nhà sinh thái học và là Australia’s Chief Scientist giai đoạn 1989-1992, nhằm xây dựng cầu nối từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm. Đây là một trong những chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm hàng đầu của Úc trong vòng 30 năm qua với một mục tiêu kiên định là thực hiện liên kết ngành công nghiệp với các nhà khoa học để cùng hợp tác nghiên cứu, giải quyết những thách thức KH&CN mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Tuy hiện nay vẫn có một số chương trình KH&CN khác của Hội đồng nghiên cứu Úc (ARC), Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang (CSIRO)… cũng hỗ trợ hoạt động R&D của doanh nghiệp, nhưng CRC vẫn là một công cụ chính sách quan trọng hỗ trợ thực hiện sự liên kết chặt chẽ, lâu dài giữa các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở Úc. Chương trình CRC có thể tài trợ lên tới 50% tổng chi phí của các dự án hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học để giải quyết các vấn đề KH&CN cấp bách mà doanh nghiệp đang cần, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh, năng suất và tính bền vững của các ngành công nghiệp Úc. Để nhận được tài trợ của Chương trình, cơ quan đề xuất dự án phải chứng minh được yêu cầu tiên quyết là có sự hợp tác giữa ít nhất một tổ chức công nghiệp và một tổ chức nghiên cứu hoặc trường đại học của Úc.

Cơ quan quản lý và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình CRC là Bộ Công nghiệp, Công nghệ và Thương mại trước đây và nay là Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên của Úc. Cơ quan quản lý  ban hành quy chế tổ chức hoạt động và hướng dẫn thực hiện cùng với các tiêu chí tuyển chọn tài trợ của Chương trình CRC theo từng giai đoạn. Theo đó, hoạt động của các CRC được quản lý bởi một Ban giám đốc  được bầu chọn từ các đối tác tham gia CRC, Chính phủ Úc theo dõi tiến độ thực hiện thông qua các báo cáo hàng năm. Các tài trợ được xem xét thông qua một quy trình tuyển chọn cạnh tranh quốc gia hàng năm theo thông báo, hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và trên cơ sở ý kiến tư vấn của Ủy ban CRC. Về bản chất, CRC là các tổ chức riêng biệt dựa trên sự hợp tác tự nguyện của các đối tác độc lập trong khuôn khổ hợp đồng. Đây là quan hệ đối tác công - tư liên quan đến sự hợp tác giữa các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu công, doanh nghiệp và các tổ chức cộng đồng. Ngoài giám đốc điều hành và một số nhân viên hành chính làm việc tại văn phòng trung tâm của CRC, còn lại hầu hết các nhà nghiên cứu của CRC được tuyển dụng làm việc kiêm nhiệm từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ. Ngoài ra, các CRC có thể tham gia tổ chức phi lợi nhuận “Hiệp hội CRC” để chia sẻ, trao đổi thông tin và hợp tác với các CRC khác trong Chương trình cũng như phối hợp với các trung tâm tăng trưởng công nghiệp (Industry Growth Centres) để xác định các thách thức nghiên cứu hiện tại trong ngành công nghiệp và các thành viên đối tác phù hợp nhất trong ngành. Sau khi kết thúc dự án tài trợ của nhà nước, các CRC có thể chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

Nhờ có sự tài trợ của nhà nước, các CRC có thể nghiên cứu tạo ra các công nghệ, sản xuất sản phẩm và dịch vụ mới, thực hiện các hoạt động thương mại hóa và tiếp cận thị trường mới cũng như toàn cầu. Mặt khác, bằng cách đầu tư vào hoạt động R&D, các doanh nghiệp tham gia vào CRC sẽ tăng thêm doanh thu, gia tăng khả năng cạnh tranh và năng suất thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới. Một số CRC trong các lĩnh vực (CRC ngành nhựa, CRC ngành công nghệ về thính giác, CRC ngành thịt lợn toàn tính cao cấp, CRC ngành sản xuất và đóng gói thực phẩm quốc tế, CRC ngành sức khỏe tâm thần…) đã có nhiều kết quả xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước Úc trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các CRC còn thực hiện hoạt động đào tạo sau đại học để hỗ trợ xây dựng một lực lượng lao động có tay nghề cao và kinh nghiệm trong ngành công nghiệp.

