Thứ hai, 22/06/2020 11:30

Việt Nam và một số ưu tiên đột phá trong chiến lược phát triển sau đại dịch Covid-19

PGS.TS Vũ Minh Khương

Đại học Quốc gia Singapore

Trước cục diện đổi thay, trong đó có “hậu Covid-19”, thế giới đang đứng trước một kỷ nguyên phát triển mới. Kỷ nguyên này đang mở ra cho Việt Nam một bước ngoặt mang tính cơ hội trong phát triển (tiềm năng, động năng và thế năng). Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, chúng ta cần ưu tiên 5 nội dung mang tính chiến lược: đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, nâng tầm hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, dốc sức giúp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có bước tiến vượt bậc trong nỗ lực trở thành thành phố toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong công cuộc phát triển với những cơ hội vô giá để làm nên một sự tích thần kỳ trong 2-3 thập kỷ tới.

Cục diện đổi thay và đặc trưng đại diện cho kỷ nguyên phát triển mới

Thế giới đã trải qua những đổi thay nhanh chóng và chưa từng có trong mấy thập kỷ qua. Ba động lực chủ đạo, có tương tác cộng hưởng với nhau, tạo nên sự đổi thay này là toàn cầu hóa, cuộc cách mạng số, và nỗ lực cải cách kinh tế ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á. Thế nhưng, toàn cầu hóa giúp gia tăng của cải chứ không gia cường lòng tin; tiến bộ công nghệ giúp nâng cao năng lực và hiệu quả vận hành cá nhân nhưng chưa coi trọng xây dựng ý thức cộng đồng; thành công trong cải cách giúp tăng cường sức mạnh kinh tế ở phạm vi quốc gia nhưng còn hạn chế trong tạo nên giá trị cộng hưởng và nâng cao tính bền vững của hệ sinh thái toàn cầu.

Vì vậy, mặc dù những đổi thay sâu sắc trong mấy thập kỷ vừa qua đã tạo nên những thành quả kỳ vĩ, chúng cũng hình thành nên những mâu thuẫn và thách thức to lớn mà thế giới không thể vượt qua nếu tiếp tục duy trì mô hình phát triển cũ.

Đại dịch Covid-19 không chỉ là một bệnh dịch khủng khiếp với những tổn hại to lớn về sức khỏe và kinh tế mà còn là một đòn chí mạng vào mô hình phát triển cũ, buộc cộng đồng thế giới và mỗi quốc gia phải có những quyết định quả cảm và quyết đoán, mang tính bước ngoặt trong kiến tạo mô hình phát triển mới. Trước những đổi thay có tính bước ngoặt này, các quốc gia có khả năng trở thành đại diện ưu tú cho một kỷ nguyên phát triển mới cần tích hợp được 3 đặc trưng sau:

Thứ nhất, tâm thế sống còn. Với đặc trưng này, quốc gia luôn canh cánh về hiểm họa đe dọa sự sống còn của mình và coi việc vượt qua hiểm họa này là ưu tiên hàng đầu. Do đó, mọi nỗ lực hành động luôn ở mức cao và triệt để nhất, không chỉ vì khát vọng vươn lên mà cả vì tầm quan trọng của nó đối với sự sống còn của quốc gia.

Thứ hai, tầm nhìn “tiến hóa”. Với tầm nhìn này, quốc gia sẽ đặc biệt chú ý tìm kiếm và tiếp nhận các “gen” có sức sống cao trong kỷ nguyên phát triển mới hơn là chú ý đến những tiêu chí tạo nên thành công của kỷ nguyên cũ. Với tầm nhìn này, quốc gia không nên chỉ coi trọng nâng cao sức sống của chính mình mà cả sức sống của hệ sinh thái mà mình là thành viên. Nghĩa là, sự tồn tại của mình phụ thuộc không chỉ vào sức sống của bản thân mà cả vào giá trị mình đóng góp cho sức sống của cả cộng đồng. Tầm nhìn này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt vào việc nâng cao khả năng kiến tạo cộng hưởng. Năng lực này thể hiện không chỉ ở nỗ lực tìm kiếm và thu nhận kiến thức tinh hoa toàn cầu để vươn lên mà còn ở các thiết chế kiến tạo giá trị từ sức mạnh cộng hưởng với đối tác và cộng đồng.

