Thứ sáu, 17/01/2020 09:05

Công bố phát hiện mới dưới lòng đất Hà Nội


 

Di chỉ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, là địa điểm đã và đang nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý văn hóa và nghiên cứu chuyên môn lịch sử, khảo cổ học, bảo tàng học ở Việt Nam. Đây là tên gọi để chỉ một cụm di chỉ khảo cổ thời đại kim khí phân bố ở các gò: Vườn Chuối, Mỏ Phượng, Dền Rắn, Chùa Gio, Đình Lỗ, Cây Muỗng, Chiền Vậy. Với mục đích không để di tích bị biến mất khỏi bản đồ khảo cổ học, UBND TP Hà Nội đã cho phép Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội “tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối” để làm cơ sở đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn đối với di chỉ khảo cổ học này (Văn bản số 3782/UBND-KGVX ngày 20/8/2018).

Kết quả khai quật tại di tích Vườn Chuối trước năm 2019
Di tích được phát hiện đầu tiên vào năm 1969 và cho tới nay đã trải qua 9 đợt khai quật qua các năm: 1969, 2001, 2009, 2011, 2011, 2012, 2013, 2014 và 2019 (bảng 1).
Bảng 1. Các đợt khai quật tại Vườn Chuối từ 1969 đến 2019

Lần khai quật

Thời gian khai quật

Cơ quan chủ trì

Diện tích khai quật (m²)

1

1969

Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

100

2

2001

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

174

3

2009

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

60

4

2011

Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

300

5

2011

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

35

6

2012

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

40

7

12/2013

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

60

8

12/2014

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

30

 

9

5-10/2019

Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

 

500

Tổng

 

 

1.299

Địa tầng: kết quả 8 lần khai quật Vườn Chuối (trước năm 2019) cho thấy, ở đây có ba giai đoạn văn hoá từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, ngoài ra trên bề mặt di tích còn có những hiện vật của thời kỳ hậu Đông Sơn. Mặc dù có sự liên tục về văn hoá nhưng dấu vết cư trú và mộ táng của các cộng đồng cư dân cổ phân bố không đồng đều trên toàn bộ diện tích của địa điểm và tầng văn hoá dày mỏng khác nhau tuỳ điểm khai quật (mỏng nhất khoảng 0,70 m và dày nhất khoảng trên 2 m). Nhìn chung, cư dân Đồng Đậu sinh sống chủ yếu trên đỉnh gò, cư dân Gò Mun và Đông Sơn mở rộng nơi ở của mình về phía chân gò xuống vùng thấp hơn.
Di tích: xuất lộ khá đa dạng bao gồm dấu tích xử lý mặt bằng cư trú và nhà ở; di tích bếp và lò nấu đồng; dấu tích dòng chảy cổ/ao và mộ táng. 29 ngôi mộ, trong đó có 1 mộ thuộc văn hoá Đồng Đậu (hình 1), 28 mộ thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn đã được phát hiện trong 8 lần khai quật [1].

Hình 1. Mộ táng Đồng Đậu (ảnh: Lâm Thị Mỹ Dung).

Di vật: Các di vật bằng chất liệu đá, đất nung, kim loại, gỗ và thủy tinh đặc trưng cho các giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và hậu Đông Sơn đều được phát hiện trong các đợt khai quật (hình 2).

Hình 2. Qua đá (ảnh: Lâm Thị Mỹ Dung).

Kết quả khai quật năm 2019 [2]
Với hai hố khai quật, mỗi hố rộng 100 m2 (hình 3 và 4) và 75 hố thăm dò mỗi hố rộng 4 m2, lần khai quật này đã xác định cụ thể phạm vi phân bố của dấu tích văn hóa cổ tại Gò Vườn Chuối, Gò Dền Rắn và Gò Mả Phượng. Địa tầng, di tích xuất lộ và di vật trong các hố khai quật lần này cho thấy giống với kết quả những lần khai quật trước, thuộc các giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Mỗi giai đoạn cư dân sinh sống trên các khu vực khác nhau với xu thế càng vào thời kỳ sau, cư dân càng có xu thế sống ở vùng thấp hơn.

Hình 3. Hố khai quật 2 năm 2019 với dấu tích mộ táng Đông Sơn và dấu tích ao Gò Mun (ảnh: Đoàn khai quật Vườn Chuối 2019).

Hình 4. Hai hố khai quật Vườn Chuối 1, 2 năm 2019 (ảnh: Đoàn khai quật Vườn Chuối 2019).