Đến nay, Chương trình CRC đã qua đánh giá kiểm tra hiệu quả 5 lần (Myers năm 1995, Mercer và Stocker năm 1998, Howard Partners năm 2003, O'Kane năm 2008, Miles năm 2015) và đều có báo cáo kết quả rất tích cực. Trên cơ sở tham khảo các khuyến nghị nêu trong các báo cáo đánh giá, Chính phủ Úc đã kiên định tiếp tục duy trì thực hiện Chương trình. Mặt khác, các quy định tài trợ của Chương trình CRC được thay đổi theo thời gian và hầu hết là được cải tiến nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường công tác quản lý. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình CRC đã tập trung vào tài trợ theo hai kênh: hỗ trợ cho các CRC để thực hiện các hợp tác nghiên cứu về trung hạn và dài hạn lên đến 10 năm do ngành công nghiệp chủ trì và hỗ trợ cho các dự án CRC-P để thực hiện các hợp tác nghiên cứu ngắn hạn, tối đa là 3 năm. Tuy không quy định cụ thể về số kinh phí tối thiểu và tối đa nhưng các khoản tài trợ cho CRC đến nay dao động trong khoảng từ 7-75 triệu AUD, tùy thuộc vào phạm vi và mức độ phức tạp của dự án đề xuất.

Kể từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay, Chính phủ Úc đã tài trợ khoảng 5,1 tỷ AUD để hỗ trợ thành lập 230 CRC và 135 dự án CRC-P, tạo ra tổng cộng 365 hợp tác nghiên cứu dựa trên quan hệ đối tác công - tư. Các đối tác tham gia Chương trình CRC đã đầu tư thêm khoảng 15,7 tỷ AUD và các khoản đóng góp bằng hiện vật. Trong báo cáo đánh giá về các tác động kinh tế - xã hội và môi trường của Chương trình CRC do Tập đoàn tư vấn Allen thực hiện đã khẳng định lợi ích đầu tư của Chương trình CRC rất hiệu quả với tỷ suất lãi đầu tư đạt tới 3:1, nghĩa là nhà nước đầu tư 1 AUD cho Chương trình CRC thì đã thu lại 3 AUD từ các tác động kinh tế trực tiếp và lợi ích cộng đồng được tạo ra từ Chương trình. Như vậy, mô hình CRC là một quan hệ đối tác công - tư rất hiệu quả và thành công tại Úc, đồng thời các CRC đã tạo thành một phần của “hệ sinh thái” đổi mới sáng tạo quốc gia toàn diện hiện nay.

Lô gô của Chương trình CRC.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

CRC là mô hình đã được thực tiễn chứng minh tính liên kết hiệu quả giữa các nhà nghiên cứu với ngành công nghiệp nhằm tập trung vào R&D theo hướng ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trên cơ sở quan hệ đối tác công - tư, góp phần tích cực đảm bảo cho nước Úc có được sự tăng trưởng kinh tế liên tiếp trong 30 năm (1990-2020), lập kỷ lục mới trong số các nền kinh tế phát triển về sự mở rộng không ngừng. Ở Việt Nam, với quan điểm “doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất của phát triển, là khởi nguồn của đổi mới sáng tạo”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam chưa có chương trình KH&CN nào hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa về trung hạn và dài hạn tương tự như Chương trình CRC của Úc.

Với nhu cầu đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ngày càng lớn, thực hiện hoạt động R&D là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trước bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt ngày nay, bên cạnh các chính sách vĩ mô hiện tại, Chính phủ nên sớm xem xét thành lập một chương trình KH&CN tương tự hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học để thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa về trung hạn và dài hạn tương tự như Chương trình CRC của Úc, giao cho Bộ KH&CN quản lý và chủ trì thực hiện. Chương trình sẽ tạo cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hình thành và phát triển quan hệ đối tác công - tư của Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Úc cho thấy, các CRC là rất cần thiết trong việc tiếp thu những ý tưởng khoa học tốt đã hình thành và làm cho những ý tưởng đó được thương mại hóa trên thị trường, đồng thời đưa những thách thức của thị trường hoặc cộng đồng đến một nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu tìm ra giải pháp. Các CRC thường bị giới hạn trong phạm vi hoạt động của chúng và không phù hợp với mọi tình huống trong lĩnh vực hoạt động KH&CN nên việc nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Úc về xây dựng quy chế quản lý hoạt động và các tiêu chí tuyển chọn tài trợ cho CRC sẽ vô cùng quan trọng. Đặc biệt, sự ổn định về chính sách sẽ luôn là yếu tố sống còn đối với Chương trình CRC nếu được phê duyệt thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. M. O'Kane (2008), Collaborating to a purpose: Review of the Cooperative Research Centres Program, Department of Innovation, Industry, Science and Research.

2. Allen Consulting Group (2012), The Economic, Social and Environmental impacts of the Cooperative Research Centres Program.  

3. Department of Industry, Innovation, Climate change, Science, Research and Tertiary education (2013), Program Guidelines: Cooperative Research Centres Program

4. D. Miles (2015), Growth through Innovation and Collaboration: A Review of the Cooperative Research Centres Programme.

5. Department of Industry, Science, Energy and Resources (2020), Grant opportunity guidelines: Cooperative Research Centres Programme (CRC Round 22 grants).

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)