Thứ sáu, 28/08/2020 08:35

Các kết cấu thẳng đứng như cột ăng-ten, nhà cao tầng và tháp trụ thường rất nhạy cảm với tác động của gió, gây ra chuyển vị lớn do dao động. Do bản chất phức tạp của gió, việc đưa ra mô hình giải tích phù hợp để phân tích, đánh giá chính xác các đáp ứng khí động lực học của kết cấu mảnh là rất khó khăn. Những tiêu chuẩn hiện hành cung cấp nhiều mô hình khác nhau để tính toán các đáp ứng của kết cấu do tác động của gió nhưng bị giới hạn ở các giả thiết cơ bản. Bài báo này giới thiệu một mô hình giải tích mở rộng để tính toán đáp ứng chuyển vị của kết cấu mảnh thẳng đứng theo phương tác động của gió, trong đó có xét đến các tác động của các thành phần khác nhau của dòng rối khí quyển. Ví dụ số cho kết cấu thực tế sẽ minh họa cho phần lý thuyết và chỉ ra những hạn chế trong các cách tính toán phổ biến.

Thứ sáu, 28/08/2020 08:30

Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) đã được áp dụng ở các dự án xây dựng tại Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã khảo sát và đánh giá những lợi ích cũng như những khó khăn khi áp dụng BIM trong suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, cải tiến khả năng áp dụng của BIM vẫn luôn là một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp xây dựng. Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát và đề xuất quy trình ứng dụng BIM vào dự án nhà công nghiệp thực hiện theo phương thức thiết kế - thi công (D&B). Thông qua khảo sát bằng bảng câu hỏi kết hợp phỏng vấn các chuyên gia về BIM, nghiên cứu này tìm thấy ba lợi ích lớn nhất mà BIM mang lại cho dự án xây dựng nhà công nghiệp, đó là: dễ hình dung ý tưởng thiết kế, sớm phát hiện ra các xung đột giữa các bản vẽ thiết kế, và rút ngắn thời gian thiết kế. Ngoài ra, nghiên cứu này còn đề xuất quy trình chi tiết áp dụng BIM vào giai đoạn tiền xây dựng dự án nhà công nghiệp D&B (gọi tắt là D&B - BIM). Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) của quy trình cũng được phân tích trong nghiên cứu này. Cuối cùng, quy trình được các chuyên gia xác định là có tiềm năng ứng dụng vào các dự án trong thực tế.    

Thứ sáu, 28/08/2020 08:25

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu chế tạo máy làm lạnh nước, nghiên cứu ảnh hưởng của tốc độ gió vào dàn ngưng đến áp suất ngưng tụ và hiệu quả biến đổi năng lượng của chu trình. Hiệu quả biến đổi năng lượng của máy làm lạnh nước sử dụng môi chất R134a làm việc ở nhiệt độ ngưng tụ 47,35°C và nhiệt độ vào bình bay hơi 4,17°C là 2,41. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, tốc độ gió qua dàn có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình trao đổi nhiệt ở dàn ngưng. Khi tốc độ gió vào dàn ngưng tăng, áp suất ngưng tụ giảm, độ quá lạnh của môi chất tăng và hiệu quả biến đổi năng lượng COP tăng. Ví dụ, khi tốc độ gió bằng 0,6 m/s, hiệu quả biến đổi năng lượng COP của chu trình là 2,23. Khi nâng tốc độ gió lên 1 m/s, tương đương 67%, hiệu quả biến đổi năng lượng của chu trình tăng lên 8,8% so với trường hợp ban đầu và đạt giá trị bằng 2,43. 

Thứ sáu, 28/08/2020 08:20

Bài báo trình bày kết quả mô phỏng, đánh giá ảnh hưởng của tính chất nguyên liệu đến hiệu quả tăng propylen của phụ gia ZSM-5 cho phân xưởng RFCC (Residue Fluid Catalytic Cracking) của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất bằng phần mềm mô phỏng FCC-SIM. Kết quả cho thấy, hiệu quả sử dụng phụ gia ZSM-5 sẽ cao hơn trên mẫu nguyên liệu nhẹ, giàu paraffin so với mẫu nguyên liệu nặng, giàu aromatic xét trên khía cạnh tăng hiệu suất propylen đồng thời với duy trì hiệu suất xăng cao. Tuy nhiên, mẫu nguyên liệu nặng, giàu aromatic sẽ cho xăng có trị số octan cao hơn so với mẫu nguyên liệu nhẹ, giàu paraffin khi sử dụng phụ gia ZSM-5. Do đó, tùy theo yêu cầu của thị trường, nhà máy có thể lựa chọn loại nguyên liệu có tính chất phù hợp để tối đa hóa hiệu quả sử dụng phụ gia ZSM-5.

