Thứ năm, 20/08/2020 15:07

Xói lở, bồi tụ dải bờ biển, cửa sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế và giải pháp ổn định

Nhằm ổn định cửa sông, bờ biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu quá trình xói lở, bồi tụ dải bờ biển, cửa sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, có xét tới ảnh hưởng của các tác động từ thượng nguồn và đề xuất giải pháp ổn định” (mã số KC08.16/16-20). Kết quả của đề tài đã đề xuất được các giải pháp khoa học và công nghệ có tính khả thi và hiệu quả nhằm ổn định cửa sông, bờ biển 3 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Diễn biến xói lở, bồi tụ dải bờ biển, cửa sông ngày càng phức tạp

Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai bão lũ vào loại mạnh trên thế giới. Chỉ tính riêng miền Trung, trung bình mỗi năm chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đã xảy ra rất nhiều trận lũ rất lớn, chênh lệch mực nước giữa sông và biển tạo thành áp lực phá vỡ các cồn cát, dải cát ven biển để mở rộng cửa sông, thậm chí mở ra cửa sông mới (mở cửa Hòa Duân trong trận lũ năm 1999). Hiện tượng xói lở các cửa sông, ven biển xảy ra thường xuyên hàng năm cả trong mùa lũ và trong mùa kiệt với cường độ và tốc độ khác nhau. Các khu vực bị xói lở mạnh nhất là ở ven biển cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), cửa Tùng (Quảng Trị), từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền (Thừa Thiên - Huế).

Bên cạnh tình trạng xói, sạt bờ biển, hiện tượng bồi lấp, dịch chuyển các cửa thường diễn ra tại những nơi có biên độ triều nhỏ, động lực sóng ven bờ chiếm ưu thế và dòng chảy của các sông đổ ra biển có sự biến đổi theo mùa rõ rệt. Các cửa biển này có thể bị bồi lấp theo chu kỳ vài tháng trong một năm hoặc vài năm trong một chu kỳ dài hơn. Hiện tượng bồi lấp, dịch chuyển các cửa biển tại những thời điểm không mong muốn đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thoát lũ trên lưu vực, gây ngập lụt vùng hạ lưu, ảnh hưởng tới môi trường biển và hệ sinh thái, làm cản trở giao thông thủy (khó khăn tàu bè ra vào neo đậu), phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản trong vùng, gián tiếp gây nên sự phát triển kinh tế - xã hội không bền vững trong vùng và khu vực. Đặc biệt, những năm qua do chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình bão và áp thấp nhiệt đới diễn biến bất thường, ảnh hưởng của khai thác thượng nguồn (xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, khai thác cát xây dựng…) đã làm dải bờ biển Việt Nam nói chung và dải bờ biển 3 tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế thường xuyên bị biến động mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội vùng ven biển.

Theo thống kê, tổng chiều dài đường bờ biển bị xói lở ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế là hơn 100 km, chiếm khoảng 24% tổng chiều dài bờ biển này. Toàn khu vực có 67 đoạn bờ bị xói lở với chiều dài xói lở khác nhau từ dưới 200 m đến trên 6.000 m, mức độ xói lở trải dài và diễn ra ở rất nhiều nơi dọc bờ biển các tỉnh. Dải bờ biển tỉnh Quảng Bình có khoảng 32 đoạn bờ bị xói lở, bờ biển tỉnh Quảng Trị có 29 đoạn xói lở, Thừa Thiên - Huế có hàng chục đoạn bờ biển bị sạt lở, với chiều dài là 30/127 km bờ biển. Đặc biệt, sự biến động hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền gây nguy cơ mất ổn định tự nhiên khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực ven biển của tỉnh.

Xói lở kè Bảo Ninh (Quảng Bình) năm 2014-2015

Nguyên nhân và giải pháp ổn định cửa sông, bờ biển

Tình trạng xói lở, bồi tụ cửa sông bờ biển đoạn từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đang diễn ra hết sức phức tạp, có thể nhận dạng vấn đề do một số nguyên nhân sau đây:

Tác động của hồ chứa thượng nguồn sông: thượng nguồn dọc các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế là hệ thống các sông, suối với rất nhiều hồ chứa đã, đang và sắp hoạt động. Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Bình có 151 hồ chứa, trong đó 9 hồ có dung tích trên 10 triệu m3; tỉnh Quảng Trị đã có 130 công trình hồ chứa, 213 công trình đập dâng các loại; tỉnh Thừa Thiên - Huế có 98 hồ (trong đó hồ chứa thủy lợi 55 hồ, hồ chứa thủy điện 4 hồ, hồ chứa nước tự nhiên 39 hồ). Nếu xem xét theo lưu vực thì lưu vực sông Gianh có 57 hồ chứa, lưu vực sông Nhật Lệ có 51 hồ chứa, lưu vực sông Thạch Hãn có 5 hồ, lưu vực sông Hương có 4 hồ thủy điện lớn là Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền và A Lưới. Bên cạnh những mặt lợi thì hồ chứa lưu giữ lại một lượng nước và bùn cát đáng kể trong lòng hồ, do đó làm thay đổi lượng dòng chảy theo quy luật mùa trong năm và giảm lượng bùn cát về các cửa sông gây ra bồi tụ cửa sông, xói lở bờ biển.

