Thứ tư, 10/04/2019 01:56

Nghiên cứu lý luận xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị

Đại tá, TS Nguyễn Văn Tuyên

 

Ban Nghiên cứu Xây dựng quân đội về chính trị

Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

 

Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động tổ chức, xây dựng, chiến đấu của quân đội. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị phải có lý luận soi đường và việc nghiên cứu phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị là sự kế thừa, bổ sung lý luận nhằm nâng lý luận lên một tầm cao mới bằng những tri thức mới được tổng kết và khái quát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị.

Những quan điểm lý luận xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị

 Trải qua hơn 7 thập kỷ xây dựng, phát triển của quân đội, hệ thống quan điểm lý luận xây dựng quân đội về chính trị đã được hình thành. Có thể khái quát một số quan điểm lý luận chủ yếu sau:

Một là, về chính trị của quân đội và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị. Nhận thức về xây dựng quân đội kiểu mới về chính trị và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị có sự nhất quán ngay từ trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và ngày càng rõ, càng được bổ sung trong thực tiễn tổ chức, lãnh đạo xây dựng quân đội. Đảng ta luôn khẳng định: chính trị của quân đội là thực hiện chính trị của Đảng, xây dựng quân đội về chính trị là nội dung cơ bản trong xây dựng quân đội. Quan điểm về chính trị của quân đội và xây dựng quân đội về chính trị là sự quán triệt quan điểm của V.I. Lênin: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản” [1]; quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” [2] và “chính trị làm gốc”. Quá trình xây dựng quân đội, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm xây dựng quân đội về chính trị là cơ sở để xây dựng các mặt khác, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân” [3]. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ta luôn kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng quân đội về chính trị với xây dựng các mặt khác và là cơ sở cho các mặt xây dựng khác nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Như vậy, việc xác định chính trị của quân đội và xây dựng quân đội về chính trị phù hợp với lý luận và thực tiễn, với tính tất yếu khách quan và bản chất cách mạng, tính nguyên tắc được kiểm chứng từ thực tiễn.

Hai là, về bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội. Trải qua thực tiễn xây dựng quân đội về chính trị, nhận thức lý luận của Đảng về bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội ngày càng được bổ sung, phát triển. Đảng ta khẳng định: “Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc” [4]. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng là: phải “tổ chức ra quân đội công nông” [5]; phải xây dựng, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của quân đội; chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng; xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế; tăng cường dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; giữ vững ý chí quyết tâm hoàn hành mọi nhiệm vụ của quân đội. Xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội được coi là vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội; là cơ sở lý luận, thực tiễn để xác định chủ trương, giải pháp củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội.

 Ba là, về Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong Nghị quyết về đội tự vệ (1935), Đảng ta khẳng định: “Luôn luôn phải giữ vững quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong Tự vệ thường trực” [6]. Qua các kỳ đại hội, đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” [3]. Như vậy, quan điểm về Đảng tổ chức và lãnh đạo quân đội đã được xác lập và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện một cách toàn diện. Đó là, xác lập, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; các chủ trương, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phù hợp với thực tiễn; các quy định về xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội.

Bốn là, về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Quan điểm lý luận của Đảng thể hiện: công tác đảng, công tác chính trị là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, một mặt công tác cơ bản của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp; là công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là công tác vận động quần chúng trong quân đội. Xác lập, bổ sung ngày càng đầy đủ hơn cơ sở khoa học, đối tượng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức, phương pháp, nguyên tắc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chính trị và nhiệm vụ cơ bản trên các mặt công tác: tuyên huấn, tổ chức, cán bộ, bảo vệ an ninh, chính sách, dân vận và tuyên truyền đặc biệt.

Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển lý luận xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị hiện nay

Phương hướng

Thứ nhất, nhận thức lý luận về bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội. Cần tiếp tục làm rõ hơn cơ sở khoa học của bản chất giai cấp và bản chất cách mạng, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; tư tưởng chỉ đạo, nội dung, hình thức, biện pháp củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, dân tộc của quân đội. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nội dung rất cơ bản về lý luận cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đặc biệt là trước sự phát triển về kinh tế, xã hội và những biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp ở nước ta hiện nay.