Thứ sáu, 28/08/2020 08:15

Biodiesel được xem là một trong những loại nhiên liệu lý tưởng để thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Báo cáo này giúp thấy rõ hơn vai trò của biodiesel thông qua nghiên cứu khả năng phối trộn của biodiesel được tổng hợp từ dầu/mỡ cá phế thải tại các cơ sở chế biến thủy sản vào nhiên liệu diesel thỏa mãn các chỉ tiêu kỹ thuật và môi trường theo TCVN 5689:2013 và QCVN 1:2015/BKHCN đối với nhiên liệu và nhiên liệu sinh học. Kết quả cho thấy dầu/mỡ cá thải thu hồi từ quá trình chế biến cá phile là một nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất biodiesel. Thông qua việc kiểm tra tính chất của các mẫu nhiên liệu gốc B0 (diesel), B100 và các mẫu nhiên liệu phối trộn B2, B4, B6, B8, B10, B12 nhận thấy khi tăng tỷ lệ phối trộn sẽ cải thiện các tính chất cháy của nhiên liệu, đặc biệt làm tăng đáng kể trị số cetane, là một chỉ tiêu quan trọng làm tăng khả năng tự bắt cháy của nhiên liệu, giúp động cơ chạy êm và khói thải chứa ít thành phần độc hại hơn. Việc phối trộn biodiesel cũng làm giảm đáng kể hàm lượng lưu huỳnh, đây là chỉ tiêu môi trường quan trọng liên quan đến tiêu chuẩn phát thải các hạt ô nhiễm cần được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến sử dụng tiêu chuẩn phát thải EURO 5. Các tiêu chuẩn khác liên quan đến lưu trữ cũng cho thấy việc phối trộn biodiesel cải thiện được sự an toàn cháy nổ cũng như việc sử dụng nhiên liệu trong điều kiện nhiệt độ thấp. 

Thứ sáu, 28/08/2020 08:10

Sốt rét (SR) là một bệnh truyền nhiễm đe dọa đến tính mạng con người do ký sinh trùng (KST) Plasmodium gây ra, lây truyền qua vết đốt của muỗi Anopheles bị nhiễm bệnh. Kỹ thuật phổ biến nhất trong phát hiện KSTSR là xét nghiệm máu thông qua lam kính mỏng được nhuộm Giemsa rồi soi trên kính hiển vi quang học. Tuy nhiên, phương pháp soi trên kính hiển vi thường tốn nhiều thời gian, kết quả phân tích phụ thuộc nhiều vào khả năng của người đọc mẫu và rất khó để kiểm chứng lại. Nhiều nghiên cứu dựa trên sự hỗ trợ của thị giác máy tính đã được đề xuất nhằm thay thế kỹ thuật chẩn đoán này. Thông qua bài tổng quan dưới đây, các tác giả trình bày vắn tắt những kết quả điển hình về các hướng phát triển gần đây trong lĩnh vực máy tính nhằm hỗ trợ chẩn đoán KSTSR. Quá trình chẩn đoán và xác định bệnh SR bao gồm: chuẩn hóa hình ảnh, phân tách tế bào máu và KST, trích xuất và phân loại các tính năng đặc trưng cũng được giới thiệu trong bài báo này. Cuối cùng, các tác giả thảo luận các thách thức đang tồn tại cũng như đề xuất các hướng nghiên cứu nhằm ứng dụng phương pháp chẩn đoán tự động KSTSR ở Việt Nam.

