Thứ ba, 10/12/2019 16:01

Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sâm Nam

Sâm Nam núi Dành thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có nhiều hoạt chất quý như: saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin và saccharid trong các mẫu sâm có độ tuổi 2-5 năm. Để bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của sản phảm sâm Nam, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã tài trợ cho Trung tâm Đất và Phân bón vùng trung du thực hiện dự án: “Xây dựng chỉ dẫn địa lý ‘núi Dành’ dùng cho sản phẩm sâm Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang”. Đích cuối cùng của dự án không chỉ là chỉ dẫn địa lý “núi Dành” được cấp cho sản phẩm sâm Nam mà là hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng ổn định, qua đó thu hút thêm lao động tham gia vào hệ thống, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Sản phẩm nổi tiếng được ghi trong “Đại Nam nhất thống chí”
Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Sâm Nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở Chung Sơn”. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó chính là núi Dành, phần lớn thuộc xã Liên Chung, huyện Tân Yên và phần còn lại thuộc địa phận xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Tại tỉnh Bắc Giang, đến nay vẫn lưu truyền câu ca dao:

“Sâm nam nổi tiếng núi Dành
Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn
Sông Thương uốn khúc lượn quanh
Cá nhiều tôm sẵn Lãn Tranh giỏi chài”

Sâm Nam núi Dành leo bò như cây khoai lang. Sâm nhân giống bằng hạt rất khó nên dân gian thường đào các dây sâm đã có rễ để trồng. Dây sâm dài khoảng một gang tay là nảy ra một “mắt”. “Mắt” ấy khi bấm xuống đất, ra rễ thì hình thành nên củ. Củ sâm lớn rất chậm (năm đầu tiên chỉ nhỏ như chiếc đũa, 7-8 năm mới lớn bằng chuôi dao, chuôi liềm). Xưa nay nói về sâm người ta chỉ biết đến sâm của xứ sở Kim Chi chứ chẳng mấy ai biết tại Bắc Giang cũng có loại kỳ dược này. 

Gốc sâm Nam khổng lồ duy nhất còn sót lại tại Tân Yên, Bắc Giang.

Vùng trồng sâm Nam tập trung tại 2 xã Liên Chung, Việt Lập, đây là vùng chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng và vùng núi, có nhiệt độ nằm trong ngưỡng 25- 25,3oC (thấp nhất huyện Tân Yên), lượng mưa ở mức thấp (1.400-1.700 mm/năm), độ ẩm 82-83% (thấp hơn các xã khác trong vùng). Khu vực núi Dành được bao bọc bởi các dãy núi cao nên tạo thành các tiểu vùng khí hậu đặc thù.
Theo kết quả nghiên cứu của viện Di truyền Nông nghiệp (năm 2015), nguồn gen sâm Nam núi Dành đã được mô tả, định danh với tên khoa học là Callerya speciosa thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliphita), lớp Ngọc lan (Magnoliopsita), phân lớp Hoa hồng (Rosidae), bộ Đậu (Fabaceae), họ Đậu (Fabaceae), phân họ Đậu (Faboideae). Bước đầu đã xác định được sự có mặt của các hoạt chất saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin và saccharid trong các mẫu sâm có độ tuổi 2-5 năm. Hàm lượng saponin, flavonoid và saccharid tổng số trong mẫu sâm trên 5 năm tuổi cao hơn nhiều trong mẫu sâm 3-4 năm tuổi. Điều này cho thấy, các hoạt chất chính có dược tính cao sẽ được tích tụ và phát triển theo độ tuổi cây sâm, kết hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nuôi trồng phù hợp.
Hiện nay, diện tích sâm Nam phân bố tại 2 xã Việt Lập và Liên Chung với 12 hộ dân tham gia trồng trên diện tích gần 300 ha. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hộ hiện đang trồng tại các vườn với quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tại xã Việt Lập đã hình thành một khu trồng tập trung với diện tích 2.500 m2. Cây sâm Nam đã sinh trưởng và phát triển rất tốt, có thể coi là một tin vui cho ngành công nghiệp dược phẩm. Nhiều người dân trong vùng, nhất là những người có tâm huyết với sâm Nam mong muốn sớm có những nghiên cứu, đánh giá để khẳng định giá trị của loại sâm này, đồng thời tìm cách nhân rộng và phát triển tại địa phương. Việc bảo tồn loài sâm quý này cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và người dân bản địa.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sâm Nam
Sâm Nam có những đặc tính cơ bản như: có nguồn gốc địa lý ở vị trí địa lý cụ thể (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); không thuộc sở hữu của riêng tổ chức, cá nhân nào; có danh tiếng về chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý khu vực, địa phương quyết định; danh tiếng sản phẩm sâm Nam đã có từ lâu và được biết đến rộng rãi thông qua thơ ca, qua các sản phẩm tiêu dùng thực tế của người dân; đặc tính của sản phẩm được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh… Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ, những đặc tính cơ bản này của sâm Nam núi Dành hoàn toàn có thể xây dựng hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) đã tài trợ cho Trung tâm Đất và Phân bón vùng trung du thực hiện dự án: “Xây dựng chỉ dẫn địa lý ‘Núi Dành’ dùng cho sản phẩm sâm Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang” từ 1/2019 đến 12/2020. Mục tiêu của dự án là sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm bảo tồn và phát triển giống sâm Nam quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; góp phần duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị kinh tế và đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm Nam.
Dự án đã và đang thực hiện một số nội dung như: điều tra, khảo sát đánh giá vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý "Núi Dành" cho sản phẩm sâm Nam núi Dành huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý; xây dựng công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý "Núi Dành" cho sản phẩm sâm Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; tổ chức kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; xây dựng và triển khai mô hình phát triển sản phẩm sâm Nam mang chỉ dẫn địa lý “Núi Dành”.

