Thứ ba, 30/06/2020 14:42

Hà Tĩnh: Sản xuất nấm theo hướng công nghệ cao

Nhằm hỗ trợ người dân vùng ven biển Hà Tĩnh nâng cao đời sống, có thêm lựa chọn mưu sinh bên cạnh nghề đi biển nhiều rủi ro, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu nhằm giải quyết việc làm và thu nhập cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh” đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua thực hiện Dự án, nhiều người dân đã có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập. Đặc biệt tư mô hình của Dự án, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận đã học hỏi và phát triển nghề trồng nấm với nhiều quy mô khác nhau.

Định hướng ứng dụng công nghệ cao

Ở Việt Nam nghề trồng nấm đang được quan tâm và phát huy thế mạnh. Tổng sản lượng các loại nấm ăn và nấm dược liệu của Việt Nam hiện nay đạt khoảng trên 150.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm. Các loại nấm đang được trồng phổ biến ở  Việt Nam rất đa dạng, trong đó, nấm ăn và nấm dược liệu được xác định là sản phẩm quốc gia.

Vốn đầu tư để trồng nấm so với các ngành sản xuất khác không lớn vì chủ yếu là công lao động nông nghiệp (chiếm khoảng 30-40% giá thành/đơn vị sản phẩm). Nếu tính trung bình để giải quyết việc làm cho 1 lao động chuyên trồng nấm ở nông thôn hiện nay có mức thu nhập 3-4 triệu/tháng, chỉ cần diện tích lán trại khoảng 100-500 m2, với số vốn đầu tư ban đầu nhỏ. Thị trường tiêu thụ các loại nấm ăn và nấm dược liệu ngày càng mở rộng. Giá bán nấm tươi ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh cao gấp 3-4 lần giá thành sản xuất. Riêng TP Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiêu thụ  khoảng 40 tấn nấm tươi các loại. Nhu cầu nấm ăn trong nước ngày càng tăng do nhiều người đã hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng của nấm. Thị trường xuất khẩu nấm ngày càng mở rộng, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước mà không phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị như nhiều ngành khác.

Chính vì các ưu điểm nêu trên, tại Hà Tĩnh, trong những năm qua, nghề trồng nấm đã từng bước hình thành và phát triển. Năm 2013, tỉnh đã thành lập Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu, đồng thời xác định nấm là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện phát triển nghề trồng nấm thông qua nhiều văn bản, chính sách cụ thể. Tuy đã mang lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, nhưng công nghệ trồng nấm áp dụng ở Hà Tĩnh vẫn là công nghệ cũ, bộc lộ nhiều điểm yếu như: thời gian nhân giống các cấp kéo dài, chất lượng không ổn định, tuổi giống không đồng nhất trong toàn bộ chai giống hay túi giống nên khó khăn trong việc sản xuất giống số lượng lớn, tự động; nguyên liệu nhân giống đắt; chi phí nhân công, điện năng, nhà xưởng cao...
Năm 2016, trong bối cảnh người dân ven biển phải chịu nhiều thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, một trong những giải pháp lâu dài được tỉnh xác định là phải tái cơ cấu ngành nghề, chuyển đổi và tạo thêm công ăn việc làm mới cho bà con bị ảnh hưởng. Đáp ứng một phần yêu cầu này, Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu nhằm giải quyết việc làm và thu nhập cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh”, thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”. Đề xuất này được đánh giá là phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới.

Ngay từ đầu, Dự án đã định hướng ứng dụng, chuyển giao những công nghệ mới nhất của nghề trồng nấm. Cụ thể là công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể (nuôi dưỡng giống trong môi trường lỏng, đảm bảo các điều kiện tối ưu về dinh dưỡng, nhiệt độ, độ thông thoáng, thời gian, giúp sợi nấm sinh trưởng mạnh trong môi trường dịch thể tầng sâu). Đây hiện là công nghệ nuôi trồng nấm tiên tiến nhất ở Việt Nam hiện nay. Công nghệ này không những phát huy được thế mạnh là rút ngắn thời gian sinh trưởng, giá thành sản xuất thấp, độ thuần cao, chất lượng tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp mà còn là tiền đề cho phát triển sản xuất giống nấm theo quy mô công nghiệp với số lượng lớn. Các công nghệ, phương pháp mà Dự án tiếp nhận, chuyển giao đều có xuất xứ từ các đề tài, dự án cấp nhà nước đã được các cơ quan quản lý (Bộ KH&CN, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận.

Hiệu quả của Dự án

Dự án được triển khai tại các địa phương ven biển của tỉnh, bao gồm các huyện: Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Đây là những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự cố môi trường biển Formosa. Sau hơn 3 năm thực hiện, Dự án hoàn thành tốt các nội dung và mục tiêu đề ra.

