Thứ sáu, 10/05/2019 17:51

KH&CN Hà Nội: Những đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH Thủ đô

NKS

 

Khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng khẳng định vai trò đòn bẩy, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thủ đô. Kết quả hoạt động KH&CN của Hà Nội đã được Bộ KH&CN và các tỉnh, thành phố đánh giá cao. Trong năm qua, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về các mặt như: tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thẩm định công nghệ cho các dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức KH&CN, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008… Đây là những kết quả rất đáng phấn khởi của Thủ đô, góp phần vào không khí chào mừng kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

Hà Nội dẫn đầu cả nước trong nhiều nhiệm vụ KH&CN

Với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố, thời gian qua, hoạt động KH&CN Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, văn hoá, KT-XH của Thủ đô. KH&CN ngày càng khẳng định vai trò đòn bẩy, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của Thủ đô. Kết quả hoạt động KH&CN của Hà Nội được Bộ KH&CN và các tỉnh, thành phố đánh giá cao. Năm 2018, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đánh giá các nhiệm vụ khoa học không sử dụng ngân sách. Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về số lượng các dự án đầu tư được thẩm định công nghệ (với 27 dự án, cho ý kiến về công nghệ đối với 66 đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư), cũng như số lượng tổ chức KH&CN được cấp giấy chứng nhận (566 tổ chức). Hà Nội có số lượng cao nhất trong cả nước về các cơ quan, đơn vị quản lý được hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 (100% các sở, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xây dựng và áp dụng); số lượng các doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng ISO 14000 về môi trường và ISO 22000 về an toàn thực phẩm (237 doanh nghiệp). Bên cạnh đó, Hà Nội còn đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận (47 doanh nghiệp/386 doanh nghiệp của cả nước); số lượng đơn của các tổ chức, cá nhân nộp đề nghị cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu là 12.422 đơn (trong đó, đứng đầu cả nước về số bằng sáng chế: 99, giải pháp hữu ích: 150; đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp: 278, nhãn hiệu: 4.315)…

Có thể khẳng định, hoạt động KH&CN của Hà Nội đã có bước tiến quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả KH&CN được nâng lên rõ rệt. Sở KH&CN Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu cho thành phố trong ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN; triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của thành phố. Công tác thẩm định, đánh giá công nghệ đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của thành phố về việc thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Qua đó, giúp thành phố và chủ đầu tư lựa chọn được những công nghệ, thiết bị phù hợp, tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, mà lại tiết kiệm chi phí, an toàn trong sản xuất. Năm 2018, đã thẩm định công nghệ cho 27 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực cấp thiết của Thủ đô, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên và khu liên cơ quan Võ Chí Công; nạo vét bùn và bổ cập nước Hồ Tây; rác thải thu hồi điện Xuân Sơn; nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4000 tấn/ngày đêm… Trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân, đã cấp 170 Giấy phép sử dụng máy X-quang trong y tế, 88 Chứng chỉ nhân viên bức xạ, phê duyệt 48 kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, kiểm tra 30 cơ sở về an toàn bức xạ trên địa bàn Hà Nội, xuất bản và in 800 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế” phục vụ tuyên truyền về hoạt động đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân cho các cơ sở y tế. Các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được chú trọng triển khai, đã giải quyết 40 hồ sơ công bố hợp chuẩn, 82 hồ sơ công bố hợp quy, 1046 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, kiểm định 16.989 phương tiện đo; chủ trì, phối hợp thanh kiểm tra 514 cơ sở. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm (tư vấn, hướng dẫn 31 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp). Các hoạt động triển khai và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và công tác cải cách hành chính của thành phố; giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô.

Những đóng góp trong các lĩnh vực

Bên cạnh việc tích cực triển khai các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN năm 2013, Sở KH&CN Hà Nội đã tiến hành tuyển chọn đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN tuân thủ các bước theo quy trình và hướng dẫn của Bộ KH&CN. Công tác xây dựng và giao kế hoạch công tác năm được đổi mới, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, các chương trình KH&CN cấp thành phố đã triển khai gần 200 đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN trong các lĩnh vực. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng: các đề tài nghiên cứu đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chủ trương, chính sách của thành phố; đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo trong các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, công tác dân vận của chính quyền cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, quản lý kinh tế; dự báo những nhân tố tác động và những vấn đề đặt ra đối với công tác quốc phòng, quân sự của Thủ đô, đề xuất các giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô trong tình hình mới. Các đề tài về khoa học nghệ thuật quân sự và khoa học xã hội nhân văn quân sự đã góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; nghiên cứu xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh về chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong tham gia bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa của Thủ đô; xây dựng nét đẹp văn hóa người chiến sỹ Thủ đô; nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn của Hà Nội; nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng…

Lĩnh vực kinh tế: tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến mô hình, giải pháp phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững; giải pháp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; cơ chế và giải pháp thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị; nghiên cứu cơ chế và giải pháp quản lý, sử dụng và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai cho chính quyền cơ sở.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; đưa các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy mới vào ứng dụng trong hệ thống các trường học. Nghiên cứu cải tiến các trang thiết bị, đồ dùng, đèn chiếu sáng phục vụ học tập nhằm giảm các bệnh liên quan đến mắt và tư thế ngồi cho học sinh.

   Lĩnh vực văn hoá và thể thao: tập trung nghiên cứu hệ thống các giá trị lịch sử - văn hoá đã và đang tạo nên bản sắc văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; xác định hệ quan điểm, phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống; xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại; xác lập các giá trị văn hoá mới của Thủ đô trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hội nhập phát triển với khu vực và thế giới. Nghiên cứu biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội giai đoạn mở rộng (bao gồm 14 tập).

