Thứ ba, 10/03/2020 14:24

Một số sáng chế tiêu biểu đối với hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Vì vậy, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm đã và đang trở thành một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Việc nghiên cứu tạo ra, bảo hộ và khai thác các sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm đang ngày càng được chú trọng nhờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước.

Các sáng chế liên quan đến công nghệ môi trường ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Sáng chế liên quan đến công nghệ xanh như tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại thanh lọc không khí, bảo toàn năng lượng, hoặc công nghệ xanh theo hướng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái…, đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng một cách hiệu quả và phù hợp, đạt các hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường.

Giải pháp công nghệ “thiết bị xử lý khí thải XLKT-HB0005GPCN” của tác giả Hoàng Hữu Bình, “Thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp” của tác giả sáng chế Trần Bá Phước Anh, và “Máy xử lý rác đa năng và công nghệ xử lý rác thải HKM” của tác giả Ngô Thái Nguyên là các sáng chế điển hình liên quan đến công nghệ xử lý khí thải, chất thải công nghiệp độc hại và rác thải đã được áp dụng trên thực tiễn. Đây là các sáng chế được tạo ra trên cơ sở các nguyên vật liệu sẵn có trong nước, chi phí thấp, dễ bảo trì, sửa chữa, phù hợp vận hành với nhiều quy mô khác nhau để thu hồi và tái chế hiệu quả các loại chất thải nguy hại từ các nguồn khí thải, chất thải độc hại và rác thải phát sinh...

Sáng chế của tác giả Đỗ Chí Lệ (Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài đất Việt năm 2019) nhằm biến rác thải sinh hoạt thành nguồn tài nguyên có lợi, đã thành công với ý tưởng dùng nước và tác động lực cơ học để phân loại, chế tạo ra hệ thống góp phần xử lý triệt để, biến rác thải sinh hoạt thành hàng hóa, đồng thời tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải để chế biến thành phân vi sinh, sản xuất hạt nhựa, làm gạch block thân thiện với môi trường. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ TTD-01 tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, do tác giả nỗ lực xây dựng đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, góp phần xử lý toàn bộ rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi và 25 xã, thị trấn khác trong tỉnh. Đến nay, sau hơn 3 năm vận hành, Nhà máy đã đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi, cả 4 quy trình: xử lý, phân loại, sản xuất thành phẩm và xử lý nước thải đều vận hành tốt, cho kết quả cao. Ngoài ra, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài. Giải pháp này khi được áp dụng trên thực tiễn đã không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nơi nhà máy xử lý rác thải vận hành, mà còn giúp giảm thiểu tác hại đến sức khỏe cho người lao động trực tiếp xử lý rác, loại bỏ rác thải ra môi trường, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên rác để tái tạo thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội. Đến tháng 6/2019, đã có nhiều tỉnh trên cả nước đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 như Đắc Nông, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

Tác giả Đỗ Chí Lệ (thứ 2 từ trái sang) nhận Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài đất Việt năm 2019

Các nghiên cứu trong công nghệ môi trường đang dịch chuyển theo hướng để đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường như giảm nhẹ biến đổi khí hậu, kiểm soát ô nhiễm không khí và nước, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tận dụng các nguồn chất thải để sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng công nghệ sản xuất năng lượng sạch từ nguồn chất thải là công nghệ biến rác thải thành điện năng (công nghệ điện rác WTE - CNĐR) của tác giả Nguyễn Gia Long. Ưu điểm của công nghệ là sử dụng dây chuyền khép kín, không tốn quỹ đất để chôn lấp và không cần phải phân loại rác đầu nguồn, không phát sinh mùi, nước, ổn định và an toàn suốt quá trình vận hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát mô hình công nghệ điện rác WTE tại Hà Nam năm 2017 (ảnh: nhandan.com.vn)

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng và tiến tới phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả hơn nữa ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như định hướng, chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển bền vững; bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị tạo ra môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đây là cơ sở để tin tưởng rằng số lượng đơn sáng chế của người Việt Nam nói chung, sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các sáng chế liên quan đến công nghệ cao có tính bền vững, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Anh Dũng


 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)