Thứ hai, 01/06/2020 15:26

Kỹ năng tư vấn tâm lý học đường

“Kỹ năng tư vấn tâm lý học đường” là chủ đề của buổi toạ đàm trực tuyến Giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 diễn ra chiều 30/5/2020. Buổi tọa đàm do Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức; thu hút hàng nghìn lãnh đạo các cơ sở giáo dục và giáo viên của TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, TS Trần Văn Công đến từ Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục đã chỉ ra rằng, các nghiên cứu cho thấy vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần ảnh hưởng 10-20% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Các vấn đề như tăng động giảm chú ý, hành vi hung tính, vi phạm chuẩn mực, sử dụng chất kích thích, lo âu, trầm cảm, rối loạn học tập đã được chứng minh kéo theo sự suy giảm thành tích, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra của giáo dục. Nhu cầu muốn được tư vấn tâm lý về các vấn đề học tập, mối quan hệ và hành vi cảm xúc chiếm đến 80% số lượng các bạn học sinh. Một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề này chính là các dịch vụ tham vấn học đường được triển khai trong nhà trường. Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý học đường đã ra đời để giải quyết thực trạng xã hội đó. “Mỗi nhà trường cần xem việc tư vấn tâm lý học đường là một công việc chuyên nghiệp và cán bộ tư vấn cần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác này” - các chuyên gia khuyến cáo.

Các chuyên gia đã hướng dẫn các thầy cô các hướng tư vấn tâm lý học đường hiệu quả, trong đó tập trung vào những kỹ năng nhận diện hành vi cảm xúc thường gặp của học sinh, hiểu nguyên nhân và mục đích của những hành vi ứng xử chưa đúng, biết cách thức hỗ trợ học sinh có các vấn đề hành vi cảm xúc; trở thành người tư vấn hỗ trợ học sinh với các kỹ năng cơ bản như chăm chú, lắng nghe, phản hồi cảm xúc, thấu cảm…

Ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, nội dung tọa đàm phù hợp với nhu cầu xã hội và tình hình thực tế trong công tác tư vấn tâm lý học đường tại địa phương. Nhiều giáo viên bày tỏ sự hữu ích của buổi tọa đàm, nó giúp các thầy cô nhận ra không cần quá nhiều kỹ năng hay lý thuyết phức tạp mà chỉ cần thực sự chăm chú đến học sinh, lắng nghe các em và cha mẹ các em không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt, bằng con tim của mình, nhận ra những cảm xúc đằng sau lời nói của học sinh đã là cách làm giảm nhẹ áp lực tâm lý rất hiệu quả rồi. Những buổi tư vấn như thế này sẽ giúp các thầy cô kết nối nguồn học liệu từ các chuyên gia uy tín đến từ trường đại học để sẵn sàng hỗ trợ học sinh vượt qua những áp lực trong cuộc sống.

Thùy Dương

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)