Thứ ba, 14/07/2020 15:17

Năng lượng tái tạo: Bài toán cho an ninh năng lượng tại Việt Nam

Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), nhưng để khai thác và phát huy tối đa nguồn năng lượng này cần có cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư… của Nhà nước và doanh nghiệp. Đây là những nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương vừa tổ chức.  

Bước tiến mạnh mẽ về phát triển NLTT

Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn. Đặc biệt, gần đây nhất là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp phát triển NLTT, nhất là điện mặt trời và điện gió nhằm khai thác nguồn năng lượng “sạch và xanh” gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thống kê cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển NLTT, đặc biệt là về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành (chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam). Hiện tại, Bình Thuận đã có 20 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và 95 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư. Việc phát triển NLTT không chỉ khai thác hiệu quả lợi thế và tài nguyên của địa phương mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường… Trong thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau cũng đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các dự án NLTT cũng như các dự án điện khí LNG. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với tổng công suất khoảng 12.000 MW…

Nhiều dự án điện gió đang được triển khai tại Bình Thuận giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7% (thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%). Do vậy, để khôi phục sản xuất sau khi hết thời hạn giãn cách xác hội, ngoài việc đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời… là nhu cầu cần thiết và cấp bách. Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ, dẫn đến nguy cơ bị thiếu điện. Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng và phát triển các dạng năng lượng sạch như mặt trời, gió…, nhằm cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Ưu tiên cho NLTT

Việt Nam là đất nước có tiềm năng NLTT như thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… Việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn, với hơn 39% tổng diện tích được ước tính có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m, tương đương tổng công suất 512 GW. Bên cạnh đó, với tổng số giờ nắng trung bình cả nước lên đến trên 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, NLTT hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới. EVN đang phối hợp với GIZ nghiên cứu thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành. Để thúc đẩy phát triển NLTT, ông Võ Quang Lâm cũng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. Đối với điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi - nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Đối với điện mặt trời, cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư (doanh nghiệp và tư nhân), không cần đầu tư lưới điện đấu nối…

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Tập đoàn Hà Đô cho hay, về truyền tải, với các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư để giải tỏa công suất. Thực tế hiện nay, các dự án của Tập đoàn Hà Đô cũng không vướng mắc nhiều về vấn đề lưới điện truyền tải. Do đó, để phát triển NLTT, Chính phủ có những chính sách cụ thể hơn, dài hơi hơn về thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng để doanh nghiệp nhìn vào đó, đưa ra kế hoạch đầu tư của mình. Nếu thời gian ưu đãi, thu hút đầu tư ngắn, sẽ khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, không dám đầu tư mạnh trong vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt nam cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch, NLTT như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích nghiên cứu phát triển nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu, có hiệu suất thấp. Đồng thời, chúng ta phải tiến tới làm chủ trong sản xuất, vận hành các nhà máy, các thiết bị đồng bộ cho lĩnh vực năng lượng sạch và NLTT.

Phong Vũ
 
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)