Thứ năm, 14/07/2022 14:09

Một số điểm đáng lưu ý từ Báo cáo Trích dẫn tạp chí năm 2022

Dương Tú

Đại học Purdue, Hoa Kỳ

Clarivate* vừa công bố Báo cáo Trích dẫn tạp chí (Journal Citation Reports - JCR) thường niên năm 2022. Báo cáo không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về hơn 21.000 tạp chí thuộc 254 ngành của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn mà còn cho thấy tác động to lớn của đại dịch Covid-19 đối với xuất bản học thuật, đồng thời xác định một loại hành vi trích dẫn bất thường mới.

JCR năm nay dựa trên dữ liệu về trích dẫn năm 2021, được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu (CSDL) Web of Science (WoS) - bộ sưu tập hàng đầu thế giới gồm các tạp chí, sách và kỷ yếu hội thảo có chất lượng. Các ấn phẩm được lựa chọn và đánh giá bởi đội ngũ biên tập viên nội bộ toàn cầu của Clarivate dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt. JCR cung cấp nhiều thông tin tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, biên tập viên, thủ thư và cơ quan tài trợ. Báo cáo được các nhà xuất bản học thuật trên toàn cầu sử dụng rộng rãi để đánh giá tác động của các tạp chí do họ xuất bản và quảng bá chúng đến cộng đồng nghiên cứu.

Tác động của đại dịch Covid-19

Giống như năm 2020, đại dịch Covd-19 tiếp tục tác động mạnh tới JCR 2022. Trong số hơn 10.000 tạp chí có hệ số ảnh hưởng (Journal Impact Factor hay JIF) từ 2,000 trở lên nằm trong JCR năm nay, có tới 222 tạp chí đã tăng gấp đôi JIF so với năm 2019, phần lớn nhờ các bài báo được trích dẫn nhiều liên quan đến dịch bệnh. Trong số này, gần một nửa (105 tạp chí) thuộc các ngành y đa khoa, chăm sóc tích cực, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm, miễn dịch học và khoa học y sinh. Một vài tạp chí có JIF tăng tới 10 lần so với trước đó. Những tạp chí có JIF tăng nhanh không thuộc các ngành kể trên cũng công bố những bài báo được trích dẫn nhiều liên quan đến các khía cạnh khác nhau của dịch Covid-19 (ảnh hưởng của giãn cách đến bất bình đẳng xã hội/kinh tế, việc đứt gãy chuỗi cung ứng tác động như thế nào đến ngành nông nghiệp...).

Trường hợp nổi bật nhất có JIF nhảy vọt nhờ các bài báo liên quan đến đại dịch Covd-19 là tạp chí The Lancet. JIF của tạp chí này đã tăng đột biến hơn 2,5 lần từ 79,323 năm 2020 lên 202,731 năm 2021, đưa The Lancet lên vị trí số 1 trong nhóm tạp chí ngành y đa khoa và nội khoa. Đây là lần đầu tiên trong suốt lịch sử 45 năm của JCR, The Lancet chiếm được vị trí dẫn đầu của tạp chí New England Journal of Medicine, mặc dù JIF của New England Journal of Medicine cũng tăng mạnh gần 2 lần từ 91,253 lên 176,079. Trong số 10 bài báo được trích dẫn nhiều nhất năm 2021, có 3 bài được công bố trên The Lancet, tất cả đều liên quan trực tiếp đến đặc điểm bệnh lý và điều trị Covid-19 với số lượt trích dẫn lần lượt là 6478, 5878 và 3780. Với cả hai tạp chí The Lancet và New England Journal of Medicine, 8/10 bài báo đóng góp nhiều nhất vào JIF năm nay đều liên quan đến Covid-19.

Ngoài The Lancet và New England Journal of Medicine, 5 tạp chí khác cũng lần đầu tiên có JIF vượt mốc 100, đó là Journal of the American Medical Association (JIF 157,335), Nature Reviews Molecular Cell Biology (113,915), Nature Reviews Drug Discovery (112,288), Nature Reviews Immunology (108,555), Lancet Respiratory Medicine (102,642). Tất cả các tạp chí này đều công bố nhiều bài báo được quan tâm liên quan đến Covid-19. Tạp chí danh tiếng Nature cũng có JIF tăng đáng kể từ 49,962 lên 69,504. Nhờ đóng góp quan trọng của các công trình liên quan đến Covid-19, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nature thu hút tới hơn 1 triệu lượt trích dẫn chỉ trong một năm. Trong hai năm 2019 và 2020, Nature công bố 16 bài báo đạt trên 500 lượt trích dẫn vào năm 2021, trong đó có tới 12 công trình liên quan đến Covid-19.

Tác động mạnh mẽ của các bài báo liên quan đến đại dịch Covid-19 lên JIF một lần nữa cho thấy sự nhạy cảm của JIF đối với những bài báo được trích dẫn nhiều. Thật vậy, do JIF phản ảnh số lượt trích dẫn trung bình (chứ không phải trung vị) vào năm gần nhất của một bài báo được công bố trong vòng 2 năm trước đó, một tạp chí chỉ cần công bố vài bài báo được trích dẫn nhiều đã có thể khiến JIF tăng đột biến, trong khi số lượt trích dẫn của đại đa số bài báo còn lại không thay đổi đáng kể. Nếu như Covid-19 làm JIF của nhiều tạp chí tăng vọt, nó cũng có thể khiến chỉ số này tụt dốc nhanh chóng khi đại dịch qua đi. Do đó, như khuyến cáo của Clarivate, không nên sùng bái và lạm dụng JIF cũng như chỉ dựa vào JIF để đánh giá chất lượng tạp chí nói chung và chất lượng mỗi bài báo nói riêng.