Thứ ba, sự coi trọng phát triển bền vững. Sự bền vững ở đây không chỉ trong giới hạn của môi trường tự nhiên và tiêu thụ năng lượng mà cả ở nền tảng thể chế và thiết chế văn hóa - xã hội. Sự coi trọng này giúp chúng ta tránh được sự thiên lệch thái quá vào thị trường và năng lực cá nhân mà xem nhẹ tác động quyết định của quy luật tự nhiên và xã hội trong quá trình phát triển lâu dài.

Việt Nam trước bước ngoặt phát triển

Mặc dù còn là một nước ở mức thu nhập trung bình thấp với nhiều khó khăn và thách thức về thể chế, năng lực, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia sáng giá không chỉ trong đối đầu với đại dịch Covid-19 mà cả ở tiềm năng có thể làm nên những kỳ tích phát triển trong những thập kỷ tới. Lý do để nhiều chuyên gia có thể đồng thuận với nhận định này là Việt Nam đang được đánh giá khá cao trên cả 3 thước đo: tiềm năng, động năng, và thế năng.

Về tiềm năng, Việt Nam hội tụ những điều kiện lý tưởng mà người ta thường nói là “không giàu mới lạ”: dân số gần 100 triệu, thuần nhất và năng động; thể chế chính trị ổn định và coi kiến tạo phát triển là ưu tiên hàng đầu; nền kinh tế có độ hội nhập sâu và nhịp độ tăng trưởng cao; vị trí chiến lược với những điều kiện địa lý lý tưởng của một tâm điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về động năng, Việt Nam đã chứng tỏ là quốc gia bước đầu hội tụ đủ, mặc dù còn sơ khai cả 3 tiêu chí của quốc gia có khả năng đại diện cho kỷ nguyên phát triển mới như đã nêu ở trên (ý thức sống còn, tầm nhìn tiến hóa và sự coi trọng phát triển bền vững). Trong đó, Việt Nam khá mạnh về đặc trưng “ý thức sống còn” và sẽ còn mạnh lên rất nhiều trước những thách thức khắc nghiệt mà dân tộc sẽ phải đương đầu trong các thập kỷ tới. Tuy nhiên, về hai đặc trưng sau, Việt Nam mới có những bước đi đầu tiên và còn phải làm rất nhiều để biến chúng thành sức mạnh thực thụ.

Về thế năng, sự va đập giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt và vai trò quan trọng chiến lược của Đông Nam Á trong đóng góp vào cục diện phát triển châu Á giúp Việt Nam có một vị thế ngày càng lớn. Nếu Việt Nam phất lên ngọn cờ cải cách và phát huy cao độ các đặc trưng của quốc gia đại diện cho kỷ nguyên phát triển mới, cộng đồng Đông Nam Á và thế giới sẽ trở thành một động lực mạnh mẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh công cuộc phát triển của mình.

Trên thực tế, trong con mắt nghiên cứu của giới quan sát quốc tế, mặc dù Việt Nam còn ở mức rất thấp về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người so với các nước phát triển nhưng khả năng Việt Nam vươn lên để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển trong ba thập kỷ tới không phải là điều xa vời. Thực vậy, bảng 1 so sánh Việt Nam với 5 nền kinh tế G7 có quy mô tương đồng về dân số (Nhật Bản: 127 triệu, Đức: 84 triệu, Anh: 68 triệu, Pháp: 65 triệu và Italy: 61 triệu) cho thấy Việt Nam mạnh cả về tiềm năng và động năng phát triển.

Bảng 1. Việt Nam trong so sánh với 5 nước G7 trên một số chỉ số phát triển.

