Thứ tư, 10/07/2019 18:43

Thái Bình: Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển đàn bò thịt

VVH

 

Trước thực tế nguồn cung thịt bò của Thái Bình thấp, chăn nuôi bò còn mang tính nhỏ lẻ, không tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp trong chế biến thức ăn thì việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) để phát triển đàn bò thịt tại địa phương là cần thiết. Năm 2016, Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án nông thôn miền núi: “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt để nâng cao năng suất, chất lượng thịt bò tại tỉnh Thái Bình”. Kết quả thực hiện dự án đã khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, xây dựng nông thôn mới và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hướng đi đúng

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năm 2014, đàn bò của tỉnh Thái Bình có 41.551 con. Sản lượng bò hơi xuất chuồng năm 2014 tăng 35,68% so với năm 2010, tương ứng đạt 3.138 tấn. Mặc dù có sự tăng trưởng đáng kể về sản lượng nhưng so với dân số của tỉnh (gần 1,8 triệu người) thì bình quân nguồn cung mới chỉ đạt 1,8 kg thịt bò/người/năm, bằng khoảng 54,54% so với mức tự cung trung bình của cả nước. Như vậy, tiềm năng tiêu thụ thịt bò, đặc biệt là thịt bò chất lượng cao của tỉnh Thái Bình là rất lớn.

Để giải quyết vấn đề nâng cao năng suất thịt bò của tỉnh Thái Bình, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò ngày càng tăng của người dân thì cần đồng thời tăng cả về số lượng đàn bò và năng suất thịt. Tại tỉnh Thái Bình, chăn nuôi bò vẫn còn theo mô hình nhỏ lẻ (1-2 con/hộ), chỉ có một số ít hộ nuôi với số lượng lớn (khoảng 20 con/hộ). Đã có một vài mô hình tại huyện Vũ Thư mua bò về vỗ béo, nhưng chỉ diễn ra tự phát, không chuyên nghiệp nên không tạo được nguồn sản phẩm ổn định và đảm bảo chất lượng. Hình thức nuôi vỗ béo phổ biến là bổ sung thức ăn tinh trong một thời gian trước khi xuất bán bò ra thị trường. Hầu hết các mô hình vỗ béo chỉ sử dụng nguồn thức ăn sẵn có một cách tùy tiện mà không quan tâm đến việc cho ăn có đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng của bò vỗ béo hay không, trong khi Thái Bình có nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò rất phong phú.

Xuất phát từ nhu cầu và những vấn đề nêu trên, Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt để nâng cao năng suất, chất lượng thịt bò tại tỉnh Thái Bình” (thuộc Chương trình nông thôn miền núi). Mục tiêu của dự án là: áp dụng công nghệ trồng cỏ và cây thức ăn trên đất tận dụng, xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; xây dựng 3 mô hình trang trại quy mô 15 con/đợt vỗ béo, 10 mô hình gia trại quy mô 4 con/đợt vỗ béo áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo với tần suất 3 đợt/năm; đào tạo 4 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho 100 người chăn nuôi bò.

Kết quả và hiệu quả

Được thực hiện trong 24 tháng, bắt đầu từ cuối năm 2016, đến nay dự án đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung đặt ra như: điều tra, khảo sát bổ sung thực trạng tại vùng dự án; chuyển giao công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho người dân; xây dựng các mô hình…

Đơn vị chủ trì dự án là Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và đào tạo với Viện Chăn nuôi. Theo đó, đầu năm 2017, Viện Chăn nuôi đã chuyển giao cho đơn vị chủ trì dự án các quy trình công nghệ: kỹ thuật chăn nuôi bò mang thai, đẻ; kỹ thuật chăn nuôi bò sau cai sữa; phối trộn và sản xuất thức ăn hỗn hợp; vỗ béo bò thịt; trồng cỏ thâm canh; chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn; xử lý chất thải trong chăn nuôi. Các quy trình này được áp dụng tại các mô hình cho từng giai đoạn cụ thể và đem lại hiệu quả tốt. Song song với việc chuyển giao công nghệ, Viện Chăn nuôi cũng đã phối hợp với đơn vị chủ trì đào tạo được 4 cán bộ, tập huấn cho 100 học viên (2 lớp, mỗi lớp 2 ngày) về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng vỗ béo bò. Thông qua đào tạo và tập huấn, các cán bộ và học viên đã nắm vững quy trình, giúp việc nuôi bò thịt có hiệu quả hơn, từ đây có thể lan tỏa rộng rãi, góp phần thiết thực phát triển ngành chăn nuôi bò của tỉnh.