Di tích
Mộ táng: kết quả khai quật đã phát hiện 15 mộ, đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với 2 loại: mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm. Mộ huyệt đất gồm 13 mộ (10 mộ ở hố H2, 1 mộ ở hố TD1, 1 mộ ở hố TD15 và 1 mộ ở hố TD16), đều là mộ chôn nằm thẳng, với nhiều hướng khác nhau, đa số mộ còn di cốt ở tình trạng rất mục nát. Về đồ tùy táng, phát hiện đồ đồng cùng đồ gốm ở 2 mộ; phát hiện đồ gốm và vết tích của việc chôn theo đồ gốm ở 3 mộ khác; các mộ còn lại không phát hiện đồ tùy táng. Mộ quan tài gốm có 2 mộ nồi vò ở các hố TD2 và TD3; phát hiện 1 rìu đồng ở hố TD3. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các đồ tùy táng trong mộ huyệt đất, cũng có khả năng những nồi vò mộ này là đồ tùy táng của các mộ huyệt đất mà đến nay không tìm thấy biên mộ. Ngoài ra, đợt khai quật còn phát hiện 7 mộ hiện đại ở các hố H1 (2 mộ), H2 (4 mộ) và TD45 (1 mộ).
Di tích sinh hoạt: với đặc trưng nổi bật là khu di chỉ cư trú nên ở cụm di chỉ Vườn Chuối, cuộc khai quật đã phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn - Đông Sơn như: các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền nhà… thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau, từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn.
Di vật (hình5)

Hình 5. Một số di vật đá và đồng khai quật tại Vườn Chuối năm 2019 (ảnh: Đoàn khai quật Vườn Chuối 2019).

