Thứ hai, 15/06/2020 14:41

Quảng Bình chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ở trong và ngoài tỉnh ngày càng mở rộng, sự phát triển vượt bậc của các hoạt động du lịch, thương mại của tỉnh đã làm cho nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng tăng cao. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình là một tất yếu khách quan và là bước đi đúng hướng.

Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 18 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (Đồng Hới: 4, Bố Trạch: 5, Lệ Thủy: 4, Quảng Ninh: 1, Quảng Trạch: 2, Ba Đồn: 1 và Tuyên Hóa: 1 cơ sở) ở các lĩnh vực trồng rau, quả an toàn, trồng cây dược liệu, hoa… chủ yếu áp dụng công nghệ trồng trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh với tổng diện tích 100 ha. Về chăn nuôi, có 3 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trên nhiều khâu sản xuất của các doanh nghiệp (Quảng Ninh: 1, Đồng Hới: 1 và Ba Đồn: 1 cơ sở). Về thủy sản, có 3 cơ sở nuôi trồng áp dụng công nghệ cao đối với tôm thẻ chân trắng trên cát (Lệ Thủy: 1, Quảng Ninh: 1 và Đồng Hới: 1 cơ sở). Về lâm nghiệp, có 2 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây lâm nghiệp như công nghệ nuôi cấy mô và tưới tiết kiệm nước (Đồng Hới: 1 và Bố Trạch: 1 cơ sở).

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đó là Công ty Cổ phần Thanh Hương, với diện tích mặt nước nuôi tôm 20 ha tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) với sản lượng đạt khoảng từ 400-500 tấn/năm; Công ty Cổ phần Đức Thắng có diện tích mặt nước nuôi tôm 11,2 ha tại xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) với sản lượng đạt từ 300-400 tấn/năm.

Để khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ gia đình đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực.

Riêng trong 2 năm (2018-2019), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình liên kết sản xuất cây có múi gắn với tưới theo công nghệ Israel với quy mô 4 ha tại xã Kim Hóa (Tuyên Hoá); mô hình lắp đặt hệ thống tưới Israel trên cây có múi với quy mô 4 ha tại huyện Lệ Thủy, 2 ha tại huyện Tuyên Hóa và 2 ha tại huyện Bố Trạch; hỗ trợ xây dựng 6 nhà lưới và lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm cho mô hình sản xuất rau an toàn tại 6 huyện, thị xã, thành phố với quy mô diện tích gần 1.000 m2/nhà lưới…

Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan mô hình sản xuất, bà Dương Thị Vinh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kiến Giang cho biết: nhờ sự hỗ trợ kinh phí của huyện Lệ Thủy, năm 2016, HTX đã có thêm điều kiện để xây dựng 600 m2 nhà lưới, trồng các loại dưa lưới, cà chua, rau màu quanh năm theo tiêu chuẩn an toàn, không lo thất thu vì sâu bệnh gây hại, mang lại năng suất, hiệu quả cao. Nếu giống dưa lưới trồng ở ngoài nhà lưới, mỗi cây chỉ cho 1 quả, thì ở đây, trồng trong nhà lưới, mỗi cây cho tới 2-3 quả. Sản lượng dưa/1.000 m2 có thể lên đến 5 tấn. Đây là một điều hiếm thấy, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp sạch ở huyện Lệ Thuỷ.

Là người có nhiều năm gắn bó với địa bàn huyện Bố Trạch, cho nên tôi khá hiểu HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (thôn Sơn Lý, Sơn Lộc, Bố Trạch, Quảng Bình) do ông Nguyễn Quốc Hương làm giám đốc. Từ một cơ sở trồng nấm với quy mô nhỏ khoảng trên 100 m2, đến năm 2016 đã thành lập nên HTX với với số vốn điều lệ 3,1 tỷ đồng, có 27 thành viên, với diện tích trồng nấm lên đến 8.000 m2. Đến nay các sản phẩm của HTX đã trở thành một thương hiệu có tiếng không chỉ ở tỉnh Quảng Bình và còn vươn ra một số tỉnh trong khu vực miền Trung.

Ông Hương cho biết thêm, nhờ mở rộng nhà xưởng và quy mô sản xuất, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ, cung cấp các sản phẩm đầu vào giá rẻ, các sản phẩm đầu ra an toàn, cũng như có chiến lược kinh doanh bài bàn, hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả. Bên cạnh ngành nghề chính là sản xuất nấm sạch, HTX còn thực hiện chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và nông - lâm nghiệp; cung ứng vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu trồng nấm; sản xuất phân hữu cơ vi sinh; sản xuất trà và rượu linh chi; tiêu thụ, chế biến, thu mua xuất khẩu nấm và các mặt hàng nông sản. Hiện nay, trung bình mỗi năm, HTX trồng được 4 tấn nấm linh chi khô, 49 tấn nấm mộc nhĩ khô, 45 tấn nấm sò tươi, 3,6 tấn nấm rơm và sản xuất khoảng 150 lít rượu từ nấm linh chi, mang lại doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3,1 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đạt ít nhất trên 550 ha (ngô 150 ha, khoai lang 190 ha, cây ăn quả 100 ha, hồ tiêu 15 ha, rau củ quả các loại 27 ha, nông sản hữu cơ 20 ha và cây dược liệu 60 ha). Đối với chăn nuôi, tập trung hình thành các tổ hợp tác sản xuất theo hình thức khép kín với khoảng 10 hộ, tổ hợp tác và 35 trang trại, 2-3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Trong lĩnh vực thủy sản, phấn đấu có ít nhất trên 40 ha nuôi cá nước ngọt, 50 ha nuôi tôm trên cát, 30 ha nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính ở TP Đồng Hới, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Ninh.

Trước mắt, trong giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương tiềm năng, như khu vực Tây Bắc TP Đồng Hới, Tây Nam huyện Bố Trạch... Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố, thị xã đều có các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao (khoảng 51 cơ sở). Trong đó trồng trọt có 32 cơ sở, chăn nuôi 8 cơ sở, thủy sản 7 cơ sở và lâm nghiệp 4 cơ sở. Phấn đấu có khoảng 30 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Tổng dự toán kinh phí thực hiện 20.122,4 triệu đồng. Riêng năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng thí điểm 5 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (VietGap, HACP...) và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị thẩm định, công nhận doanh nghiệp công nghệ cao (3 doanh nghiệp trồng trọt, 1 doanh nghiệp chăn nuôi và 1 doanh nghiệp thủy sản). Kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 3.770,4 triêu đồng.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chính là những tín hiệu vui đối với nền nông nghiệp tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ tái cơ cấu để phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Trương Văn Hà

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)