Dự án đã lựa chọn 3 hộ gia đình tham gia mô hình trang trại quy mô 16-17 con bò/đợt vỗ béo, hỗ trợ mỗi hộ 1 lần là 5 con, số còn lại là nguồn vốn tự có của các hộ gia đình. Dự án đã hướng dẫn cho các hộ gia đình tham gia mô hình trang trại quy trình chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; triển khai nhập giống bò nuôi vỗ béo là bò lai Sind có trọng lượng bình quân 202 kg/con với nguồn gốc và chất lượng đảm bảo theo quy định; cử cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình… Đối với mô hình gia trại, dự án đã lựa chọn 10 hộ tham gia với quy mô 4 con/đợt vỗ béo, dự án hỗ trợ 1 lần 2 con cho mỗi mô hình. Với mô hình gia trại, dự án cũng đã hướng dẫn các hộ trồng cỏ VA06 trên diện tích đất tận dụng là 9.700 m2, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc…

Tính toán về năng suất trước và sau khi tham gia dự án cho thấy: trước khi tham gia dự án, các hộ chăn nuôi chỉ nuôi 1-2 con (đối với mô hình gia trại), 4-5 con (đối với mô hình trang trại), năng suất vỗ béo 120-150 ngày chỉ đạt trọng lượng 180-200 kg/con. Khi tham gia dự án, các hộ chăn nuôi đã nuôi 4-5 con (đối với mô hình gia trại), 16-17 con (đối với mô hình trang trại), năng suất vỗ béo  từ 100 ngày đạt trọng lượng 270-286 kg/con. Rõ ràng mức tăng năng suất của bò được vỗ béo là rất đáng kể sau khi áp dụng tiến bộ KH&CN trong khuôn khổ dự án.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án, đại diện đơn vị chủ trì dự án cho biết, trong 2 năm thực hiện với 4 đợt nuôi vỗ béo bò, mỗi mô hình trang trại trừ chi phí và công lao động đem lại lợi nhuận 200-367 triệu đồng. Đối với mô hình gia trại, trong 2 năm thực hiện với 3 đợt vỗ béo bò, mỗi mô hình trừ chi phí và công lao động đem lại lợi nhuận 38,6-40,5 triệu đồng.

Dự án đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Các hộ nông dân trước khi tham gia dự án đều có thu nhập thấp (2-2,5 triệu đồng/lao động/tháng), chủ yếu từ làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khi tham gia vào dự án, mức thu nhập đã ổn định và tăng đáng kể (3,5-4,5 triệu đồng/lao động/tháng). Bên cạnh đó, dự án còn góp phần xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình; việc áp dụng quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi bò đã giúp tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

*

*         *

Có thể nói, dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt để nâng cao năng suất, chất lượng thịt bò tại tỉnh Thái Bình” đã phát huy được hiệu quả rõ rệt trong chăn nuôi bò thịt. Hiệu quả của các mô hình mà dự án triển khai tự thân nó có tính tuyên truyền và lan tỏa rất lớn, là nơi mà nhiều hộ gia đình ở Thái Bình đến tham quan, học hỏi để áp dụng tiến bộ KH&CN vào chăn nuôi bò. Cùng với sự chủ động tuyên truyền của đơn vị chủ trì, hiệu quả của dự án đã, đang và sẽ góp phần duy trì, phát triển và nhân rộng kết quả của dự án.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)