Thứ ba, 28/04/2020 08:55

Hợp tác kinh tế biên giới, nhất là thương mại giữa các quốc gia láng giềng là một xu thế đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia, đặc biệt với các quốc gia có đường biên giới dài như Việt Nam. Bài viết chỉ ra rằng, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với ba nước láng giềng có chung đường biên giới nhìn chung có sự gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là quan hệ thương mại Việt - Trung. Tuy nhiên, Chính phủ và các địa phương cần có các giải pháp cho các vấn đề lớn đặt ra, như vấn đề về cơ sở hạ tầng, các khó khăn trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương cũng như sự thống nhất, hài hoà về chính sách với quốc gia láng giềng.

Thứ ba, 28/04/2020 08:50

Kiều hối ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam khi có sự gia tăng về quy mô trong những năm gần đây, điển hình là năm 2018 con số kiều hối vào Việt Nam theo Ngân hàng Thế giới (WB) đạt khoảng 16 tỷ USD [1]. Tuy nhiên, dữ liệu về kiều hối ở nước ta được công bố không thống nhất giữa các cơ quan quản lý, WB, thậm chí số liệu khác biệt khi so với khảo sát thực địa. Chẳng hạn, dòng kiều hối vào Việt Nam theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là gần 10 tỷ USD vào năm 2017, thấp hơn con số 14 tỷ USD do WB công bố. Sự khác nhau này đến từ các góc nhìn khác nhau về kiều hối. Dựa trên cách tiếp cận cung - trung gian - cầu, trong đó, cung đề cập tới nguồn kiều hối, trung gian là các kênh chuyển kiều hối và cầu là bên nhận kiều hối, nghiên cứu này đưa ra các khái niệm về nguồn ngoại tệ này, qua đó thử phân loại theo các tiêu chí, phân tích các hàm ý chính sách có thể áp dụng nhằm nâng cao vai trò của kiều hối đối với phát triển kinh tế đất nước. Đóng góp của nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác quản lý kiều hối ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong mục tiêu tận dụng tốt hơn lợi thế của dòng kiều hối đối với phát triển kinh tế.

Thứ ba, 28/04/2020 08:45

Nghiên cứu sử dụng số liệu của 27 công ty trong lĩnh vực bất động sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm cả HNX và HOSE), các biến được đưa vào nghiên cứu là các biến liên quan đến lợi nhuận, nhằm xem xét tác động của chúng đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) là người nước ngoài có tác động ngược chiều đến tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA); độ tuổi của thành viên ban lãnh đạo có tác động cùng chiều với tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng cho thấy, cổ tức chi trả của doanh nghiệp có tác động tích cực với cả ROA và ROE, trong khi đòn bẩy tài chính có tác động cùng chiều với ROE. Ngoài ra, nghiên cứu này không tìm thấy mối liên hệ giữa tổng số thành viên trong HĐQT, trình độ học vấn của thành phần ban lãnh đạo, và quy mô công ty đối với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Thứ ba, 28/04/2020 08:40

Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam là quá trình liên tục, xuyên suốt và đã về đích của giai đoạn thứ 2 (2016-2020). Diện mạo nông thôn Việt Nam đã thay đổi căn bản, nhiều vấn đề nổi cộm về kinh tế - xã hội - môi trường được giải quyết tương đối đồng bộ, thu nhập của nông dân tăng lên rõ rệt, người dân nông thôn có phong cách sống mới, vun thu cho các hoạt động mang tính cộng đồng, rất nhiều điển hình xây dựng NTM hoạt động có hiệu quả xuất hiện, nhịp sống trong nông thôn trở nên sôi động... Tuy nhiên, trong việc hướng tới phát triển bền vững, công cuộc xây dựng NTM ở nước ta còn không ít trở ngại cần phải vượt qua. Bằng cách tiếp cận nội quan, sử dụng phương pháp nghiên cứu cây vấn đề, qua phân tích những thông tin tích hợp từ kinh nghiệm, quan sát của mình và các tài liệu thứ cấp chính thống, tác giả đã phân tích 9 vấn đề bức xúc chủ yếu trong quá trình xây dựng NTM ở nước ta. Chỉ có cách làm với tư duy mới, phát huy cao độ ý thức tự chủ của người dân mới có thể tiếp cận tốt các cơ hội phát triển, huy động tốt và tổ chức sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặng đưa công cuộc xây dựng NTM tới thắng lợi vẻ vang.