Nhóm di vật thu được từ đợt thăm dò, khai quật hiện đang được chỉnh lý, kết quả nghiên cứu chi tiết sẽ được công bố sau. Dưới đây là sơ bộ các loại hình hiện vật được tìm thấy tại Vườn Chuối.
- Đồ đá: thống kê sơ bộ đã thu được trên 1.000 hiện vật đá với các nhóm loại hình: công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hình hiện vật khác. Công cụ lao động gồm rìu, bôn, đục, bàn mài, chì lưới… chất liệu chế tạo rìu bôn chủ yếu là đá basalte nhưng cũng thấy một số rìu bằng đá ngọc nephrite; bàn mài làm từ đá cát là chủ yếu. Đồ trang sức gồm mảnh vòng, mảnh khuyên tai, hạt chuỗi, vật đeo… kỹ thuật chế tác tinh xảo, chất liệu chủ yếu là đá ngọc.
- Đồ đồng: thu được gần 40 hiện vật, thuộc các loại hình công cụ sản xuất (rìu, dao, kim, lưỡi câu…), vũ khí (giáo, mũi tên) và các hiện vật khác. Ngoài ra, còn thu được gần 300 viên xỉ đồng li ti nằm lẫn trong một số khu bếp lửa.
- Đồ tre, gỗ: phát hiện nhiều mảnh gỗ, tre nằm trong lớp bùn đáy ao hồ ở hố H2, nhiều mảnh trong số này có dấu vết chặt, đẽo, gọt…
- Xương răng động vật cũng được phát hiện ở một số hố đào trong tình trạng mủn nát, chủ yếu là xương trâu bò và một ít mảnh vỏ ốc nằm ở đáy ao hồ tại hố H2.
- Đồ gốm: ngoài một số ít các hiện vật gốm (dọi se sợi, mảnh khuôn đúc, bi…), đa số đồ gốm thu được trong đợt khai quật này đều là gốm mảnh thuộc các loại hình nồi, vò, bát, bát có chân… thuộc các giai đoạn từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và muộn hơn. Số lượng ước tính ban đầu vào khoảng hơn chục vạn mảnh, tương đương với khoảng trên dưới 1 tấn gốm.
Đặc trưng di tích, di vật và giá trị lịch sử văn hóa
Vườn Chuối là một cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng. Cuộc khai quật lần này đã góp thêm nhiều tư liệu, góp phần làm rõ giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích này và thời Tiền Sơ sử ở khu vực Hà Nội. Tại địa điểm Vườn Chuối, địa tầng di tích tồn tại 3 lớp văn hóa khác nhau là Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Do đặc điểm cư trú ở các giai đoạn khác nhau từ sớm đến muộn, có sự chuyển dịch từ phía bắc xuống phía nam, nên sự phân bố địa tầng văn hóa ở mỗi giai đoạn từ Đồng Đậu đến Đông Sơn cũng có sự chuyển dịch, hầu như chưa tìm thấy vị trí nào có sự phát triển liên tục của cả 3 giai đoạn như đã phát hiện ở một số địa điểm khác. Độ dày tầng văn hóa cũng có sự khác biệt giữa các vị trí, dày hơn ở các khu vực trung tâm hoặc ở những khu vực địa hình trũng hơn trong khu trung tâm, ngược lại tầng văn hóa mỏng hơn khi phân bố về phía chân gò.
Những di tích, di vật thu được trong đợt thăm dò, khai quật vừa qua minh chứng rõ nét nhất cho sự cư trú, triển khai các hoạt động sống thường nhật và các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, đồ gỗ, đồ gốm, đan lát, dệt vải… của con người ở cụm di chỉ Vườn Chuối qua các giai đoạn lịch sử.
Những tư liệu thu được ở cụm di chỉ Vườn Chuối đã góp thêm tư liệu nghiên cứu về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của một nhóm cư dân Tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở một không gian khu vực cụ thể. Nghiên cứu những di tích, di vật ở cụm di chỉ Vườn Chuối ghi nhận các cư dân cổ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung hé mở về nghề nông trồng lúa nước. Những mảnh xương trâu bò, lợn nhà… phát hiện trong đợt khai quật cho biết về một nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước của cư dân Vườn Chuối. Nghề chài lưới, bắt cá được phản ánh qua những viên chì lưới bằng đất nung và những lưỡi câu đồng phát hiện khá phổ biến trong tầng văn hóa. Việc khai thác lâm thổ sản khá phổ biến ở cư dân Vườn Chuối thể hiện qua những mảnh tre, gỗ… được chế tác thành công cụ còn bảo tồn được trong điều kiện đất bùn đáy ao qua các cuộc khai quật từ năm 2012 đến nay. Tóm lại, trong điều kiện môi trường tự nhiên hoang sơ, thuận lợi cho nền kinh tế khai thác, các cư dân Vườn Chuối từ giai đoạn Đồng Đậu đã triển khai cả kinh tế sản xuất (nghề nông trồng lúa nước, chăn nuôi và phát triển các nghề thủ công cơ bản) lẫn kinh tế khai thác (săn bắt/bắn, hái lượm, đánh bắt thủy sản) và truyền thống khai thác kinh tế đó được bảo lưu trong một thời gian khá dài.
Nghiên cứu cụm di chỉ Vườn Chuối góp phần làm rõ không gian cư trú và lan tỏa của cư dân giai đoạn Tiền Đông Sơn - Đông Sơn trên đất Hoài Đức và Hà Nội ở buổi bình minh lịch sử. Cụm di chỉ Vườn Chuối nằm trong một không gian chung của khu vực huyện Hoài Đức, là nơi có nhiều gò đất nổi lên trên vùng thấp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sông Đáy. Các gò đất trên là nơi phân bố của các di tích từ văn hóa Phùng Nguyên (Chùa Gio - An Thượng), Đồng Đậu (Vườn Chuối - phía bắc, Đình Lỗ, Cây Muỗng, Chùa Gio - Lai Xá), Gò Mun (Vườn Chuối - giữa gò, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Chiền Vậy, Vinh Quang) và Đông Sơn (phát hiện ở lớp trên của hầu hết các di tích). Điểm qua sự phân bố các di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn - Đông Sơn trên địa bàn huyện Hoài Đức có thể nhận thấy, ở Hoài Đức đã bắt đầu có cư dân Phùng Nguyên muộn cư trú với chứng tích là Chùa Gio - An Thượng và một số mảnh gốm Phùng Nguyên xuất hiện ở lớp dưới Vườn Chuối, Chùa Gio - Lai Xá… Đến giai đoạn Đồng Đậu, người xưa đã cư trú tập trung ở khu vực các gò Cây Muỗng, Đình Lỗ, Chùa Gio - Lai Xá và Vườn Chuối thuộc cụm di chỉ Vườn Chuối. Từ giai đoạn Gò Mun đến Đông Sơn, sự cư trú đã lan tỏa mạnh mẽ đến các khu vực khác trong huyện Hoài Đức và xa hơn.
