Thứ sáu, 28/08/2020 08:15

Hóa thạch trùng lỗ (foraminifera) và tảo vôi (calcareous nannofossil) được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu sinh địa tầng trầm tích biển do chúng tiến hóa nhanh và phân bố rộng. Qua nhiều năm nghiên cứu các trầm tích Pliocen-Đệ tứ ở phía đông thềm lục địa Việt Nam thông qua các giếng khoan thăm dò dầu khí, nhóm tác giả nhận thấy hai nhóm sinh vật trên thực sự là công cụ hiệu quả để phân chia chi tiết địa tầng các trầm tích này. Các giếng khoan A, B, C, D, E và F được chọn đại diện cho khu vực nghiên cứu. Áp dụng các tiêu chuẩn phân đới trùng lỗ trôi nổi “N” Blow và “PL” & “PT” Wade và nnk; tiêu chuẩn phân đới tảo vôi “NN” Martinii và “CNPL” Backman và nnk, bảng phân chia địa tầng và các đới sinh vật cho các trầm tích Pliocen-Đệ tứ ở phía đông thềm lục địa Việt Nam đã được đưa ra. Theo nghiên cứu, trầm tích Pliocen sớm được giới hạn trong các đới trùng lỗ PL1-PL3/phần trên N18-N19, tương ứng với các đới tảo vôi CNPL1-CNPL3/NN12-NN15. Trầm tích Pliocen muộn gồm các đới trùng lỗ PL4-PL6/N20-N21, tương ứng với các đới tảo vôi CNPL4-CNPL6/NN16-NN18. Trầm tích Pleistocen sớm đặc trưng bởi phụ đới trùng lỗ trôi nổi PT1a/phần dưới N22, tương ứng với các đới tảo vôi CNPL6-CNPL10/NN19. Trầm tích Pleistocen muộn-Holocen gồm phụ đới trùng lỗ trôi nổi PT1b và đới tảo vôi CNPL11/NN20-NN21. Kết quả cho thấy sự phù hợp của phân chia địa tầng ở khu vực nghiên cứu với các tiêu chuẩn phân đới chuẩn trong giai đoạn Pliocen-Đệ tứ ở vùng biển Thái Bình Dương và vĩ độ thấp. Đây là tiền đề áp dụng cho các nghiên cứu và liên kết địa tầng ở thềm lục địa Việt Nam và các khu vực lân cận.

Thứ sáu, 28/08/2020 08:10

Mỏ đồng Sin Quyền được đưa vào khai thác từ năm 1992 trên diện tích 140 ha, với trữ cấp 121 được đánh giá là 650.000 tấn, sản lượng kim loại ước tính 10.000 tấn/năm. Hiện nay mỏ được cấp phép mở rộng quy mô khai thác ở khu Đông và khu Tây với diện tích là 210 ha, tổng trữ lượng khoảng 55 triệu tấn quặng đồng, hàm lượng quặng trung bình 2,52%, hàm lượng urani trong quặng đồng từ 25¸120 ppm, hàm lượng thori khoảng 3¸15 ppm. Mỏ đang được khai thác với khối lượng đất đá hàng năm 8,1 triệu m3, hai dây chuyền chế biến với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn quặng nguyên khai. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu sự gia tăng các thành phần phóng xạ môi trường do hoạt động khai thác, chế biến quặng đồng tại khai trường, xưởng tuyển, bãi thải và phát tán các chất phóng xạ đến môi trường xung quanh; đồng thời đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ ảnh hưởng tác hại ô nhiễm phóng xạ đối với cán bộ, công nhân tham gia sản xuất và khu vực dân cư lân cận.