Hội thảo giải pháp phát triển Sâm Nam núi Dành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày 21/3/2019 trong khuôn khổ của dự án.

Đến nay, dự án đã điều tra các hộ nông dân nhằm xác định các kinh nghiệm, tập quán trong việc trồng, chăm sóc cây sâm Nam và chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm sâm Nam tại huyện Tân Yên; thu thập 30 mẫu củ sâm Nam tươi theo các nhóm tuổi như (3-5 tuổi, 5-7 tuổi, 7-10 tuổi, >10 tuổi) nhằm phân tích chỉ tiêu về hình thái (hình thái, màu sắc thân, lá và củ, kích thước và khối lượng củ, mùi vị...), chỉ tiêu về chất lượng (hàm lượng saponin, flavonoid, polysaccharide...); điều tra lấy mẫu đất trồng sâm Nam; điều tra khảo sát chỉnh lý bản đồ thổ nhưỡng vùng trồng sâm Nam; xác định các điều kiện tự nhiên tác động đến tính đặc thù của sâm Nam… Để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý, dự án đã đề xuất để UBND huyện Tân Yên đứng tên đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý; xác định vùng chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” với bản đồ tỷ lệ 1:5.000…
Muốn quản lý tốt chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm sâm Nam thì cần xây dựng được bộ công cụ hữu hiệu. Dự án đã từng bước xây dựng mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý "Núi Dành"; xây dựng hệ thống nhận diện, quảng bá chỉ dẫn địa lý sâm Nam. Đặc biệt, các văn bản liên quan đã được dự thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến như: “Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sâm Nam mang chỉ dẫn địa lý, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sâm Nam”, “Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn đại lý ‘Núi Dành’ cho sản phẩm sâm Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang”, “Quy chế kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý ‘Núi Dành’ cho sản phẩm sâm Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang”.
Dự án được thực hiện thành công sẽ góp phần nâng cao vị thế, tên tuổi của sản phẩm sâm Nam huyện Tân Yên trên thị trường, đồng thời củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm; thúc đẩy quá trình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sâm Nam huyện Tân Yên; tạo tiền đề và khuyến khích người dân tham gia thành lập các nhóm, đội và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, tiến đến sẽ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý "Núi Dành" cho sâm Nam. Đại diện cơ quan chủ quản của dự án cũng khẳng định, đích cuối cùng của dự án không chỉ là chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” được cấp cho sản phẩm sâm Nam mà là hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng ổn định, qua đó thu hút thêm lao động tham gia vào hệ thống, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
VVH
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)