Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là vô cùng cần thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay. Dựa vào các cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, các tác giả đề xuất một số giải pháp gần gũi, đơn giản, dễ thực hiện với mong muốn đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ở Việt Nam.
Một vài nét về văn hóa đọc trong cộng đồng
Sách đóng vai trò vô cùng to lớn trong đời sống của con người. Đọc sách có vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, nhân cách, tâm hồn cao đẹp và lối sống lành mạnh của mỗi người, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng khu dân cư là yếu tố quan trọng trong xây dựng cộng đồng khu dân cư văn hóa, thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức, làm đẹp tâm hồn của mọi người. Xây dựng thói quen đọc sách, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng là góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dân trí các khu dân cư, lối sống văn hóa trong cộng đồng, củng cố lòng yêu quê hương đất nước, góp phần hoàn thiện nhân cách toàn diện cho thế hệ trẻ ngày nay.
Qua khảo sát thông tin văn hóa đọc, thư viện, không gian đọc cộng đồng… trên diện rộng bằng hình thức như thu thập thông tin qua “Phiếu thu thập thông tin văn hóa đọc” ở các đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và các bậc phụ huynh với hình thức phát phiếu trực tiếp và qua ứng dụng google drive chúng tôi thu về tổng cộng 2.818 kết quả được khái quát thành bảng biểu sau:
Bảng 1. Số lượng học sinh và phụ huynh tham gia khảo sát
Kết quả khảo sát cho thấy, thực trạng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách đang dần phổ biến. Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình…, dường như ít còn chỗ cho việc đọc sách, người ta giảm hứng thú với việc đọc. Văn hóa đọc mới chỉ dừng lại ở việc tra cứu tài liệu, đọc theo thị hiếu đám đông còn thói quen đọc, kỹ năng đọc chưa được bạn đọc chú ý và đầu tư.
Phụ huynh và học sinh - hai lực lượng đông đảo của cộng đồng đọc sách hiện nay, mặc dù hơn 80% trả lời thích đọc sách nhưng thời gian dành cho việc đọc hầu hết ít hơn 30 phút mỗi ngày và chỉ đọc khi nào có hứng thú. Như vậy có nghĩa là sách không thực sự là mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong thời đại thông tin hiện nay.
Hình 1. Biểu đồ về thời gian đọc sách của phụ huynh, học sinh
Ngoài những nguyên nhân chủ quan của cá nhân người đọc chưa thực sự yêu thích sách, gia đình đến nhà trường chưa đưa hoạt động đọc sách thành một yêu cầu cần thiết trong giáo dục, chúng tôi nhận thấy những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự phai nhạt tinh thần đọc sách trong cộng đồng như sau:
Về phía thư viện: theo thông tin từ trang web của Thư viện Quốc gia Việt Nam, hệ thống thư viện nước ta với Thư viện Quốc gia Việt Nam đứng đầu và 63 thư viện tỉnh/thành phố, 582 thư viện quận/huyện... Thư viện các tỉnh, thành phố đều ở vị trí trung tâm, xây dựng khang trang, lượng sách khá nhiều. Ngoài ra, các trường học, cơ sở giáo dục có thư viện đa dạng về thể loại sách dành cho học sinh. Tuy nhiên, các điều kiện thuận lợi đó không đủ sức hút để người đọc tìm đến với sách. Qua theo dõi, ghi chép và tìm hiểu thì thấy rằng học sinh, sinh viên, người dân đến thư viện tỉnh chưa nhiều, thư viện quận/huyện rất ít. Lý do có thể là sách chưa cập nhật thường xuyên, kịp thời, phòng đọc tẻ nhạt…
Qua khảo sát của chúng tôi, các website, fanpage chưa thật sự được các thư viện chú trọng phát triển để quảng bá, truyền thông giới thiệu về thư viện, sách mới… Nhìn chung, website của các thư viện chưa được đầu tư tốt: hình thức không đẹp bằng các website thuộc lĩnh vực khác, khó sử dụng, giao diện chưa thân thiện... Kết quả khảo sát trang Facebook của các thư viện tỉnh/thành phố cho thấy có 50/63 (79%) thư viện có fanpage, 13 thư viện không có. Hầu hết fanpage của các thư viện đều có nội dung khá tẻ nhạt, không thường xuyên đăng bài nên lượng độc giả theo dõi rất ít.
