Thứ ba, 31/05/2022 14:36

Nhiều nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ được đề nghị sửa đổi

Sáng 31/5/2022, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ... Đặc biệt, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi về việc cần thiết nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật lần này các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số. Mặc dù dự thảo Luật đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ như: quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm phần mềm, hệ thống thông tin hay sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh..., song nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ, gây khó khăn khi triển khai trong thực tiễn. Nếu như trong các lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản có giá trị lớn của doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị... thì trong kinh tế số, tài tài sản có giá trị lại là phần mềm, dữ liệu, hệ thống thông tin. Đây đều là các đối tượng tài sản cần được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí, ngoài những nội dung đã được đưa ra tại buổi thảo luận, Dự án Luật cơ bản đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp cam kết quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo chất lượng để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Việc sửa đổi luật để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là pháp luật về sở hữu trí tuệ, khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay để có thể tranh thủ được cơ hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như chủ động, tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, tăng cường khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ giúp các hoạt động này nó ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tốt của thế giới.

MN

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)