Thứ ba, 10/03/2020 15:43

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020: Nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực

Mặc dù đa số các sản phẩm của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến 2020 (Chương trình) đều đang trong quá trình triển khai, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật về khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Điển hình có thể kể đến: sản phẩm Lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao đem lại lợi nhuận gián tiếp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; giàn khoan dầu khí di động được chế tạo thành công đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước Đông Nam Á có đủ năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị phức tạp này...

Vai trò của Chương trình - tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg vào ngày 31/12/2010 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg). Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, việc xác định ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh với quốc tế là một quyết sách đúng đắn. Theo đó, việc triển khai “Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020” sẽ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo sự gắn kết giữa lực lượng nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp mà quan trọng hơn là sẽ tạo ra sự đột phá trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, tạo ra các ngành, nghề mới, sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của nền kinh tế thay thế nhập khẩu, hạn chế tình trạng nhập siêu. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ nâng cao được năng lực nghiên cứu, làm chủ các công nghệ tiên tiến, tăng cường trang thiết bị, đội ngũ cán bộ KH&CN được đào tạo phục vụ cho mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt quy mô giá trị hàng nghìn tỷ đồng, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Một số sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực công nghiệp, hàng loạt các doanh nghiệp lớn tiếp tục khẳng định vị trí thương hiệu như sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp Viettel, Vinfast, Trường Hải, Công ty CP thiết bị điện Đông Anh, Viglacera, Minh Long... Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chế biến quy mô ngày càng lớn như Lavifood, Doveco, Nafoods Group, Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed… Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, việc xác định ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh với quốc tế, việc triển khai Chương trình càng cấp thiết đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh ngày càng cao hiện là nhu cầu không thể thiếu của các doanh nghiệp.

Chương trình sản phẩm quốc gia với cách tiếp cận riêng, mục tiêu là tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm chủ lực của quốc gia, thực chất là tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong nước thông qua các hoạt động KH&CN. Hầu hết các nhiệm vụ thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia được thiết kế theo chuỗi giá trình gồm chuỗi các giai đoạn nghiên cứu, triển khai và sản phẩm cuối cùng được thương mại hóa ở quy mô lớn.

Một số kết quả bước đầu

Đối với sản phẩm Lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao

Đã xây dựng được gói kỹ thuật thâm canh, trong đó giảm được 50% nhu cầu về hạt giống lúa cho gieo cấy mà vẫn đảm bảo được năng suất cao (nhu cầu về giống lúa của đồng bằng sông Cửu Long là 800 nghìn tấn/năm), góp phần tiết kiệm khoảng 400 nghìn tấn giống/năm và sẽ đem lại lợi nhuận "gián tiếp” khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Đã chọn tạo thành công 2 giống lúa thuần đạt tiêu chí về chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh như mục tiêu đề ra (giống lúa Đông A1 và giống lúa TBR279). Tổ chức sản xuất được 5.233 tấn hạt giống lúa BC15 siêu nguyên chủng, 264,9 tấn hạt giống nguyên chủng và 1.040 tấn hạt giống xác nhận 1 đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho sản xuất.

Đối với sản phẩm Vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi

Hiện đã có 1 vắc xin cúm được lưu hành, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu liều. Bên cạnh đó, các kết quả về chủng giống virus LMLM đã được kiểm nghiệm quốc gia. Hiện đã được phép lưu hành vắc xin lở mồm long móng và vắc xin nhược độc tai xanh. Đào tạo được đội ngũ cán bộ KH&CN nhằm làm chủ được các công nghệ sản xuất vắc xin tiên tiến trên thế giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu vắc xin phòng bệnh khi có dịch bệnh mới và các biến chủng mới.

Đối với sản phẩm Giàn khoan dầu khí di động

Giàn khoan dầu khí di động Tam Đảo 5 đã hoàn thiện thiết kế, chế tạo và hạ thủy từ tháng 8/2016, đến tháng 8/2017 bàn giao cho Chủ đầu tư là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Đã hoàn thiện và làm chủ công tác thiết kế, hợp lý hóa công nghệ, quy trình chế tạo, thi công giàn khoan tự nâng ở độ sâu 400ft nước phù hợp với điều kiện và mang đặc trưng riêng của Việt Nam, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 46-47%, tăng 12% so với giàn Tam Đảo 3. Việc chế tạo thành công giàn khoan dầu khí di động đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước Đông Nam Á có đủ năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị phức tạp này.

Đối với sản phẩm Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn

Sản phẩm là Cầu trục dầm đôi do Xí nghiệp cơ khí Quang Trung sản xuất với 90% thiết bị nội địa, đã qua quy trình thử tải nghiêm ngặt và bàn giao phục vụ cho việc lắp đặt các thiết bị tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu từ tháng 10/2014. Sản phẩm có giá thành thấp hơn nhiều lần so với nhập ngoại từ các nước châu Âu.

Đối với sản phẩm Vắc xin phòng bệnh cho người

Đã sản xuất thành công vắc xin cúm A/H5N1 và vắc xin cúm mùa với 3 typ chủng kháng nguyên A/H1N1, A/H3N2, cúm B phòng bệnh cho người trên quy mô lớn với công suất vắc xin cúm mùa 1,5 triệu liều/năm; vắc xin cúm A/H5N1: 3 triệu liều/năm. Hai loại vắc xin cúm A/H5N1(IVACFLU-A/H5N1) và vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) do IVAC sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người theo đúng quy định của Bộ Y tế, có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập Quốc tế, được các Hội đồng đạo đức cơ sở và Hội đồng đạo đức Quốc gia nghiệm thu, Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận kết quả TNLS, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng...

Mặc dù đa số các sản phẩm đều đang trong quá trình triển khai nhưng đến nay Chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật về KH&CN trong các ngành, lĩnh vực quan trọng. Các nhiệm vụ đã kết thúc đều có sản phẩm đầu ra có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước, nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực, một số sản phẩm có khả năng xuất khẩu. Các nhiệm vụ đang được tiếp tục triển khai cũng hứa hẹn đưa ra được thị trường những sản phẩm chất lượng. Đã thu hút được nguồn lực lớn từ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tạo sự gắn kết giữa lực lượng nghiên cứu ở các Viện nghiên cứu, Trường đại học với các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề khoa học của các sản phẩm quốc gia.

VVH

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)