Thiếu không gian đọc cộng đồng: hiện nay, bên cạnh hệ thống thư viện do Nhà nước quản lý, có khoảng hơn 300 thư viện cộng đồng do các cá nhân, gia đình ở khắp mọi miền đất nước sáng lập để phục vụ miễn phí cộng đồng. Trong khả năng tìm kiếm của mình, chúng tôi thống kê được 59 thư viện cộng đồng trên cả nước hiện đang hoạt động tích cực, hoàn toàn miễn phí với mục đích đưa sách đến với người đọc, trong đó, đối tượng hướng đến nhiều nhất là học sinh. Hình thức thư viện cộng đồng này được tổ chức rải rác từ thành phố đến nông thôn, thậm chí cả ở vùng sâu, vùng xa. Đó là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hình thức hoạt động là kết hợp online, offline để giới thiệu sách, khuyến khích tình yêu đối với sách ở mọi đối tượng. Nhiều thư viện đặt ra tiêu chí, nội dung hoạt động rõ ràng, tổ chức cùng đọc, thảo luận theo định kỳ. Tuy nhiên, đất nước gần 100 triệu dân thì 300 thư viện cộng đồng là ít ỏi. Hoạt động của các thư viện chỉ như đốm lửa nhỏ để thắp ánh sáng của tình yêu sách ở một số vùng miền, chưa đủ để trở thành ngọn lửa thắp sáng tri thức của đất nước.
Giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng
Dựa trên các khảo sát và phân tích khiến tình trạng đọc sách trong cộng đồng giảm sút, chúng tôi đề xuất một số giải pháp gần gũi, đơn giản, dễ thực hiện với hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Một là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu văn hóa đọc, khuyến đọc. Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu về văn hóa đọc chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ một số nghiên cứu về văn hóa đọc của sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp ở trường đại học, trong đó số lượng khảo sát của nghiên cứu chưa nhiều, chưa sâu rộng, thực trạng và giải pháp đưa ra cho sinh viên của chính trường đại học đó. Từ đó, chúng tôi đề xuất các cơ quan văn hóa như nhà xuất bản, công ty phát hành sách, thư viện tỉnh, sở văn hóa, trường đại học, viện nghiên cứu… có chuyên ngành văn hóa, thư viện cần đẩy mạnh công tác khảo sát văn hóa đọc thường xuyên, trên diện rộng nhằm nhận diện được thị hiếu đọc của độc giả, định hướng văn hoá đọc cho toàn xã hội.
Hai là, triển khai tặng “Cuốn sách đầu đời của bé”. Thuở đầu đời, mọi đứa trẻ sinh ra gần như giống nhau, đều trong sáng đơn thuần như tờ giấy trắng. Quyết định một người cả cuộc đời có sống tốt hay không, hạnh phúc hay không, thành công hay không… có rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố ảnh hưởng rất lớn, vô cùng quan trọng chúng ta kiểm soát được đó là đọc sách. Mỗi lời cha mẹ đọc từ cuốn sách phù hợp để lại trong ý thức của trẻ trở thành nguồn suối mát nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm chất của trẻ. Ngôn ngữ đọc của mẹ cha lúc này là “lời vàng”, bao gồm cả tình yêu và hơi ấm, là “cuốn sách quý” xây dựng nền tảng thói quen đọc sách, tìm kiếm tri thức cho con. Vì thế, giải pháp dễ dàng thực hiện là các phòng khám, phòng sinh, bệnh viện tặng “Cuốn sách đầu đời của bé” ngay khi người mẹ vừa sinh con, hướng dẫn bố mẹ đọc sách cho con trong ngày đầu tiên con đến với thế giới, mỗi ngày đều đặn, đứa trẻ sẽ có thói quen tốt đẹp đọc sách nhiều khi lớn lên.