Tự chủ trong sản xuất giống nấm chất lượng cao

Dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên vững tay nghề cho Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu, tổ chức xây dựng thành công các mô hình sản xuất giống nấm: sò, mộc nhĩ, linh chi chất lượng cao tại đây. Đối với giống nấm cấp 1 dạng dịch thể, Dự án đã sản xuất được 99 l (50 l giống nấm sò, 39 l giống mộc nhĩ và 10 l giống nấm linh chi). Đối với giống nấm cấp 2 dạng dịch thể, đã sản xuất được 890 l (500 l giống nấm sò, 390 l giống mộc nhĩ). Đối với giống nấm dạng thể rắn, Dự án đã sản xuất được 9 tấn (5 tấn giống nấm sò cấp 3, 3,9 tấn giống mộc nhĩ cấp 3 và 100 kg giống linh chi cấp 2). Đối với sản xuất bịch phôi giống nấm, Dự án đã sản xuất được 900.000 bịch (500.000 bịch nấm sò, 390.000 bịch mộc nhĩ và 10.000 bịch nấm linh chi). Các giống nấm đều có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, khả năng sinh trưởng nhanh, giúp rút ngắn thời gian nuôi trồng.

 

Hình 1. Sản phẩm mộc nhĩ (trái) và linh chi (phải) của Dự án.

Các công nghệ, thiết bị được đầu tư đã giúp Trung tâm nâng cao năng lực sản xuất, có thể sản xuất giống nấm dạng dịch thể quy mô tối thiếu 250 l/mẻ, 20.000 lít/năm; sản xuất bịch phôi nấm quy mô 10.000 bịch/ngày - đủ năng lực cung cấp cho các hộ trồng nấm trên toàn tỉnh cũng như khu vực lân cận, điều tiết việc sản xuất phù hợp với cơ cấu sản phẩm theo mùa.

Cải thiện kinh tế cho người dân

Dự án đã mở 8 lớp tập huấn về các kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho bà con, quy mô 50 người/lớp. Thông qua đó, người dân đã nắm vững được đặc điểm sinh học của cây nấm và các kỹ thuật treo bịch, rạch bịch, tưới nấm, hái nấm, phòng trừ sâu bệnh cho cây nấm, xử lý bịch thải sau thu hoạch (dùng làm phân hữu cơ cho các loại cây trồng khác...). Bên cạnh đó, trong suốt quá trình triển khai Dự án, các cán bộ của Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu luôn theo sát, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Trong số 60 hộ dân tham gia xây dựng mô hình sản xuất nấm thuộc Dự án, có 20 hộ xây dựng lán trại 100 m2, 20 hộ xây dựng lán trại 150 m2 và 20 hộ xây dựng mô lán trại 200 m2. Quy mô nuôi trồng 10.000 bịch phôi giống nấm/100 m2, mỗi năm trồng 2-3 đợt. Với giống nấm, người dân được hỗ trợ 50% kinh phí và được thu toàn bộ lợi nhuận. Cụ thể, với nấm sò, Dự án đã cung cấp 5.000.000 bịch phôi, giúp người dân thu lợi nhuận gần 3 tỷ đồng/vụ (mỗi vụ 4 tháng); với mộc nhĩ, Dự án cung cấp 390.000 bịch phôi, giúp người dân thu trên 800 triệu đồng lợi nhuận/vụ; với nấm linh chi, Dự án cung cấp 10.000 bịch phôi, giúp người dân thu gần 80 triệu đồng lợi nhuận/vụ. Mỗi hộ trồng nấm thường sử dụng ít nhất 1 lao động trực tiếp thường xuyên, như vậy chỉ trong khuôn khổ thực hiện Dự án đã tạo được công ăn việc làm cho ít nhất 60 lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Hình 2. Bàn giao nguyên vật liệu hỗ trợ cho các hộ trồng nấm.

Hiện nay, do nguồn cầu lớn nên sản phẩm nấm do các mô hình sản xuất luôn tiêu thụ hết mà không cần đến sự hỗ trợ bao tiêu của Trung tâm. Tuy nhiên, để nâng cao kỹ năng tiếp cận với thị trường, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho người nông dân và để tăng giá trị của sản phẩm, Trung tâm đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nấm với siêu thị Coopmart Hà Tĩnh và siêu thị VinMart Hà Tĩnh, tạo tiền đề để người dân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Hiện nay, từ các mô hình mẫu của Dự án, rất nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận đã học hỏi và phát triển nghề trồng nấm với nhiều quy mô khác nhau.

Có thể nói, thông qua Dự án, người dân thuộc các huyện ven biển Hà Tĩnh đã có thêm công ăn việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bổ sung thêm ngành nghề sản xuất để đảm bảo cuộc sống.

Minh Nguyệt

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)