Thứ sáu, 28/08/2020 08:05

Tổng hợp và biến tính đồng thời carbon nano ống từ nguồn nguyên liệu carbon là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và tác nhân biến tính là dung dịch NH4OH đã được nghiên cứu thành công. Quá trình được thực hiện bằng phương pháp kết tụ hóa học trong pha hơi (CVD) với chất xúc tác có pha hoạt tính là sắt trên chất mang gamma oxit nhôm (Fe/γ-Al2O3). Kết quả phân tích bằng phổ quang điện tử tia X (XPS) đã chứng minh được sự có mặt của nitơ trong mạng lưới cấu trúc của sản phẩm. Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) ở các mức độ phóng đại khác nhau cho thấy, sản phẩm thu được có độ sạch cao, đường kính ngoài thay đổi trong khoảng hẹp, từ 35 đến 45 nm. Ở mức độ phóng đại lớn hơn cho thấy vi cấu trúc đặc trưng của carbon nano ống biến tính bằng nitơ (N-CNTs).

Thứ sáu, 28/08/2020 08:00

Trong nghiên cứu này, nước ép trái cây đóng chai đã được sản xuất theo phương pháp phối trộn nước ép dứa (Ananas comosus) và bí đao (Benincasa hispida) với tỷ lệ khác nhau. Các thông số thích hợp cho quá trình phối chế sản phẩm nước ép là: tỷ lệ phối chế dịch ép dứa:bí đao là 1:1, tỷ lệ pha loãng nước/dịch ép dứa:bí đao là 1/1, phối chế sacharose tới 180Brix (Bx), tỷ lệ bổ sung axit citric 0,1%, pectin 0,1%. Tính chất lý - hóa học, vi sinh, phân tích cảm quan của sản phẩm đã được đánh giá. Kết quả phân tích lý - hóa học cho thấy, sản phẩm có tổng chất rắn hòa tan 180Bx, pH 3,7, hàm lượng axit tổng 2,72 g/l. Thanh trùng nhiệt ở 900C trong 15 phút có hiệu quả với việc tiêu diệt hệ vi sinh vật trong nước ép nên sản phẩm có thể giữ tại điều kiện thường trong 8 tuần không cần bổ sung chất bảo quản. Tổng điểm đánh giá cảm quan trung bình là hơn 16 điểm đối với mẫu nước ép hỗn hợp trái cây chỉ ra phạm vi thương mại tốt để sản xuất nước ép bổ dưỡng, nước ép dứa:bí đao. 

Thứ ba, 30/06/2020 08:35

Trong bài báo này, các tác giả trình bày cách thiết lập và giải quyết bài toán tối ưu dàn thép chịu các tổ hợp tải trọng khác nhau có xét đến điều kiện ràng buộc về tần số dao động riêng. Phân tích trực tiếp được sử dụng để xét đến các ứng xử phi tuyến tính, phi đàn hồi của kết cấu. Hàm mục tiêu của bài toán tối ưu là tổng giá thành của công trình được đơn giản hóa như hàm tổng khối lượng. Các điều kiện ràng buộc của bài toán tối ưu gồm các yêu cầu về cường độ, sử dụng và tần số dao động riêng. Thuật toán tiến hóa vi phân được sử dụng để giải bài toán tối ưu đề ra. Dàn thép phẳng 10 thanh được xem xét để minh họa cho nghiên cứu này.

Thứ ba, 30/06/2020 08:30

Bài bào trình bày kết quả thí nghiệm mô hình vật lý về khả năng thu nước của ống lọc và bê tông rỗng dùng trong giếng tia và giếng đào thu nước thành bên để khai thác nước ngầm. Thí nghiệm mô hình nhằm xác định các tương quan giữa thành phần cấp phối, hệ số thấm, cột nước, độ chặt, độ dốc đặt ống với khả năng thu nước của các loại kết cấu ống lọc khác nhau. Kết quả thí nghiệm tìm ra khả năng thu nước của ống lọc và bê tông rỗng lần lượt là 2,162-12,238 l/ph/m và từ 0,0053-0,0227 l/ph/cm2. Kết cấu thu nước nằm ngang bằng ống lọc hoặc bê tông rỗng có thể dùng trong các loại giếng đứng để khai thác nước ngầm trong môi trường trầm tích biển gió.

1 2 3 4 5 ... 22