Lĩnh vực công nghiệp: tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu hoàn thiện, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; xuất phát từ yêu cầu thực tế, hướng tới nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm chính của doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Nhiều kết quả đề tài, dự án đã khẳng định được sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường công nghiệp, thay thế máy móc nhập khẩu và đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sản xuất. Các thành tựu KH&CN mới như máy CNC, robotic, vật liệu mới, công nghệ gen, in 3D… đã được áp dụng và từng bước nhân rộng.    

Lĩnh vực nông nghiệp: tập trung nghiên cứu, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn, đạt yêu cầu “Hiệu quả - Chất lượng - Sạch”, sản xuất - bảo quản - cung cấp nông sản theo chuỗi. Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã và đang có vai trò quyết định trong việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thông qua việc ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học trong việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Hà Nội đã từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, như sử dụng giống mới có năng suất cao, chống chịu được ảnh hưởng bất lợi của thời tiết; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, thuốc thảo dược; ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi trồng thủy sản. Đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đầu tư nhà máy trồng nấm kim châm công nghệ Nhật Bản (tại huyện Thanh Oai), Công ty CP giống cây trồng Trung ương đầu tư trang trại trồng dưa lưới công nghệ Nhật Bản tại tỉnh Hà Nam, Công ty CP VinEco trồng rau an toàn tại tỉnh Hà Nam...

Lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, giao thông, xây dựng: tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản lý để tạo ra hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ nhằm ngăn chặn sự phát triển lộn xộn phá vỡ quy hoạch và kiến trúc cảnh quan trong quá trình đô thị hoá, dự báo được các tác động của quá trình đó đối với sự phát triển KT-XH; nghiên cứu xác định sức kháng ma sát đơn vị thành cọc khoan nhồi và barette cho một số loại đất điển hình của địa chất Hà Nội; đánh giá độ nguy hiểm động đất cho TP Hà Nội mở rộng, lập bản đồ phân vùng động đất chi tiết khu vực Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Lạc tỷ lệ 1/25.000, lập cơ sở dữ liệu về đặc trư­ng dao động nền đất ứng với bản đồ nêu trên; nghiên cứu thiết kế công trình ngầm dạng điểm chịu tác động của tải trọng động đất; giải pháp thiết kế nhà ở theo tiêu chí kiến trúc xanh; giải pháp hoàn thiện bề mặt khối xây gạch bê tông khí chưng áp; các giải pháp thiết kế chiếu sáng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ và chất lượng hệ thống chiếu sáng…

Lĩnh vực y tế: nghiên cứu lựa chọn những kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến áp dụng tại các cơ sở y tế; nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y học hiện đại (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ sinh học phân tử, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại...) để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Kết hợp nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật y học truyền thống và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị.

Lĩnh vực công nghệ thông tin: nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; xây dựng quy trình kiểm tra, tiêu chí đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm tin học phù hợp với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ người sử dụng; nghiên cứu, phát triển phần mềm mã nguồn mở hỗ trợ quản lý nhà nước trên địa bàn; nghiên cứu xây dựng mô hình và giải pháp công nghệ khả thi hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính cấp xã, phường.

Lĩnh vực tài nguyên môi trường: các nghiên cứu gắn với thực tiễn đã góp phần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đề xuất được những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại Thủ đô; áp dụng KH&CN trong xử lý nước thải, rác thải…

Các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới

Với mục tiêu: “Phát huy những lợi thế của Thủ đô trong phát triển KT-XH, đặc biệt là tiềm năng đội ngũ trí thức, nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KH&CN, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm; tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, đảm bảo KT-XH Thủ đô phát triển nhanh và bền vững”, hoạt động KH&CN Hà Nội trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

            Một là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo sự phân công của thành phố trong các Chương trình của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Luật Thủ đô. Trong đó, bám sát Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 của thành phố, Chương trình công tác của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và các Nghị quyết của HĐND thành phố.

   Hai là, tiếp tục tham mưu cho Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp thành phố: “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tham mưu cho thành phố ban hành hướng dẫn xét, công nhận sáng kiến cơ sở và tổ chức xét, tặng Bằng sáng kiến Thủ đô; trình thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Hà Nội đến năm 2025 theo Quyết định 1062/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu chủ trương xây dựng Đề án Công viên khoa học của TP Hà Nội.

Ba là, lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KT-XH có tầm quan trọng của thành phố và giải quyết các vấn đề nóng, cấp bách trên địa bàn để trình UBND thành phố phê duyệt tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì. Tổ chức nghiệm thu các đề tài, dự án thực hiện đúng tiến độ đã được phê duyệt. Tập trung xây dựng kế hoạch KH&CN đảm bảo tiến độ và chất lượng, báo cáo UBND, HĐND thành phố và Bộ KH&CN.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm là, tiếp tục chú trọng hoạt động chuyển giao, thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Tổ chức cấp phép hoạt động cho các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN; điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tiếp tục xây dựng, phát triển và quản lý các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Phối hợp với các phòng kinh tế thuộc các quận, huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền phổ biến kiến thức về KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn thành phố. Tăng cường các hoạt động kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng. Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, sẵn sàng triển khai kịp thời thanh tra đột xuất theo yêu cầu đối với các các sơ sở thuộc các lĩnh vực an toàn bức xạ, khí hoá lỏng, sơn, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, hợp đồng chuyển giao công nghệ...

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế, lựa chọn nhập khẩu, chuyển giao những công nghệ nguồn trên cơ sở phối hợp và mời đội ngũ chuyên gia nước ngoài tham gia hợp tác. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút đội ngũ trí thức tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp của Hà Nội và Trung ương đóng trên địa bàn tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)