Chỉ số

Việt Nam

Nhật Bản

Đức

Anh

Pháp

Italy

Dân số (triệu người)a

97

127

84

68

65

61

Ngành công nghiệp chế tạob

Số lao động (nghìn người) 

2005

3,099

7,549

7,004

3,138

3,662

3,837

2017

7,651

7,820

7,189

2,522

2,818

3,211

*CAGR (2005-2017)

7,8%

0,3%

0,2%

-1,8%

-2,2%

-1,5%

Năng suất lao động (USD/công nhân)

2005

3,236

124,397

76,253

83,496

72,678

67,841

2017

8,902

116,969

88,723

89,195

91,239

80,408

CAGR (2005-2017)

8,8%

-0,5%

1,3%

0,6%

1,9%

1,4%

Ngành công nghiệp chế tạo hàng điện tử, công nghệ thông tinb

Số lao động (nghìn người) 

2005

11

118

42

28

9

12

2017

693

1,262

348

111

129

82

CAGR (2005-2017)

41,0%

21,8%

19,4%

12,1%

24,9%

17,3%

Năng suất lao động (USD/công nhân)

2005

10,824

128,546

113,035

84,183

69,984

59,138

2017

21,013

121,036

102,272

104,496

104,599

79,357

CAGR (2005-2017)

5,7%

-0,5%

-0,8%

1,8%

3,4%

2,5%

Xuất khẩu hàng hóa (tỷ USD)a

1998

9,4

387,9

543,8

273,9

320,6

245,8

2018

245,6

738,4

1.560,8

485,7

581,8

546,6

CAGR (1998-2018)

17,7%

3,3%

5,4,%

2,9%

3,0%

4,1%

Khách du lịch quốc tế (triệu người)a

1998

1,5

4,1

16,5

23,7

70,1

34,9

2018

15,5

31,2

38,9

36,3

89,3

61,6

CAGR (1998-2018)

12,3%

10,7%

4,4%

2,2%

1,2%

2,9%

Mức độ thâm nhập của công nghệ thông tin (trên 100 người dân)c

Dùng internet

70,4

93,8

96,0

94,9

92,3

92,5

Dùng Facebook

68,5

22,1

37,6

65,7

50,4

50,7

Chất lượng hạ tầng thông tin (đại diện bằng tốc độ kết nối internet trung bình)d

Mạng internet di động (Mbps)

33,97

35,73

37,31

35,39

43,04

30,30

Ghi chú: *CAGR là mức tăng trưởng bình quân hàng năm (đơn vị tính: %).

Nguồn: aWorld Development Indicators database; bUNIDO Industrial database; cInternet World Stat, https://www.internetworldstats.com/stats.htm; dGlobal Speeds March 2020, https://www.speedtest.net/global-index.

Từ bảng 1 có thể rút ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, mặc dù về năng suất lao động trong khu vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam còn rất thấp so với các nước G7, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khá cao nên khoảng cách này được thu hẹp đáng kể trong thời gian qua; chẳng hạn, so sánh Việt Nam - Nhật Bản trên chỉ số này giảm từ mức 1/40 xuống mức 1/13 trong giai đoạn 2005-2017.

Thứ hai, số lượng lao động trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam tăng rất nhanh và vào năm 2017 đã ngang bằng với Nhật Bản, Đức và gấp hơn hai lần so với các nước Anh, Pháp, Italy. Bảng 1 cũng cho thấy tốc độ phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp điện tử trên các chỉ số nêu trên (mặc dù về trình độ công nghệ còn rất thấp, chủ yếu là lắp ráp).

Thứ ba, Việt Nam tăng rất nhanh trên các chỉ số hội nhập và không còn quá xa so với các nước G7 về tổng giá trị xuất khẩu cũng như lượng khách du lịch quốc tế.

