Nơi lưu giữ nhiều loài thực vật đặc hữu
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập theo Quyết định số 1804/QĐ-UB ngày 01/09/2003 của UBND tỉnh Bắc Kạn, với tổng diện tích 15.715,02 ha, nằm trên địa bàn các xã: Văn Lang (Lạng San, Ân Tình), Lương Thượng, Kim Hỷ, Côn Minh huyện Na Rì và các xã: Cao Sơn, Vũ Muộn huyện Bạch Thông. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 10.974,99 ha, còn lại là các phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ - hành chính và vùng đệm. Bên cạnh yếu tố đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gen quý, hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây thiết sam giả hay còn gọi là (thông đá) mà trên thế giới hiện nay còn sót lại ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc. Các số liệu điều tra bước đầu cho thấy, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chứa đựng những tiềm năng to lớn về đa dạng sinh học, trong đó đáng chú ý là hệ thực vật và các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi. Nhưng cho đến nay những nghiên cứu về đối tượng này còn rất hạn chế, các nghiên cứu đã thực hiện chủ yếu mang tính chất thống kê phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển Khu bảo tồn, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ.
Những năm gần đây, việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã làm cho diện tích rừng tự nhiên có chất lượng bị thu hẹp, mục đích sử dụng đất bị chuyển đổi, tài nguyên sinh vật bị khai thác quá mức, nhiều giống mới du nhập vào tỉnh không được kiểm soát và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ảnh hưởng tới đa dạng thực vật của khu vực. Nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý, hiếm nói riêng và hệ thực vật nói chung, việc nghiên cứu đánh giá thành phần loài thực vật là thực sự cần thiết.
Bảo tồn và phát triển
Trước yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu bổ sung đầy đủ, toàn diện về đa dạng thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và đề xuất giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đặc dụng, tìm kiếm phát hiện các loài thực vật mới, loài ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam nói chung và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nói riêng, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đề xuất và được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu tính đa dạng, đánh giá hiện trạng thực vật bậc cao có mạch, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn”.
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 1.251 loài và dưới loài thuộc 728 chi và 170 họ thực vật của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Mô tả 2 loài mới cho khoa học là Sporoxeia vietnamensis, Strobilanthes spathulatibracteata; ghi nhận 03 loài bổ sung cho hệ thực vật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là: Rungia burmanica, Rungia sinothailandica, Strobilanthes lamiifolia. Bên cạnh đó, đề tài đã tổng hợp được 14 nhóm giá trị sử dụng của các loài ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, trong đó nhóm cây làm thuốc có số loài lớn nhất với 749 loài, nhóm cây cho gỗ 257 loài, nhóm cây làm cảnh 141 loài, nhóm cây ăn được 134 loài, các nhóm cây có số lượng ít là vật liệu xây dựng 14 loài, nhóm cây cho nhựa 9 loài. Về mức độ quý hiếm, đề tài đã ghi nhận: trong số 1.251 loài thực vật bậc cao, 313 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN (2023), 65 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 85 loài có tên trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đề tài đã xây dựng 06 sơ đồ điểm phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, ưu tiên bảo tồn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn.
Ngoài ra, đề tài đã xác định được 2 nhóm nguyên nhân (trực tiếp và gián tiếp), với 11 nguy cơ gây tổn thất và suy giảm đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, từ đó đề xuất 07 nhóm giải pháp với một số biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Theo đó, để bảo tồn và phát triển, cần xây dựng, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, giúp người dân được thụ hưởng chính sách, tạo sinh kế và việc làm, giảm áp lực tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; chính sách khoán bảo vệ rừng; chính sách vay vốn trồng rừng, chăn nuôi xóa đói giảm nghèo; đồng thời cần xây dựng và thực hiện chương trình giám sát đa dạng sinh học để biết những thay đổi đa dạng sinh học diễn ra dưới tác động tự nhiên và nhân tạo phục vụ bảo tồn góp phần quản lý và sử dụng đa dạng sinh học một cách hợp lý và bền vững.
Chu Ngân - Phong Vũ