Thứ ba, 26/05/2020 14:26

Nguy cơ dịch, bệnh hại cây trồng và định hướng phòng chống

Sinh vật gây hại cây trồng nông nghiệp (sâu hại, bệnh hại, cỏ dại...) luôn là yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản trong quá trình sản xuất và bảo quản sau thu hoạch. Để góp phần giải quyết vấn đề này, ngày 25/5/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo trao đổi về những nguy cơ dịch, bệnh gây hại cây trồng và định hướng phòng chống nhằm đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Theo các nhà khoa học, sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại cây trồng có mối quan hệ mật thiết với điều kiện sinh thái. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày một cao, ngập lụt, xâm nhập mặn... xảy ra ngày càng trầm trọng và không theo quy luật là những yếu tố góp phần làm xuất hiện các loài dịch mới; nhiều loài dịch hại thứ yếu có thể trở thành chủ yếu; vòng đời dịch hại ngắn lại, số lứa trong năm và khả năng sinh sản tăng lên, dẫn đến thiệt hại do chúng gây ra sẽ ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát.

Thành phần sinh vật gây hại cây trồng ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Chỉ tính riêng sâu hại (các loài côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật), đến năm 2013 đã có ít nhất 1.124 loài gây hại trên 77 loại cây trồng nông nghiệp phổ biến ở nước ta. Các nhà khoa học cũng ghi nhận được hơn 540 loài nấm gây các bệnh hại thực vật khác nhau trên các cây trồng ở nước ta và gần 700 loài cỏ dại... Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nước ta đã xuất hiện thêm nhiều loài dịch hại mới và bùng phát trở lại nhiều đợt dịch sâu bệnh gây hại nặng nề cho nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta như dịch vàng lùn (lùn xoăn lá), bệnh lùn sọc đen phương nam, dịch rầy nâu..., và gần đây là sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.

Từ thực trạng về sâu bệnh hại hiện nay, các đại biểu cho rằng cần đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với sự bùng phát các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là sự bùng phát của các loại sâu bệnh hại mới, các sâu bệnh hại thứ yếu gần đây trở thành chủ yếu, gây hại mạnh đối với một số cây trồng chính; cần đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo vệ thực vật đang được sử dụng hiện nay (biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học...) để cải tiến và nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo vệ thực vật trong điều kiện biến đổi khí hậu; cần xây dựng chiến lược nghiên cứu phòng chống dịch bệnh hại, phân loại đối tượng...

CM
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)