Thứ tư, về ứng dụng công nghệ thông tin (đo bằng tỷ lệ thâm nhập internet và mạng xã hội facebook) và hạ tầng số (đo bằng tốc độ trung bình của internet di động), Việt Nam cũng không quá thấp kém so với những nền kinh tế hàng đầu này.

5 nội dung ưu tiên chiến lược

Với lợi thế thành công ấn tượng trong kiểm soát đại dịch Covid-19, các nỗ lực phát triển sắp tới sẽ tạo hiệu ứng rất lớn nếu chú trọng cả 3 phương diện: hiệu quả thiết thực, nền tảng lâu dài, và tín hiệu chiến lược với cộng đồng quốc tế. Trong các nỗ lực này, 5 ưu tiên chiến lược nên được đặc biệt chú trọng. Cần chú ý là 5 nội dung này có sự lồng ghép và tương tác khá chặt chẽ với nhau.

Một là, đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số. Nỗ lực này trước hết chú trọng khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp, và cơ quan công quyền. Chìa khóa tạo nên hiệu lực khuyến khích cao là nâng cao nhận thức, tạo động lực lợi ích, nâng cấp điều kiện hạ tầng, xây dựng hệ thống thước đo đánh giá kịp thời và xác đáng. Đại dịch Covid-19 là một cú hích đặc biệt, giúp toàn xã hội đi một bước lớn trong ứng dụng công nghệ số. Nỗ lực chuyển đổi số cần tận dụng tối đa đà thuận lợi này để tạo nên những bước chuyển lớn và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trong hệ thống thước đo đánh giá, cần đặc biệt chú ý xây các chỉ số về mức độ tiến hóa số như tỷ lệ làm việc tại nhà so với tổng số lao động; tỷ lệ các cuộc họp/gặp gỡ trực tuyến so với tổng số cuộc họp/gặp gỡ; tỷ lệ các giờ học trực tuyến trong tổng số giờ học. Với đà đi lên hiện nay, Việt Nam có thể tăng hạng rất mạnh trong thời gian tới trên các bảng xếp hạng của thế giới về ứng dụng số; đặc biệt là chính phủ điện tử và thương mại điện tử.

Hai là, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Đây là nỗ lực đồng bộ và chiến lược trên cả 4 trụ cột: (i) cải cách thể chế để tăng tính trách nhiệm và minh bạch; (ii) gia cường tổ chức để có lãnh đạo giỏi, động lực khuyến khích thỏa đáng, khả năng phối thuộc tổng lực; (iii) thu hút cán bộ và chuyên gia giỏi; và (iv) xây dựng chính phủ số. Trong ưu tiên thứ hai, cần các sáng kiến có tính đột phá, giải quyết những vấn đề thách thức nhất như lạm quyền trong thanh tra doanh nghiệp; giám sát và thúc đẩy đầu tư công; khai báo tài sản cán bộ. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi độ minh bạch nhờ số hóa tăng lên, các bài toán vốn rất khó trong mô hình cũ trở nên đơn giản rất nhiều.

“Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú” là một trong những nội dung ưu tiên chiến lược.

Ba là, nâng tầm hội nhập quốc tế. Chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn như thực hiện hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), tham gia bộ tứ kim cương mở rộng (Quard-plus), gắn kết sâu hơn với các nước Đông Nam Á (đặc biệt là Singapore). Trao đổi gần đây giữa hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lý Hiển Long đang mở ra những triển vọng mới quan trọng. Việt Nam nên có các báo cáo chiến lược hàng năm về triển vọng thị trường và hiện trạng hợp tác đầu tư - thương mại với từng đối tác lớn (đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore) để giúp các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư có sự gắn kết với nhau cao hơn và có quyết định chuẩn xác hơn. Các báo cáo này cũng sẽ giúp Việt Nam làm thế giới ngạc nhiên về độ sâu sắc của mình trong hiểu biết thực tế và gắn kết với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một điều cần chú ý là thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cần có những thay đổi chiến lược, chuyển từ mô hình truyền thống dựa trên chi phí lao động rẻ và ưu đãi thuế lớn sang nguồn nhân công giỏi, môi trường kinh doanh thuận lợi, độ tin cậy chiến lược cao. Nếu không có thay đổi lớn, bảng 2 dưới đây cho thấy xu thế chuyển FDI từ Trung Quốc sang các nước ASEAN dường như chọn Indonesia* là điểm đến nhiều hơn so với Việt Nam.