Thứ sáu, 28/08/2020 08:05

Mặc dù rừng thứ sinh chiếm 1/2 tổng diện tích rừng nhiệt đới còn lại trên thế giới, nhưng giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của chúng còn ít được biết đến. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá vai trò của rừng thứ sinh trong việc bảo tồn đa dạng quần xã bọ hung ở hệ sinh thái núi đá vôi Việt Nam. Tổng số 60 bẫy hố có mồi nhử đã được thiết lập để điều tra quần xã bọ hung ở rừng thứ sinh lâu năm (>40 năm) và rừng nguyên sinh thuộc khu vực Vườn quốc gia (VQG) Pia Oắc (Cao Bằng) và Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông (Thanh Hóa). Nghiên cứu đã xác định được 38 loài bọ hung từ 1.266 cá thể ở hai khu vực nghiên cứu. Kết quả phân tích từ các mô hình tuyến tính tổng quát (GLM) cho thấy, không có sự khác biệt về số lượng loài, số lượng cá thể và sinh khối của quần xã bọ hung giữa rừng nguyên sinh và thứ sinh ở cả hai khu vực nghiên cứu. Phát hiện này mang lại hy vọng cho việc phục hồi các quần xã bọ hung trong quá trình diễn thế rừng. Tuy nhiên, cấu trúc quần xã bọ hung chỉ ra sự khác nhau ý nghĩa giữa hai kiểu rừng này theo phân tích hoán vị phương sai (PERMANOVA) (Pia Oắc: F=8,92, p<0,001; Pù Luông: F=6,78, p<0,001). Đặc biệt, sự suy giảm số lượng của nhóm bọ hung “đào hang” có kích thước lớn ở rừng thứ sinh có thể làm giảm khả năng di dời phân động vật của quần xã bọ hung, một chức năng sinh thái quan trọng trong hệ sinh thái rừng nhiệt đới. 

Thứ sáu, 28/08/2020 08:00

Ophiocordyceps sinensis (O. sinensis) - đông trùng hạ thảo, là một loại nấm dược liệu quý chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như cordycepin, D-mannitol, polysaccharide... Trong đó, đặc biệt có selen - một nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người, là thành phần cấu tạo chính của một số enzyme như glutathione peroxidase, thioredoxin reductase và deiodinase. Các enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc chống các gốc tự do, tăng cường chức năng sinh sản, chức năng cơ và ngăn ngừa ung thư. Nghiên cứu này tiến hành chiết cao và khảo sát các hoạt tính sinh học như kháng viêm, kháng khuẩn và ức chế enzyme a-glucosidase của các cao chiết từ sinh khối O. sinensis giàu selen. Kết quả cho thấy, cao Bu (cao chiết bằng n-butanol); cao tổng và cao EtOAc (chiết bằng ethyl acetate) có khả năng kháng khuẩn S. sonnei ở nồng độ 1000 µg/ml. Đồng thời, hoạt tính kháng viêm thể hiện tốt ở cao tổng, cao petrolium ether (cao PE) và cao EtOAc với IC50 lần lượt là 195,58±7,89; 64,19±0,22; 469,27±16,57 (µg/ml). Tuy nhiên, các cao chiết không có khả năng ức chế enzyme a-glucosidase. Nghiên cứu này cho thấy, các cao chiết từ sinh khối O. sinensis giàu selen có hoạt tính kháng viêm rất tốt, làm tiền đề cho các nghiên cứu trên mô hình in vivo.

Thứ ba, 30/06/2020 08:15

Toluene cũng như chlorotoluene là những hợp chất được sử dụng phổ biến và thường được phát hiện trong môi trường bị ô nhiễm, nhất là môi trường nước. Vi khuẩn Comamonas testosterone KT5 có khả năng phân hủy hiệu quả các chất này. Khảo sát khả năng làm sạch toluene cũng như chlorotoluene trong môi trường đất và nước của vi khuẩn Comamonas testosterone KT5 dạng tự do và cố định cho thấy, KT5 được cố định trong alginate phân hủy các chất này với tốc độ cao hơn so với dạng tự do. Vi khuẩn cố định còn chịu đựng tốt hơn so với dạng tự do ở độ pH quá thấp hay quá cao. Ngoài ra, vi khuẩn cố định trong alginate còn có thể phân hủy tốt hơn dạng tự do khi môi trường bị nhiễm kim loại nặng. Mức độ ảnh hưởng của kim loại nặng đến sự phân hủy toluene là As5+ ≈ Cd2+ ≈ Hg2+ ≈ Cu2+ > Pb2+ ≈ Ni2+.