Thứ hai, nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm xây dựng quân đội kiểu mới về chính trị, vận dụng làm rõ hơn cơ sở khoa học tăng cường xây dựng quân đội về chính trị. Cần nghiên cứu làm rõ lý luận xây dựng quân đội kiểu mới về chính trị; quan điểm và chủ trương, nội dung, phương thức xây dựng quân đội về chính trị; xây dựng quân đội về chính trị là cơ sở, nền tảng của xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện; chính trị của quân đội là do chính trị của Đảng quy định; chính trị của quân đội được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cần làm rõ cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trong quân đội. Tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết xây dựng Đảng trong quân đội.

Thứ ba, nâng cao nhận thức lý luận về nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Cần làm rõ hơn nguyên tắc tính đảng, tính giai cấp, tính chiến đấu của công tác đảng, công tác chính trị. Làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo, nội dung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Làm rõ cơ sở khoa học, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ: chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện; phòng chống “diễn biến hòa bình”; công tác quân sự, quốc phòng, biên phòng ở địa phương trong tình hình mới.

Thứ tư, nâng cao nhận thức lý luận về xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của quân đội và phòng, chống “phi chính trị hóa” quân đội. Cần đi sâu nghiên cứu lý luận về nhân tố chính trị, tinh thần và nội dung, giải pháp xây dựng, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của quân đội trong tình hình mới. Phê phán quan điểm ngoài mác xít trong xây dựng quân đội về chính trị. Làm rõ hơn cơ sở khoa học của các giải pháp cơ bản phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội và những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Biện pháp

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp. Nâng cao năng lực tư duy lý luận, năng lực tham mưu về nghiên cứu lý luận của đội ngũ cấp ủy viên, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên. Phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị.

Hai là, rà soát lại toàn bộ kết quả nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị từ trước đến nay. Trên cơ sở hệ thống hóa các công trình, đề tài khoa học đã triển khai, kết quả nghiên cứu lý luận đã đạt được để xác định những vấn đề lý luận nào đã được làm rõ, những vấn đề nào đã lạc hậu không còn phù hợp, những vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu và những vấn đề mới đặt ra.

Ba là, xác định đúng vấn đề cấp thiết, trọng tâm nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị. Cần xác định những vấn đề cấp thiết và nội dung trọng tâm nghiên cứu sau: Chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội kiểu mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân; nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; nội dung củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; giữ vững nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội; công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ trọng tâm của quân đội; đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Bốn là, phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở phát huy rộng rãi đội ngũ cán bộ lý luận, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cùng nghiên cứu khoa học, cần tập trung phát huy vai trò của Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự và các khoa lý luận ở các học viện, nhà trường quân đội. Tổ chức thường xuyên các cuộc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị trong toàn quân.

 Năm là, thực hiện chính sách và tăng cường điều kiện bảo đảm. Tạo thêm các điều kiện để tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và giảng dạy lý luận; bổ sung chính sách có tác dụng tạo động lực mới cho nhà khoa học; tăng cường phương tiện, trang bị kỹ thuật, công nghệ cho nghiên cứu lý luận.

 Lý luận xây dựng quân đội về chính trị là một bộ phận hợp thành lý luận quân sự của Đảng, có vai trò chỉ đạo xây dựng quân đội về chính trị. Trải qua hơn 70 năm xây dựng, phát triển của quân đội đã hình thành hệ thống quan điểm lý luận xây dựng quân đội về chính trị, có giá trị chỉ đạo thực tiễn to lớn, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị có ý nghĩa quan trọng trong tình hình mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 12, tr.136.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.435.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.149-150.

[4] Quân ủy Trung ương (2018), Điều lệ Công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.7.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.95

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)