Thứ tư, 29/07/2020 15:05

KH&CN đồng hành cùng sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Với 58 nhiệm vụ, các kết quả của Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững (PTBV) vùng Tây Bắc giai đoạn 2013-2020 (Chương trình Tây Bắc) do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chủ trì đã được ghi nhận và đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết diễn ra ngày 23/7/2020. Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại và những vấn đề đặt ra.

Nhiệm vụ tổng hợp, liên ngành hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách

Chương trình Tây Bắc có 4 mục tiêu cơ bản sau: i) Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch PTBV, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; ii) Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; iii) Đề xuất, chuyển giao các giải pháp KH&CN phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; iv) Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu PTBV vùng Tây Bắc. Có thể nói, đây là Chương trình có các nhiệm vụ nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành, hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc gia tại địa phương vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2020” và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các đồng chí Lãnh đạo chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Chương trình Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sau 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc. Chương trình đã điều phối và thu hút 40 tổ chức, hơn 600 nhà khoa học tham gia thực hiện; đã có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở, ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc Chương trình được thực hiện nghiêm túc, bài bản, các phương pháp nghiên cứu - triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.

Đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Tây Bắc

Trong 58 nhiệm vụ (55 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm) thì có 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương; 21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 5 sản phẩm được thương mại hoá; hơn 20.000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn; gần 200 hội thảo, hội nghị chuyên ngành được tổ chức; gần 13,000 cán bộ, kỹ thuật viên, người dân địa phương được đào tạo, tập huấn, tham dự hội thảo nâng cao năng lực.

Ký kết biên bản/hợp đồng chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Các kết quả của Chương trình đã được chuyển giao cho 14 tỉnh vùng Tây Bắc, các bộ/ban/ngành ở Trung ương và doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến 56 quy trình công nghệ trong lĩnh vực y dược, chế biến thực phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển năng lượng mới...; 64 báo cáo kiến nghị các chính sách phát triển ở tầm vĩ mô của vùng cũng như giải pháp cho từng địa phương cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; 22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững; 39 sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các quy trình sản xuất và thực thi giải pháp, kỹ năng hoạt động; 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra kết quả của một số đề tài đã đóng góp cụ thể đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện ĐHQGHN và Chương trình Tây Bắc đang phối hợp tiếp tục tư vấn cho các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2015-2020 và đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của các tỉnh vùng Tây Bắc.

Có thể nói, Chương trình về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt vượt một số tiêu chí về: công bố quốc tế, tiêu chí về đào tạo sau đại học, tiêu chí về ứng dụng thực tiễn, cụ thể: i) 100% các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã và đang được chuyển giao/bàn giao kết quả cho các bộ/ban/ngành, địa phương và doanh nghiệp; ii) 100% đề tài có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế, trong đó 34/58 các nhiệm vụ có công bố quốc tế (đạt 58%); iii) 54/58 nhiệm vụ có sản phẩm đào tạo hoặc góp phần đào tạo ít nhất là 1 tiến sỹ và 1-2 thạc sỹ; iv) 20% số đề tài có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả; v) 60% các kiến nghị, khuyến nghị, giải pháp được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, 20% mô hình đề xuất được thực hiện và nhân rộng; vi) Các tiêu chí khác: 40% đề tài có kết quả làm tiền đề cho việc nghiên cứu ứng dụng ở giai đoạn tiếp theo; 50% đề tài có kết quả phục vụ trực tiếp cho việc quy hoạch định hướng PTBV vùng Tây Bắc.

Đánh giá về kết quả đạt được của Chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, sau 7 năm thực hiện, Chương trình KH&CN phục vụ PTBV vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều kết quả đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các bộ/ban/ngành, địa phương. Tiêu biểu là các kết quả về bộ cơ sở dữ liệu liên ngành, các luận cứ khoa học, khuyến nghị… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch PTBV, đảm bảo quốc phòng, an ninh; các mô hình, tiêu chí và bản đồ quy hoạch PTBV vùng; các mô hình về sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn đến các bộ/ban/ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai Chương trình trong thời gian qua; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo ĐHQGHN, Ban Chủ nhiệm Chương trình, các nhà khoa học đã mang tâm huyết, trí tuệ và không quản ngại khó khăn để đi đến địa bàn xa xôi, góp phần đưa KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc - một Tây Bắc giàu tiềm năng, lợi thế sẽ cất cánh và PTBV với sự đồng hành của KH&CN.

Khó khăn, tồn tại và những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình Tây Bắc cũng gặp không ít khó khăn, tồn tại như: chất lượng thẩm định một số nhiệm vụ còn hạn chế; sự am hiểu thực tiễn về vùng Tây Bắc còn ở mức độ khiêm tốn, mang tính hàn lâm; một số đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển dược liệu, mô hình thí điểm… chưa đạt hiệu quả cao do cần phải có thêm thời gian triển khai thử nghiệm (2-3 vụ trồng) để xác định tính hiệu quả trước khi chuyển giao và nhân rộng; nhu cầu đặt hàng, đề xuất nghiên cứu là rất lớn cho toàn vùng với trên 2.000 đề xuất, trong khi số lượng được triển khai là khiêm tốn (58 nhiệm vụ). Một số chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì chưa chú trọng công tác tổ chức, quản lý và giám sát; Tây Bắc là vùng có điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều thiên tai… cũng là những khó khăn, thách thức đối với các nhà khoa học khi tiến hành nghiên cứu tại địa phương; trình độ dân trí, đa dạng dân tộc sinh sống, trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng… đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết bởi nghiên cứu khoa học liên ngành, không đơn thuần là các vấn đề của từng lĩnh vực riêng rẽ.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Chương trình Tây Bắc đã đạt được đồng thời lưu ý một số điểm:

Một là, kết quả đạt được của Chương trình trong giai đoạn vừa qua cho thấy Tây Bắc là một trong những vùng mà thực tiễn phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Đó là hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do khai thác, sử dụng không hiệu quả tài nguyên, nhất là khoáng sản; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhất cả nước; chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức thấp; tệ nạn xã hội và tội phạm buôn lậu ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới… Địa bàn cũng luôn ẩn chứa những nguy cơ dẫn đến sự kỳ thị, chia rẽ, xung đột để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ và an ninh quốc gia… Điều này hàm ý việc tiếp tục tổ chức, triển khai nghiên cứu là xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của Vùng và sự PTBV của Tây Bắc cũng chính là sự PTBV của cả nước.

Hai là, trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, KH&CN, văn hóa đã trở thành nguồn lực trực tiếp và quan trọng bậc nhất của sự phát triển nhanh, bền vững của tất cả các quốc gia, dân tộc, vùng và địa phương. Tương tự như vậy đối với vùng Tây Bắc, để tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài, để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển thì lựa chọn duy nhất là phát huy nguồn lực trí tuệ và con người, tức là dựa vào sức mạnh của KH&CN, văn hóa.

Ba là, thời gian triển khai Chương trình giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, do vậy gặp nhiều khó khăn phức tạp. Chính phủ, Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là đối với các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm KH&CN vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần huy động đa dạng các nguồn lực, cả trong nước và quốc tế; cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp để lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế.

Bốn là, ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cụ thể hóa các chương trình hợp tác một cách chặt chẽ, thiết thực hơn, thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các chuyên gia và nhà khoa học có uy tín trong và ngoài ĐHQGHN; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương đề xuất các chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh mới.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)