Thứ ba, 10/03/2020 15:56

Các chủ nhân của Giải thưởng Kovalevskaia 2019

Mới đây, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thông báo kết quả xét Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Theo đó Giải thưởng được trao cho tập thể khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm (Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế) và PGS.TS Trần Thị Thu Hà (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên).

Những đóng góp trong nghiên cứu về dịch bệnh cúm mùa

Hoạt động nghiên cứu tại PTN Cúm (Ảnh: NĐT; nguồn: moh.gov.vn)

Định hướng nghiên cứu và đào tạo chính của Phòng thí nghiệm (PTN) Cúm là giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Định hướng nghiên cứu của PTN Cúm đã được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về căn bệnh này. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhóm nghiên cứu đã tham gia tạo chủng virus cúm A/H5N1 trong sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam. Dẫn đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (hiện là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cùng nhóm nghiên cứu đã tham gia tạo chủng virus rgA/H5N1 không độc lực bằng phương pháp di truyền đảo ngược (Reverse Genetic - RG). Thiết lập được hệ chủng gốc và chủng sản xuất vaccine cúm A/H5N1 với đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của WHO. Từ những kết quả đã đạt được khi phát triển vaccine cúm A/H5N1, vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch cũng đang được tiến hành phát triển trên tế bào thận khỉ tiên phát (PMKc). Các kết quả nghiên cứu cho thấy, vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực và có giá thành hợp lý.

Hiện tại, thuốc kháng virus (Oseltamivir- Taminflu) được đánh giá là thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1) và chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung. Nhóm nghiên cứu đã xác định 01 chủng virus cúm A/H5N1 (2005) xuất hiện đột biến liên quan đến kháng thuốc oseltamivir (công bố trên Nature năm 2005), 02 virus cúm A/H5N1 cũng xuất hiện đột biến liên quan đến sự giảm độ nhạy của thuốc kháng virus (công bố trên PloS ONE năm 2008). Các phát hiện này đã thúc đẩy sự phát triển các thuốc kháng virus cúm thế hệ mới (công bố trên Proceedings of the National Academy năm 2010) và các phương pháp phát hiện đột biến chỉ điểm kháng thuốc của virus cúm A/H5N1 (công bố trên Journal of Virology năm 2009). Phát hiện chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1pdm09 nhưng chưa có khả năng lan truyền rộng trong quần thể virus cúm A (công bố trên The New England Journal of Medicine năm 2010).

Trong giai đoạn 2006-2015, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (US-CDC) và WHO, hệ thống giám sát cúm đã được triển khai trên 15 điểm tại 4 vùng (Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên). Hệ thống giám sát đã đưa ra bức tranh tổng thể về sự lưu hành của virus cúm mùa tại Việt Nam với đặc điểm di truyền và đặc tính kháng nguyên tương đồng cao với các virus dự tuyển vaccine cho khu vực Nam bán cầu (công bố trên Vaccine năm 2013). Tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) rất đa dạng: virus cúm vẫn là căn nguyên chính gây viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm, ngoài ra các virus khác: hợp bào đường hô hấp (RSV), viêm phổi (hMPV), á cúm (Parainflueza) cũng đóng vai trò quan trọng.

Hiện tại, việc sử dụng vaccine cúm mùa tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên phát triển các chính sách, chiến lược cho sử dụng vaccine cúm cần rất nhiều thông tin về dịch tễ, virus, miễn dịch đã có trong cộng đồng. PTN đã cùng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng đại học Oxford (OUCRU - Hà Nội) tiến hành nghiên cứu thuần tập (Corhot study) tại Hà Nam từ năm 2007 đến nay (kết quả đã công bố trên American Journal of Epidemiology năm 2012). Kết quả công bố trên gợi ý cho việc sử dụng để phát triển vaccine cúm mùa tại Việt Nam để làm tăng hiệu quả của vaccine, đồng thời cũng bổ sung thêm minh chứng để thúc đẩy việc  nghiên cứu phát triển vaccine cúm phổ rộng (universal vaccine) trong tương lai (công bố trên Science năm 2014). Tuân chỉ mục tiêu nghiên cứu, PTN cúm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nghiên cứu hiện tại tập trung xác định ảnh hưởng của  tình trạng miễn dịch đã có sau khi tiêm vaccine cúm mùa đến khả năng dự phòng của vaccine nhắc lại hàng năm, đặc biệt với virus cúm A/H3N2.

Các cơ hội và thách thức trong nghiên cứu về tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt là virus cúm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vaccine cúm mùa và vaccine cho đại dịch cúm.