Tác động của các hoạt động khai thác của con người vùng hạ lưu các lưu vực sông: trong những năm trước đây tình trạng khai thác khoáng sản, vật liệu trên lưu vực sông và vùng cửa sông, ven bờ biển diễn ra ở nhiều nơi. Hiện nay các hoạt động này đã được kiểm soát, chỉ còn hoạt động tận thu cát nhiễm mặn từ các dự án nạo vét thông luồng lạch vùng cửa sông. Hoạt động nạo vét khơi thông luồng lạch giúp duy trì được tuyến luồng cho tàu bè ra vào các cửa sông, tuy nhiên nếu không có sự giám sát chặt chẽ việc nạo vét quá mức không đúng thiết kế, không có công trình chỉnh trị sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Diễn biến cửa sông, bờ biển miền Trung có tính quy luật bồi, xói theo mùa. Nếu việc khai thác, nạo vét quá mức sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt bùn, cát ven biển từ đó nguy cơ về sạt lở bờ biển sẽ diễn ra trầm trọng hơn trong tương lai gần.

Ảnh hưởng của thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu: ven biển miền Trung có thể nói là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt nhất nước, trong đó chủ yếu là bão, lũ, nước dâng. Chỉ riêng về bão theo số liệu thống kê từ 1951 đến 2016 đã có 140 trận bão đổ bộ vào khu vực ven biển miền Trung, có nghĩa trung bình mỗi năm có tới 2,15 trận. Trong đó cơn bão số 10 vào tháng 10/1983 gây mưa lũ lịch sử tại Quảng Bình, hay trận bão tháng 11/1999 gây mưa lớn tạo nên trận lũ lịch sử trên các sông của Thừa Thiên - Huế… Kết quả của những trận lũ lớn đã làm cho các cửa sông biến đổi đột ngột, thậm chí còn mở ra các cửa sông mới. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, cùng với những ảnh hưởng của động lực biển là nguyên nhân gây ra sự mất ổn định các cửa sông, vùng ven biển miền Trung trong nhiều năm qua.

Trước những nguyên nhân nêu trên, để ổn định cửa sông, ven biển khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Chủ nhiệm đề tài KC08.16/16-20 bên cạnh các giải pháp phi công trình, tùy thuộc vào điều kiện dân sinh, kinh tế và tính chất xói lở để thực hiện một trong các giải pháp sau:

Giải pháp thoái lui, thích nghi và chung sống với xói lở: cần phải quy hoạch tốt dải ven bờ, xây dựng hành lang an toàn ven biển, có hệ thống đánh giá quan trắc liên tục quá trình biến động bờ biển; cần thay đổi phương thức/tập quán sử dụng đất ở dải ven biển, chấp nhận rủi ro do bị xói lở ở mức độ nào đó (1 lần/5 năm hoặc 10 hay 20 năm). Bên cạnh đó, cần đầu tư vào hệ thống cảnh báo, lánh nạn... Giải pháp này phù hợp với những vùng quy hoạch mới, những khu vực chưa hoặc ít phát triển.

Giải pháp bảo vệ, chống xói lở bờ biển bằng công trình: giải pháp này có thể được thực hiện bằng công trình mềm và cứng. Trong đó, các giải pháp công trình mềm có thể được áp dụng để ổn định cửa sông, bờ biển như nuôi bãi nhân tạo (thường sử dụng nguồn cát ở các vùng lân cận, hoặc kết hợp với các nơi có nhu cầu nạo vét mà nguồn cát phù hợp với khu vực cần nuôi bãi), dải ngầm, túi vải địa kỹ thuật, tiêu nước mặt bãi, trồng phi lao, bảo vệ đụn cát... Các giải pháp công trình cứng có thể áp dụng cho khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế là hệ thống mỏ hàn, đê chắn sóng cách bờ, công trình đê phức hợp (kết hợp giữa mỏ hàn và các đê chắn sóng xa bờ, giải pháp này sẽ phát huy được khả năng vừa ngăn cát, vừa giảm sóng), đê ngăn cát giảm sóng có tác dụng giảm thiểu bồi lấp cửa sông, ổn định tuyến luồng cho tàu thuyền ra vào cửa sông. Trên cơ sở phân tích các điều kiện hiện trạng về điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư khu vực ven biển và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề tài đã đề xuất định hướng quy hoạch các giải pháp công trình phù hợp cho từng khu vực đoạn bờ, cửa sông thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế.

Đặc biệt, đối với khu vực cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình) được lựa chọn là trọng điểm nghiên cứu, đề tài đã đề xuất được giải pháp quy hoạch và thiết kế sơ bộ công trình chỉnh trị bao gồm hai tuyến đê ngăn cát giảm sóng có tác dụng bảo vệ, ổn định tuyến luồng tàu vào cửa sông tránh trú bão, vận chuyển hàng hóa và hệ thống công trình bảo vệ bờ gồm hai mỏ hàn biển kết hợp các đê ngầm phá sóng xa bờ có tác dụng tạo bãi biển ổn định cho khu vực hai bên cửa sông phục vụ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng biển.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra được cơ sở khoa học và giải pháp công nghệ phục vụ công tác quản lý, giám sát và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư và khai thác phát triển bền vững khu vực cửa sông ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, là cơ sở cho quy hoạch quản lý và sử dụng hợp lý lãnh thổ cửa sông ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, góp phần phát triển bền vững kinh tế -xã hội của các địa phương và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biển nước ta...

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)