10 tạp chí Việt Nam trong JCR 2022

Việt Nam đóng góp 10 tạp chí trong JCR 2022, trong đó chỉ có 1 tạp chí lọt được vào danh mục SCIE (Science Citation Index Expanded), đó là Journal of Science: Advanced Materials and Devices (Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến) của Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Nhà xuất bản Elsevier. Nhờ JIF tăng đáng kể từ 5,469 lên 7,382, đây là lần đầu tiên một tạp chí của Việt Nam lọt vào nhóm Q1 (25% tạp chí có JIF cao nhất) với JIF xếp hạng 82 trong số 345 tạp chí ngành khoa học vật liệu.

9 tạp chí khác của Việt Nam thuộc danh mục ESCI (Emerging Sources Citation Index) nằm trong JCR 2022 bao gồm 5 tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Acta Mathematica Vietnamica; Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology; Vietnam Journal of Chemistry; Vietnam Journal of Earth Sciences; và Vietnam Journal of Mathematics); 4 tạp chí còn lại của còn lại của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Biomedical Research and Therapy), Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (Journal of Asian Business and Economic Studies), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Journal of Information and Telecommunication) và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Vietnam Journal of Computer Science).

3 tạp chí bị Clarivate ngừng cung cấp JIF và 6 tạp chí bị cảnh cáo

Bên cạnh việc bổ sung 192 tạp chí lần đầu tiên có JIF, JCR 2022 cũng ngừng cung cấp JIF cho 3 tạp chí do những bất thường về trích dẫn. Cụ thể, các tạp chí Connection Science, Chinese Journal of Organic Chemistry và Indian Journal of Microbiology đã bị tước bỏ JIF do tỷ lệ tự trích dẫn quá cao, lần lượt là 51, 35 và 30%, bóp méo kết quả tính toán JIF cũng như xếp hạng tạp chí. Các tạp chí này sẽ được Clarivate đánh giá lại và sẽ bị loại khỏi JCR nếu không đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chí về chất lượng.                       

Clarivate cũng cảnh cáo 6 tạp chí khác vì hành vi thao túng trích dẫn bằng cách đăng một vài bài báo trích dẫn hàng loạt bài báo khác của chính các tạp chí đó, nhằm thổi phồng lượt trích dẫn để làm tăng JIF. Các tạp chí bị cảnh cáo đều thuộc lĩnh vực y khoa, bao gồm Allergy, American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine, Clinical and Experimental Allergy, Experimental Dermatology, HLA và Resuscitation. Kể từ năm sau, các tạp chí tìm cách thao túng trích dẫn kiểu này sẽ bị tước bỏ JIF.

Đáng chú ý, toàn bộ 9 tạp chí “có vấn đề” kể trên đều nằm trong Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Hơn nữa, trong số 6 tạp chí bị cảnh cáo vì thao túng trích dẫn, có tới 5 tạp chí còn thuộc cả Danh mục tạp chí ISI có uy tín của NAFOSTED. Có thể nhận thấy 6 tạp chí vừa bị Clarivate cảnh cáo đa số thuộc nhóm Q1 với JIF từ khá cao đến rất cao, đặc biệt là tạp chí American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine (JIF 30,528) và Allergy (JIF 14,710).

3 tạp chí bị Clarivate ngừng cung cấp JIF và 6 tạp chí bị cảnh cáo

Thông tin này cũng như sự lệ thuộc mạnh của JIF vào số ít bài báo được trích dẫn nhiều của một tạp chí như đã trình bày trên đây mang hàm ý quan trọng rằng không nên mặc định xem một tạp chí là uy tín chỉ bằng cách căn cứ thô sơ vào JIF hay nhóm tứ phân vị (Q1-Q4) của nó. JCR bao gồm hàng vạn tạp chí “thượng vàng hạ cám”, trong đó có không ít tạp chí đáng nghi vấn, thậm chí lẫn cả tạp chí “săn mồi”. Do đó, danh mục này không phải chuẩn mực hay khuôn vàng thước ngọc bảo chứng cho chất lượng tạp chí, lại càng không phản ánh chất lượng mỗi bài báo, mà chỉ là hàng rào kỹ thuật và mặt bằng tối thiểu về chất lượng tạp chí mà thôi.

*Clarivate là công ty của Mỹ sở hữu CSDL về các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới; cung cấp thông tin chi tiết và phân tích dữ liệu về các bài báo, tạp chí đáng tin cậy. WoS (Web of Science) là CSDL thống kê trích dẫn của các tạp chí khoa học được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate. WoS được sáng lập năm 1956 bởi Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific Information), nên một thời gian dài được biết với tên gọi là ISI. Năm 1992, Thomson Sciencetific (sau này là Thomson Reuters) mua lại ISI (nên còn có tên là Thomson ISI) và đến năm 2016, Thomson Reuters được bán cho Clarivate.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://clarivate.com/blog/journal-citation-reports-2022-covid-19-research-continues-to-drive-increased-citation-impact.

2. https://jcr.help.clarivate.com/Content/title-suppressions.htm.

3. https://nafosted.gov.vn/ban-hanh-cac-danh-muc-tap-chi-co-uy-tin-trong-linh-vuc-khoa-hoc-tu-nhien-va-ky-thuat-do-quy-phat-trien-khcn-quoc-gia-tai-tro.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)