Diễn biến tầng văn hóa di chỉ Vườn Chuối cũng có sự khác biệt so với các di tích Đồng Đậu và Đình Tràng. Ở các di tích Đồng Đậu và Đình Tràng, tầng văn hóa xếp lớp từ trên xuống dưới theo trật tự 4 giai đoạn từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn; nhưng ở cụm di chỉ Vườn Chuối và đặc biệt là ở địa điểm Vườn Chuối, các giai đoạn văn hóa phát triển theo kiểu “kế thừa” với hai giai đoạn phát triển liên tục Đồng Đậu - Gò Mun (Vườn Chuối - khu bắc, Đình Lỗ, Cây Muỗng, Chùa Gio…), tiếp theo là Gò Mun - Đông Sơn (Vườn Chuối - khu nam) nhưng chưa tìm thấy vị trí có cả 3 giai đoạn văn hóa phát triển liên tục chồng xếp lên nhau. Đặc điểm phát triển giai đoạn văn hóa như vậy cũng cần được nghiên cứu làm rõ để thấy được những ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với sự cư trú và lan tỏa của các cư dân Tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở khu vực này.
Đề xuất phương án bảo tồn di tích
Trên cơ sở kết quả thăm dò, khai quật cụm di chỉ Vườn Chuối, quá trình công tác thực tế đưa đến 3 phương án bảo tồn như sau:
Phương án 1: bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối (tổng diện tích phân bố di tích gần 12.000 m2; Dền Rắn phần diện tích còn lại gần 3.200 m2; và Mỏ Phượng phần diện tích còn lại gần 500 m2). Khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào. Trong phạm vi khu vực bảo tồn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục thăm dò, khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Ưu điểm của phương án này là Vườn Chuối là di chỉ duy nhất hiện còn lưu giữ cả 3 giai đoạn phát triển văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn. Bảo tồn nguyên trạng di tích và tiến hành nghiên cứu dần khi có đủ các điều kiện nghiên cứu lý tưởng, nhất là trong thời điểm hiện nay ngành khảo cổ học Việt Nam còn đang thiếu một số phương tiện máy móc hỗ trợ nghiên cứu. Làm được như vậy sẽ tránh được việc thất thoát thông tin khoa học còn lưu giữ ở trong lòng đất. Hạn chế của phương án là có sự xung đột, thậm chí là xung đột gay gắt giữa di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của TP Hà Nội. Bởi vị trí phân bố di tích Vườn Chuối hiện đang nằm trong khu vực thi công đường Vành đai 3.5 của TP Hà Nội. Nếu con đường được thi công theo phương án đã được phê duyệt như hiện tại thì 1/2 diện tích phân bố (tương đương với 6.000 m2) di chỉ Vườn Chuối sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Phần diện tích còn lại của di chỉ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng là đất dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Theo thiết kế, nửa phía đông di chỉ Vườn Chuối là khu công viên cây xanh nhưng không có gì đảm bảo rằng khi đất hoàn toàn thuộc sở hữu của doanh nghiệp sẽ không chuyển đổi mục đích xây dựng ở khu vực này.
Phương án 2: dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Thông báo cho các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.5 và chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa. Phương án này không chú ý bảo tồn di sản văn hóa, mà chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đạt được lợi ích trước mắt nhưng phá hủy hoàn toàn một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý báu của TP Hà Nội nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Về lâu dài, tác hại của nó gây ra là cực kỳ to lớn và không gì có thể bù đắp nổi.
Phương án 3: bảo tồn 6.000 m2 nửa phía đông của di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000 m2 nửa phía tây di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Ngoài ra, đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa. Ưu điểm của phương án này là kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của TP Hà Nội. Cho đến nay, ở miền Bắc Việt Nam chưa có một cuộc khai quật nào quy mô lớn nghiên cứu tổng thể về một làng Việt cổ thời đại Kim khí từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn Đông Sơn. Hiện nay, ngành khảo cổ học Việt Nam có thể tổ chức được những dự án nghiên cứu quy mô lớn, việc nghiên cứu 6.000 m2 di chỉ Vườn Chuối và phần diện tích còn lại của các di chỉ Dền Rắn, Mỏ Phượng hứa hẹn mang lại những tư liệu quý báu, góp phần đưa đến nhận thức toàn diện về một làng Việt cổ ở châu thổ sông Hồng vào thời Kim khí cách đây hàng nghìn năm lịch sử. Hơn nữa, chúng ta vẫn còn 1/2 diện tích di chỉ được bảo tồn nguyên vẹn phục vụ những nghiên cứu bổ sung trong tương lai. Những tư liệu di tích, di vật thu được sẽ phục vụ trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội và bảo tàng cộng đồng được xây dựng ngay trong khuôn viên di tích để giáo dục, tuyên truyền, quảng bá lịch sử, phát triển du lịch. Do vậy, đây là phương án tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay. Hạn chế của phương án là sẽ đưa đến một khối lượng công việc rất lớn, gồm nhiều dự án thành phần như: dự án khai quật nghiên cứu khảo cổ học; dự án chỉnh lý trưng bày các di tích, di vật tại các bảo tàng; dự án xây dựng khảo cổ học cộng đồng ở Lai Xá… đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn và một tầm nhìn chiến lược của các cấp lãnh đạo TP Hà Nội để có thể triển khai và hoàn thành tốt công việc.

Ghi chú:

* Đoàn khai quật Vườn Chuối bao gồm các cơ quan: Viện Khảo cổ học, Ban Quản lý Di tích Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)… Chủ trì: PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phụ trách trực tiếp: GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, TS Nguyễn Ngọc Quý, ThS Nguyễn Thơ Đình…

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lâm Thị Mỹ Dung, Bùi Hữu Tiến (2014), “Những dấu tích cư trú và mộ táng văn hoá Đông Sơn ở địa điểm Vườn Chuối”, Văn hoá Đông Sơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr.206-217.
[2] Đoàn khai quật Di chỉ Vườn Chuối (2019), Báo cáo Sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối năm 2019.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)