Ba là, đề xuất “Ngày khuyến đọc Việt Nam”. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách. Chúng tôi đề xuất Chính phủ nên có ngày kỷ niệm cho văn hóa đọc, có thể gọi là “Ngày khuyến đọc Việt Nam”. Ngày này khuyến khích, động viên học sinh, sinh viên, nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến đọc, phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, xây dựng thế hệ đọc tương lai. Khi có “Ngày khuyến đọc Việt Nam” các đơn vị như nhà xuất bản, thư viện, nhà sách sẽ coi đây là ngày hội lớn để tổ chức các hoạt động khuyến đọc tạo nên nét đẹp văn hóa trong đời sống nhân dân, mang lại nhiều lợi ích văn hóa để xã hội ngày càng phát triển hơn.
Bốn là, phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện. Thư viện là đầu ra chính của ngành xuất bản, là nơi tổ chức đọc sách, báo, tài liệu một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sách đến thư viện chỉ nằm nguyên trên kệ, trong tủ, chưa phát huy được giá trị, hiệu quả nên rất lãng phí. Vì vậy, để sách đến được với bạn đọc ngày càng nhiều, hệ thống ngành thư viện cần: thực hiện tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách; chủ động đổi mới về nhiều mặt để thu hút bạn đọc; hệ thống thư viện cấp huyện tăng cường công tác bổ sung sách, báo, tài liệu... Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc xây dựng thư viện cấp xã, hỗ trợ thư viện cộng đồng do tư nhân mở ra giúp cho việc đọc của nhân dân trong quá trình tự học, làm giàu tri thức, nâng cao khả năng tư duy, năng lực tự nghiên cứu. Từ đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong giới trẻ, hình thành thế hệ đọc tương lai.
Năm là, khuyến đọc trở thành mục thường kỳ của báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Các báo nên có chuyên mục giới thiệu sách hay, sách mới, tác giả trẻ… thường xuyên, liên tục bằng các mục như “Đọc sách cùng bạn”, “Sách mới nóng hổi”, “Cây viết trẻ”… Đặc biệt, những tờ báo dành cho học sinh, sinh viên như Mực tím, Hoa học trò, Thiếu niên tiền phong, Khăn quàng đỏ… nên dành những phần “đất” lớn để thực hiện giải pháp này. Ở địa phương giải pháp này cần thực hiện mạnh vì báo địa phương xuất bản hàng ngày, độc giả đa dạng nên các chuyên mục về văn hóa đọc, sách mới, tác giả nổi tiếng… nhanh chóng được đông đảo bạn đọc quan tâm.
Các báo có lượng độc giả lớn như Tuổi trẻ, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, Người lao động… nếu thực hiện giải pháp tăng cường chuyên mục giới thiệu sách thường kỳ sẽ tạo thành thói quen quan tâm đến sách, đọc sách thường xuyên. Qua đó giúp bạn đọc biết nhiều hơn sách hay, sách nên đọc… Đài phát thanh, truyền hình địa phương và quốc gia nên có những chương trình giới thiệu sách hoặc đọc sách cho trẻ em nghe. Những chương trình này nếu được thực hiện phát hằng ngày theo một khung giờ cố định sẽ đưa đến rất nhiều lợi ích cho khán giả nghe/xem đài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mortimer J. Adler (2010), Đọc sách như một nghệ thuật, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Hải Nhi dịch).
2. Yuji Akaba (2019), Kỹ năng đọc sách hiệu quả, Nhà xuất bản Thế giới (Nguyễn Châm dịch).
3. Charles Van Doren (2019), Thú đọc sách, Nhà xuất bản Trẻ (Phan Quang Định dịch).
4. Doãn Kiến Lợi (2020), Nuôi dạy một đưa trẻ thích đọc sách, Nhà xuất bản Phụ nữ.
Nguồn:
1Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang, Khánh Hòa
2Trường THCS Lý Thái Tổ, TP Nha Trang, Khánh Hòa