Bảng 2. Nguồn FDI ròng từ Mỹ tới các nước châu Á năm 2018 và 2019.

(các nước được xếp theo trình tự giảm dần về chênh lệch dòng FDI giữa năm 2018 và 2019, đơn vị: tỷ USD)

Quốc gia/nền kinh tế

2018

(A)

2019

(B)

Thay đổi

(B)-(A)

Trung Quốc

7.592

5.113

-2.479

Malaysia

-88

-2.157

-2.069

Đài Loan

529

-47

-576

Philippines

689

302

-387

Hong Kong

1.242

944

-298

Thái Lan

44

1.126

1.082

Hàn Quốc

-455

1.564

2.019

Ấn Độ

2.080

4.952

2.872

Nhật Bản

3.289

6.609

3.320

Indonesia

-3.051

1.351

4.402

Singapore

-47.508

24.478

71.986

Các nước khác (Việt Nam, Campuchia...)

835

942

107

Nguồn: The U.S. Bureau of Economic Analysis (BEA) database.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực. Sáng kiến đột phá trong ưu tiên này nên hướng đến việc khai thác tối đa nền tảng số và nguồn lực toàn cầu; đồng thời không chỉ chú ý đến năng lực chuyên môn mà cả ý thức dân tộc và phẩm chất nhân văn. Một vài ví dụ có thể là: sinh viên được phép học tự do ít nhất một môn tự chọn trong mỗi học kỳ từ internet với sự hướng dẫn của GS quốc tế đủ uy tín; sinh viên có trình bày xuất sắc trên youtube về nội dung môn học nào thì được miễn thi môn học đó; tổ chức các cuộc thi (qua youtube) có chủ đề dân tộc, từ diễn đọc các áng văn lịch sử như “Đại Cáo Bình Ngô”, “Hịch Tướng Sỹ”… đến dàn dựng các vở kịch ngắn về lòng yêu nước và tính nhân văn của con người Việt Nam.

Năm là, dốc sức giúp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có bước tiến vượt bậc trong nỗ lực trở thành thành phố toàn cầu. Việt Nam không thể tiến xa nếu 2 thành phố trụ cột này tắc nghẽn, ô nhiễm và thiếu sinh lực. Việc đầu tư hỗ trợ thành phố nên bắt đầu bằng tấn công quyết liệt vào các điểm yếu cốt tử, đặc biệt là hạ tầng và chất lượng bộ máy, hơn là dồn tiền của vào một số dự án hoành tráng. 5 nội dung ưu tiên nêu trên cần được thí điểm mạnh mẽ ở hai thành phố này.

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong công cuộc phát triển với những cơ hội vô giá để làm nên một sự tích thần kỳ trong 2-3 thập kỷ tới. Nếu cơ hội này thành hiện thực, Việt Nam không chỉ trở thành một quốc gia phát triển khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày độc lập vào năm 2045 mà còn là một minh chứng sống động cổ vũ các nước đang phát triển về khả năng trỗi dậy phi thường của một dân tộc nghèo biết vượt qua số phận để hòa nhập và vươn lên hàng đầu trong dòng chảy tiến hóa của nhân loại.

Ghi chú:

* FDI ở Singapore cũng có sự thay đổi khá lớn, nhưng lại khác khá nhiều với các nước khác vì nó có tỷ lệ lớn liên qua đến mua bán, sáp nhập công ty chứ không chỉ là xây mới. Với Indonesia, FDI có sự tương đồng với các nước trong khu vực, trong đó phần lớn là do thu hút vào lĩnh vực khai khoáng.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)