Nhà khoa học nữ đóng góp tích cực cho ngành lâm nghiệp

PGS.TS Trần Thị Thu Hà hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên). Trong hơn 20 năm công tác, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp: PGS.TS Trần Thị Thu Hà là thành viên của Hiệp hội giống cây trồng quốc gia và quốc tế. Đã có 15 năm làm việc với Trung tâm giống cây rừng của Tổ chức CSIRO (Úc), PGS.TS Hà đã tập trung vào việc khảo nghiệm các giống Keo tai tượng có xuất xứ từ Úc trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua Đề tài cấp bộ “Đánh giá khả năng sinh trưởng và tính thích ứng của các xuất xứ Keo tai tượng Acacia mangium và các dòng Keo lai Acacia mangium x  Acacia anriculiformis) khác nhau tại Tuyên Quang”. Hợp tác với CSIRO của Úc tiến hành khảo nghiệm nhiều lô hạt giống Keo lá tràm, Keo lưỡi liềm, Bạch đàn, Thông... được tiến hành khảo nghiệm ở vùng cao phục vụ cho trồng rừng và hoàn trả các vùng khai thác quặng ở nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam. PGS.TS Trần Thị Thu Hà cùng với cộng sự đã tập trung nghiên cứu nhân giống in vitro thành công ở quy mô công nghiệp các dòng Keo lai và Bạch đàn lai hàng năm cung cấp 3-5 triệu cây giống chất lượng cao cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu: PGS.TS Trần Thị Thu Hà tập trung vào lĩnh vực chọn giống và nhân giống một số loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng như các loài: Lan Kim tuyến, Gừng gió, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Khôi tía, Tam thất, Trà hoa vàng, Sa nhân tím… Nhiều loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam như Lan kim tuyến, Khôi tía. Chị cũng là chủ nhiệm dự án cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume), Đinh lăng (Polycias fruticosa L. Harms.) và Gừng gió (Zingber zerumber sm.”)”, thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tư chịu trách nhiệm (Chương trình 592) năm 2015-2016. Kết quả đã chọn được giống Lan kim tuyến tại tỉnh Lào Cai, Gừng gió tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), Đinh lăng tại tỉnh Thái Nguyên cho khả năng sinh trưởng tốt, hàm lượng dược tính cao; xây dựng được 1,5 ha vườn giống cây mẹ; hoàn thiện được 03 quy trình công nghệ nhân giống in vitro cho hệ số nhân giống cao, chất lượng ổn định, có thể sản xuất phục vụ ở quy mô công nghiệp.

Ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa: Trong thời gian gần đây, PGS.TS Trần Thị Thu Hà vẫn tiếp tục nghiên cứu về các loài cây thuốc quý gồm: Thống đất, Giảo cổ lam, Tam thất Nam, Kim ngân, Khôi tía, Hoàng tinh đỏ, Hoàng tinh trắng, Thảo quả... Kết quả đã tạo ra được những giống dược liệu chất lượng cao và thành công trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, sinh học phân tử để tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp giúp phát triển nghành dược liệu của Việt Nam. Điển hình, bà đã chủ trì thành công Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu Thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2019 do FIRST tài trợ.  Trên cơ sở thành công của dự án, bà và các cộng sự đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sử dụng chỉ thị phân tử nhận dạng loài Thông đất, phương pháp định tính, định lượng dược liệu nhằm  phân tích hoạt chất dược liệu để xác định được những xuất xứ giống có hàm lượng dược liệu cao, nhóm đã đăng ký được 11 đoạn gen đặc trưng Thông đất trên ngân hàng gen NCBI; xác định được 6 xuất xứ của 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái có hàm lương Hupezin A cao, xây dựng được 0,5 ha vườn giống gốc cây Thông đất tối ưu phục vụ công tác lai tạo và nhân giống; hoàn thiện được 2 quy trình công nghệ nhân giống vô tính (in vitro và in vivo) loài Thông đất quy mô công nghiệp phục vụ sản xuất mang lại hiểu quả tối đa; bảo hộ được giống THÔNG ĐẤT - TN10.

Nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững ở vùng cao chú trọng từ những công trình nghiên cứu về tác dộng của chính sách “đổi mới” đến cộng đồng vùng cao và quản lý rừng: đóng góp này thể hiện rõ nét thông qua 2 dự án hợp tác quốc tế mà bà tham gia là: Tác động của chính sách đổi mới đến quản lý rừng và đất rừng bền vững ở miền núi phía Bắc Việt Nam và Tác động của chính sách đổi mới đến cộng đồng và quản lý rừng ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà cũng đã có nhiều đóng góp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài nguyên rừng. Hiện nay, đã có 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu, cây lâm nghiệp do bà nghiên cứu, xây dựng đã được áp dụng vào thực tiễn; có 12 giống dược liệu quý đã được cấp bằng bảo hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đưa vào sản xuất, kinh doanh.

M.N


 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)