Thứ ba, 28/04/2020 08:37

Sự phát triển kinh tế đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, làm cạn kiện dần các nguồn tài nguyên. Điều đó đã trở thành vấn đề toàn cầu, và tiêu dùng bền vững (TDBV) chính là một trong những biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề đặt ra. Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát đánh giá đối với 1102 học sinh tại 24 trường trung học phổ thông (THPT) thuộc khu vực nội thành hiện hữu, nội thành phát triển và ngoại thành TP Hồ Chí Minh (TP HCM) nhằm đánh giá hiện trạng kiến thức, nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh về những khía cạnh của TDBV. Kết quả nghiên cứu cho thấy kiến thức của học sinh về TDBV vẫn còn nhiều hạn chế, nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh ở mức tương đối tốt chiếm tỷ lệ cao. Nhận thức TDBV của học sinh ở ba khu vực ở mức tương đối tốt, đa số học sinh khu vực nội thành có nhận thức chưa tốt chiếm tỷ lệ cao hơn khu vực ngoại thành. Kiến thức, thái độ của học sinh khu vực nội thành hiện hữu về TDBV tốt hơn khu vực nội thành phát triển và ngoại thành. Tuy nhiên, hành vi tiêu dùng của các em học sinh ở khu vực ngoại thành ở mức tốt chiếm tỷ lệ cao nhất trong ba khu vực. Bên cạnh đó, kết quả kiểm định sự khác biệt hành vi tiêu dùng giữa giới tính cho thấy giới tính của học sinh THPT không ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.

Thứ ba, 28/04/2020 08:35

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Việt Nam hiện nay đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến Luật Thuế thu nhập cá nhân (TTNCN). Trong đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh của Luật đang tồn tại khá nhiều vấn đề, cần được nghiên cứu, sửa đổi kịp thời nhằm đưa các quy định này phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tiễn.

Thứ ba, 28/04/2020 08:30

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp điều tra xã hội học, khảo sát thực tế, phỏng vấn các nhóm đối tượng ở các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ nhằm thu thập số liệu, đánh giá, thái độ của các nhóm người dân, các cán bộ lãnh đạo, quản lý địa phương đối với các nội dung liên quan tới niềm tin chính trị. Thông qua các thông tin, số liệu thu được, các tác giả tập trung làm rõ thực trạng niềm tin xã hội trong lĩnh vực chính trị ở khu vực Trung Bộ trên các khía cạnh cụ thể như: mức độ quan tâm tới đời sống chính trị, mức độ tin tưởng vào đời sống chính trị..., từ đó rút ra những vấn đề cần quan tâm hiện nay về niềm tin xã hội trong lĩnh vực chính trị ở khu vực Trung Bộ. Tiếp đó, các tác giả đưa ra các giải pháp nhằm củng cố niềm tin xã hội trong lĩnh vực chính trị cho người dân khu vực Trung Bộ trong thời gian tới.

Thứ ba, 28/04/2020 08:25

Di tích khảo cổ tiền sử Hố Tre do La Thế Phúc và Lương Thị Tuất phát hiện trong một đợt khảo sát thực địa vào mùa khô năm 2018. Các di tồn văn hóa chủ yếu phân bố trên bề mặt miệng núi lửa Hố Tre có độ cao trung bình ~578 m so với mực nước biển. Tại đây, hàng loạt hiện vật đã được thu thập, bao gồm các công cụ đá như: rìu bầu dục, rìu ngắn, hạch đá, mảnh tước, bàn mài... được làm chủ yếu từ đá basalt, cát bột kết, cát bột kết dạng quartzit, đá sừng và một số mảnh gốm. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu về khảo cổ học, đặc trưng về kỹ thuật và loại hình của hiện vật Hố Tre đặc trưng cho thời đại Đá mới. Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng, bổ sung thêm tư liệu nghiên cứu về thời đại Đá mới ở khu vực Nam Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thứ ba, 28/04/2020 08:20

Lịch sử nghiên cứu, phê bình Truyện Kiều từ đầu thế kỷ XX, khi người Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế cho đến nay cho thấy nhiều vấn đề quan trọng và thú vị xét cả về lý luận và phương pháp nghiên cứu. Nghiên cứu Truyện Kiều ở Việt Nam hơn một trăm năm qua diễn ra đồng hành cùng các lĩnh vực xã hội khác nhau, phát triển dưới ảnh hưởng, tác động khác nhau của các lý thuyết văn học. Bài viết tập trung giới thiệu tổng quan các lý thuyết này theo chiều dài lịch sử lý luận phê bình Truyện Kiều trong suốt hơn một thế kỷ qua.

Thứ ba, 28/04/2020 08:15

Nguyễn Minh Châu là trường hợp đặc biệt của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, với vai trò một người mở đường trong giai đoạn giao thời. Là một trong những nhà văn thành công của thế hệ chống Mỹ nhưng ông đã sớm nhận thấy cần thiết phải thay đổi quan niệm, nhận thức và lối viết, điều đó được thể hiện một cách mạnh mẽ trong các tác phẩm và các tiểu luận. Bài viết nhìn lại những đổi mới của Nguyễn Minh Châu và ý nghĩa của những đổi mới ấy trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại. Không chỉ góp phần mở đường cho quá trình đổi mới, những chuyển động trong hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã phản chiếu chuyển động của văn học trên hành trình đổi mới.

1 2 3 4 5 ... 13