Thứ ba, 13/07/2021 09:44

Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện ảnh

Nguyễn Thy Nga

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và quản lý V-Startup

Với Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020, Việt Nam đã có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số, trong đó 3 trụ cột là xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cũng như các lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong lĩnh vực điện ảnh là một xu hướng tất yếu đòi hỏi cần có những giải pháp thúc đẩy, nhằm thương mại hóa và đặc biệt là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế thông qua các tác phẩm điện ảnh.

Số hóa điện ảnh: khái niệm, đối tượng và xu hướng tất yếu

Số hóa là một hình thức hiện đại có khả năng chuyển các hệ thống từ dạng thông thường sang dạng kỹ thuật số. Điển hình như số hóa các tài liệu dạng giấy thành file pdf, jpg, tif, bmp và lưu trữ trên máy tính. Số hóa truyền hình là từ hình thức phát sóng analog sang loại hình phát sóng kỹ thuật số. Số hóa còn được định nghĩa là nhập dữ liệu lên phần mềm để có thể quản lý, theo dõi và đánh giá chúng dễ dàng, thuận tiện hơn. Số hoá phim là chuyển mọi thông tin và dữ liệu phim từ dạng analog sang thông tin kỹ thuật số.

Mặc dù lưu trữ ở dạng analog thường ổn định hơn, nhưng dữ liệu số có thể dễ dàng chia sẻ, truy cập và khai thác. Dữ liệu số có thể được truyền đi vô thời hạn, không bị mất mát qua thời gian và qua các lần sao chép dữ liệu, miễn là trong quá trình số hoá phải sử dụng các nền tảng ổn định. Số hóa tài liệu lưu trữ phim điện ảnh đã phổ biến tại các nước phát triển, tuy nhiên tại Việt Nam, số hóa tài liệu lưu trữ phim và các dạng hình ảnh động còn khá mới mẻ, đang trong quá trình sơ khai và từng bước phát triển.

Theo quan điểm của Liên đoàn các Viện lưu trữ phim quốc tế (FIAF) thì lưu trữ và bảo quản phim nhựa vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Nhưng ngày nay, đứng trước xu hướng chuyển đổi số, có nhiều đối tượng có thể số hoá:

Phim thời sự - tài liệu: có thể xem đây là đối tượng quan trọng nhất vì phóng sự tài liệu luôn được thực hiện theo tinh thần người thật, việc thật, mang giá trị tư liệu lịch sử cao.

Phim truyện: cần ưu tiên số hóa các bộ phim truyện kinh điển, những phim đoạt giải thưởng quốc tế và trong nước, nhưng cần xem xét đến những tiêu chí giá trị về nội dung, nghệ thuật, tiêu biểu cho mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử.

Phim hoạt hình: chọn số hóa tất cả những bộ phim tiêu biểu của mỗi thời kỳ, giai đoạn, ưu tiên số hoá trước và phổ biến những phim đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Tất cả tư liệu bằng hình ảnh động: được ghi theo từng chủ đề riêng lẻ hoặc đã tổng hợp, dù chưa phải là tác phẩm hoàn chỉnh. Đây cũng là những dữ liệu rất quan trọng vì trên thực tế, có rất nhiều hình ảnh được ghi lại nhưng chỉ có một phần trong số đó được sử dụng để dựng thành phim. Chính số lượng tư liệu “thô” này là một kho tàng vô giá cho việc tham khảo về sau. Cũng vì số lượng đồ sộ của chúng nên việc đánh dấu, hệ thống hoặc mã hóa chúng là vô cùng cần thiết để thuận tiện cho việc sử dụng và tham khảo.

Các tài liệu (thường là bằng văn bản, hồ sơ): bao gồm các thông tin như kịch bản phim, tiến độ quay, lý lịch phim, kênh phát hành, thời hạn phát hành, tình trạng kỹ thuật, bản quyền sử dụng, nơi lưu trữ, thống kê doanh thu, số lượt người xem, các giải thưởng đã đạt được…

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 500 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản xuất phim (trong đó có khoảng 15-20 doanh nghiệp sản xuất phim chiếu rạp, còn lại chủ yếu sản xuất các chương trình truyền hình, quảng cáo) và 922 rạp chiếu phim. Công nghệ sản xuất và chiếu phim vẫn còn lạc hậu. Rạp chiếu phim của các doanh nghiệp nước ngoài phát triển ồ ạt (chiếm 60% số rạp) đã chi phối và lấn át các đơn vị trong nước. Trong khi đó, hệ thống rạp do Nhà nước quản lý thì xuống cấp trầm trọng, công nghệ lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu của khán giả...

Số hóa điện ảnh đem lại nhiều lợi ích như: thuận lợi cho việc lưu trữ; góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa… của Việt Nam ra bạn bè quốc tế… và sẽ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai và hoàn thiện được hoạt động này. Nguyên nhân có thể đến từ chính nội bộ của đơn vị: i) việc số hoá có thể gây ra sự xáo đổi lớn về nhân sự trong đơn vị, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt; ii) dù khoản đầu tư số hoá dữ liệu nhiều hay ít phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển, trình độ công nghệ sẵn có cũng như nhu cầu thực tế, nhưng nó vẫn là một gánh nặng, đặc biệt nếu đầu tư ngay một hệ thống đầy đủ và hiện đại có thể khiến chi phí đội lên khá cao; iii) nhân sự để triển khai số hoá thiếu và không đồng bộ về chuyên môn giữa các đơn vị (người có công nghệ thì không có chuyên môn trong lĩnh vực để có thể phân loại), nên phải đồng thời kết hợp nhân sự công nghệ và chuyên viên của đơn vị để cùng số hoá dữ liệu phim.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam

