Thứ tư, 29/07/2020 14:28

Nâng cao giá trị sản phẩm nhờ sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGAP

Lê Quốc Điền

Viện Cây ăn quả miền Nam

Trước nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất bưởi và cam sành theo VietGAP tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” đã được phê duyệt thực hiện. Kết quả, dự án đã xây dựng thành công 4 mô hình liên kết sản xuất bưởi và cam sành theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời tạo hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở nước ta.  

Mở đầu

Hiện nay nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước về các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm cây ăn quả nói riêng đặt ra yêu cầu cao đối với nhà sản xuất về chất lượng và an toàn thực phẩm. Để đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP - sản xuất đảm bảo những nguyên tắc về môi trường an toàn, không chứa các tác nhân gây bệnh do nhiễm sinh học (vi khuẩn, nấm, virus...) và hóa chất tồn dư trong sản phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat, kim loại nặng) có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong các mặt hàng cây ăn quả chủ lực hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, bưởi và cam sành là hai loại cây ăn quả có quy mô sản xuất lớn tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Theo điều tra của dự án, diện tích trồng bưởi và cam sành của 2 tỉnh này là hơn 15.000 ha với sản lượng trên 200.000 tấn quả/năm. Trong đó, diện tích trồng bưởi da xanh và cam sành tại Tiền Giang đạt lần lượt hơn 6.000 ha (cung cấp trên 50.000 tấn quả/năm) và 1.600 ha (cung cấp gần 15.000 tấn quả/năm). Tại Bến Tre, diện tích trồng bưởi toàn tỉnh đạt khoảng 3.700 ha (năng suất trung bình đạt khoảng 70.000 tấn quả/năm) và cam sành là khoảng 3.100 ha (năng suất đạt hơn 70.000 tấn quả/năm). Sản xuất bưởi và cam sành đã và đang góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân tại hai tỉnh... Tuy nhiên, việc phát triển bưởi da xanh và cam sành ở 2 tỉnh này còn mang tính tự phát, sản xuất manh mún, phân tán theo từng hộ gia đình, chất lượng không đồng đều nên gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra một lượng hàng hóa lớn, ổn định để có thể mở rộng thị trường theo hướng sản xuất lớn. Mặt khác, trước những yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tổng hợp để sản xuất bưởi và cam sành nói riêng, rau quả nói chung đạt chất lượng và an toàn, có thương hiệu, xây dựng được các nhóm sản xuất/tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng, áp dụng quy trình thống nhất tại các vùng sản xuất là rất cần thiết, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất bưởi và cam sành theo VietGAP tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” (thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020) với mục tiêu xây dựng được mô hình liên kết sản xuất bưởi và cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cao giá trị gia tăng nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGAP

Trên cơ sở kết quả khảo sát hiện trạng sản xuất bưởi và cam sành tại một số địa điểm ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, phân tích những mặt được và hạn chế so với yêu cầu của sản xuất VietGAP, dự án án đã thành lập được 4 tổ hợp tác sản xuất bưởi, cam sành tại 2 tỉnh nêu trên với diện tích hàng chục ha và hàng trăm hộ dân tham gia; hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp sâu đục quả trên bưởi. Quy trình đơn giản, dễ áp dụng, có hiệu quả phòng bệnh đạt trên 80%; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản theo VietGAP cho hơn 1.100 lượt nông hộ trồng bưởi, cam sành. Kết quả tập huấn đã giúp người dân nâng cao được kiến thức về kỹ thuật thâm canh, thu hoạch và bảo quản theo VietGAP cho sản phẩm bưởi và cam sành. Đặc biệt, dự án đã xây dựng thành công 4 mô hình sản xuất bưởi và cam sành đạt chứng nhận VietGAP, gồm: Tổ hợp tác bưởi da xanh Nhơn Thạnh (mã số VietGAP-TT-12-03-83-0002) có diện tích 19,73 ha, sản lượng trung bình 550 tấn/năm; Tổ hợp tác cam sành Tân Phú Tây (VietGAP-TT-12-03-83-003) có diện tích 13,3 ha, sản lượng trung bình 386,6 tấn/năm; Tổ hợp tác bưởi, cam sành Mỹ Lương (VietGAP-TT-13-04-82-0022) có diện tích 15,85 ha, sản lượng trung bình 489,30 tấn/năm; Tổ hợp tác bưởi Mỹ Đức Tây (VietGAP-TT-13-04-82-0023) có diện tích 12,75 ha, sản lượng trung bình 473,75 tấn/năm. Ngoài ra, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dự án đã tiến hành khảo sát về thị trường tiêu thụ bưởi, cam sành (qua khảo sát cho thấy, 70% các hộ trồng bưởi và cam sành tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều bán buôn cho thương lái, sản phẩm được tiêu thụ trong nước là chủ yếu, do vậy đầu ra của sản phẩm không ổn định về giá và sản lượng tiêu thụ), trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị với chính quyền và người dân địa phương về định hướng phát triển 2 loại trái cây này.

Mô hình sản xuất bưởi tại Tiền Giang.

Mô hình sản xuất cam sành tại Bến Tre.

Ngoài những kết quả đạt được theo kế hoạch và nội dung được phê duyệt, dự án còn có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, kinh tế và xã hội. Cụ thể, dự án đã tổng hợp được 11 quy trình kỹ thuật (quản lý tổng hợp bệnh thối rễ cây có múi; quản lý tổng hợp bệnh vàng lá Greening; quản lý tổng hợp sâu bệnh hại CCM theo tiêu chuẩn VietGAP; giám định nhanh bệnh vàng lá Greening trên cây có múi bằng phép thử nhuộm màu iod...) áp dụng hiệu quả vào sản xuất bưởi và cam sành tại 4 tổ hợp tác. Qua đó đã giúp giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh hại, giảm lượng phân bón hóa học, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước trong vùng sản xuất... Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng và chuyển giao cho hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre Sổ tay chất lượng và cam sành tươi cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu; Sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, hoạt động của 4 tổ hợp tác sản xuất bưởi và cam sành đã tạo ra sự chuyển biến mới trong tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa những nông dân có diện tích nhỏ lẻ thành một tổ chức có quy mô lớn, tập trung, giúp tăng thêm tính cộng đồng trong sản xuất, áp dụng kỹ thuật. Việc sinh hoạt hàng tháng đã giúp xã viên của 4 tổ hợp tác từ chỗ thiếu thông tin về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tiếp cận và vận dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thành công. Đạt được giấy chứng nhận VietGAP trong sản xuất bưởi và cam sành là minh chứng rõ nét khẳng định nông dân Bến Tre và Tiền Giang hoàn toàn có khả năng sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giấy chứng nhận VietGAP là công cụ hỗ trợ cho hoạt động quảng bá sản phẩm của 4 tổ hợp tác ở thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo thương hiệu cho bưởi và cam sành của Tiền Giang và Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung.  

Dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất bưởi và cam sành, cụ thể sản xuất bưởi theo VietGAP ở 2 tổ hợp tác bưởi da xanh Nhơn Thạnh và bưởi Mỹ Đức Tây có doanh thu cao hơn sản xuất truyền thống 294,3 triệu đồng/ha/năm (tương đương 36,9%) và 2 tổ hợp tác cam sành có doanh thu cao hơn sản xuất truyền thống 143,60 triệu đồng/ha/năm (tương đương 64,83%).

Trước thành công và hiệu quả của các mô hình mẫu, nhiều cán bộ nông nghiệp ở các vùng lân cận và nông dân xung quanh vùng dự án đã chủ động tổ chức đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để mở rộng sản xuất.
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)