Phát triển hệ sinh thái điện ảnh số

Điện ảnh Việt Nam cần chủ động áp dụng những thành quả của khoa học và công nghệ, hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Theo đó, cần xác định những bước đi cụ thể phát triển hệ sinh thái điện ảnh số như: i) Phát triển nguồn nhân lực: Nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo các tài năng, nhân lực trong việc ứng dụng số hóa trong lĩnh vực điện ảnh; ii) Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động số hoá phim ảnh và phát triển các công nghệ nền tảng để khai thác, phổ biến và phát triển phim, tạo động lực phát triển kinh tế số trong lĩnh vực điện ảnh; iii) Tăng cường hợp tác công - tư, đặc biệt với các doanh nghiệp công nghệ số; iv) Nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh, nhất là trong sản xuất phim; hợp tác công - tư trong xây dựng các trung tâm chiếu phim hiện đại; xây dựng tác phẩm điện ảnh lớn sử dụng kỹ xảo; lưu trữ và phổ biến phim bằng công nghệ cao; v) Hoàn chỉnh Luật Điện ảnh và đưa vào thực hiện nghiêm túc công tác nộp lưu chiểu phim; vi) Có chính sách rõ ràng về việc thu thập hình ảnh tư liệu của sở hữu cá nhân hay các đơn vị thông tin (hình thức mua lại, sang nhượng hoặc chia sẻ bản quyền sử dụng, hình thức chế tài, trao đổi…); vii) Liên kết các cơ quan liên quan để thực hiện pháp luật về bản quyền, có cơ chế phối hợp công - tư để khai thác tốt nhất các tác phẩm điện ảnh và hình ảnh tư liệu, đặc biệt trong việc hợp tác, trao đổi, mua bán hay sang nhượng các quyền trên cho các đối tượng trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế số điện ảnh và quảng bá hình ảnh quá khứ, hiện tại, tương lai của đất nước, con người Việt Nam.

Phát triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh

Việc kinh doanh rồi mới tìm kiếm cộng đồng, hay khách hàng là một quy trình phiêu lưu. Bởi khi đó, doanh nghiệp công nghệ không còn cách nào khác là phải phụ thuộc vào những hệ sinh thái khác để phát triển. Đó là lý do các doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực điện ảnh cần sớm xây dựng cộng đồng liên tục mỗi ngày để giá trị cộng đồng lớn dần. Việc này có thể được thực hiện thông qua xây dựng và nuôi dưỡng các cộng đồng trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến phát triển phim và Việt Nam cần khuyến khích phát triển được các nền tảng ứng dụng trực tuyến nội địa thu hút người dùng để đảm bảo phát triển thương mại hóa điện ảnh số, đồng thời giữ được sự bảo mật tài nguyên dữ liệu.

Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực gia công phát triển phần mềm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm đến hàng đầu châu Á. Bước tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này kỳ vọng chung sức nâng tầm Việt Nam thành một trung tâm phát triển phần mềm và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo chỉ số gia công phần mềm toàn cầu (GSLI) của tổ chức AT Kearney 2019, Việt Nam xếp thứ 5 trên 50 quốc gia có nền tảng tốt về dịch vụ công nghệ thông tin. Những chỉ số này cho phép chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về một viễn cảnh Việt Nam trở thành điểm đến sáng tạo của khu vực, thông qua lĩnh vực điện ảnh số. Để lĩnh vực điện ảnh số Việt Nam là trọng tâm của công nghiệp văn hoá và Việt Nam trở thành điểm đến sáng tạo trong khu vực, cần ba yếu tố trụ cột: i) Chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ Chính phủ để triển khai chuyển đổi số lĩnh vực điện ảnh, thương mại hoá điện ảnh số; ii) Khung đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp công nghệ số để gia nhập và phát triển hệ sinh thái điện ảnh số; iii) Tinh thần sáng tạo từ mỗi người trong việc thụ hưởng, khai thác và phát triển sản phẩm của điện ảnh số.

Thương mại hóa điện ảnh thông qua chuyển đổi số

Từ khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên hình ảnh động, để thương mại hóa điện ảnh số, chúng ta cần thực hiện một số công việc cụ thể để công tác số hóa tác phẩm điện ảnh và tư liệu hình ảnh động được hiệu quả:

Một là, tổ chức, phân loại dữ liệu khoa học. Xây dựng nền tảng dữ liệu số hóa toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim và bản quyền tác giả; xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho ngành công nghiệp điện ảnh…

Hai là, đánh giá dữ liệu hiện có, xác định mô hình dữ liệu dùng chung cho mục tiêu chuyển đổi số, xác định các mô hình khai thác và sử dụng dữ liệu cho các lớp ứng dụng, và đặt mục tiêu số hóa càng nhanh càng tốt cho các tác phẩm điện ảnh và hình ảnh tư liệu mới.

Ba là, chuẩn bị hạ tầng số lưu trữ dữ liệu, ưu tiên những nền tảng của Việt Nam để đảm bảo bảo mật thông tin, dữ liệu của người Việt.

Bốn là, tìm kiếm các cơ hội thương mại hóa trong môi trường số.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)