Thứ ba, 30/06/2020 08:10

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đo đạc lượng phát thải CH4 từ hai hệ thống canh tác lúa nước gồm: chuyên 2 vụ lúa và 2 vụ lúa + 1 vụ màu tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng khí thải CH4 trong ruộng chuyên 2 vụ lúa đạt cực đại là 413,7 mg/m2/ngày sau 61-67 ngày cấy; trong khi lượng phát thải CH4 trong ruộng 2 vụ lúa + 1 màu đạt cực đại là 540,6 mg/m2/ngày sau 73-77 ngày cấy. Sự khác nhau này được giải thích do chế độ bón phân khác nhau giữa hai phương thức canh tác. Ruộng chuyên 2 vụ lúa chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ nên cây trồng dễ hấp thu hơn và cây lúa sinh trưởng nhanh hơn, do đó đỉnh phát thải khí CH4 cũng sớm hơn. Trong khi ruộng trồng 2 vụ lúa + 1 màu chủ yếu bón phân chuồng hoai mục (phân compost) nên phải mất một thời gian để vi sinh vật phân giải, khiến cho giai đoạn dậy thì của lúa muộn hơn và đỉnh phát thải khí CH4 cũng chậm hơn. Đây là lý do giải thích cho lượng CH4 phát thải trong đất trồng 2 vụ lúa + 1 màu (quy đổi 2,668 tấn CO2e/tấn thóc) cao hơn so với đất chuyên 2 vụ lúa (quy đổi 2,194 tấn CO2e/tấn thóc). Đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu về ảnh hưởng của các yếu tố phân bón và giai đoạn sinh trưởng của lúa đến phát thải khí CH4 trong canh tác lúa nước ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Để đánh giá chính xác mức phát thải CH4 trong điều kiện canh tác của Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khác, trong đó quan tâm đến vấn đề phát thải khí N2O thường đi kèm với phát thải CH4.

Thứ ba, 30/06/2020 08:05

Cua (Brachyuran crabs) là nhóm giáp xác (Crustacea) có thành phần loài đa dạng, phân bố rộng và giữ vai trò sinh thái quan trọng ở khu vực rừng ngập mặn (mangrove forest area). Trong nghiên cứu này, các mẫu cua được thu tại 12 điểm nghiên cứu thuộc hai kiểu sinh cảnh, gồm: sinh cảnh rừng ngập mặn và sinh cảnh bãi bồi ở khu vực rừng ngập mặn thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng vào tháng 4 (mùa khô) và tháng 9 (mùa mưa) năm 2019. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 34 loài thuộc 17 giống, 7 họ. Trong đó, họ Ocypodidae có đa dạng loài lớn nhất với 11 loài, tiếp theo là họ Sesarmidae (7 loài), Portunidae (6 loài), Varunidae (4 loài), Grapsidae (3 loài), Matutidae (2 loài) và thấp nhất là họ Xanthidae chỉ ghi nhận được 1 loài. Đa dạng loài và mật độ quần thể cua tại sinh cảnh rừng ngập mặn (ghi nhận 26 loài và mật độ dao động từ 34,0±8,4 đến 53,8±15,4 cá thể/m2) cao hơn tại sinh cảnh bãi bồi (ghi nhận được 15 loài và mật độ dao động từ 12,4±1,9 đến 13,6±3,6 cá thể/m2). Đa dạng loài và mật độ quần thể cua trong đợt khảo sát vào mùa mưa (ghi nhận được 28 loài và mật độ dao động từ 13,6±3,6 đến 53,8±8,4 cá thể/m2) cao hơn trong đợt khảo sát vào mùa khô (ghi nhận được 14 loài và mật độ dao động từ 12,4±1,9 đến 34,0±8,4 cá thể/m2).

Thứ ba, 30/06/2020 08:00

Trầu tiên (Asarum glabrum Merr.) là một loài dược liệu quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam với cấp đánh giá “đang nguy cấp”. Loài này phân bố tự nhiên ở một số điểm thuộc vùng núi phía Bắc nhưng số cá thể không nhiều và đang ngày càng suy giảm, do vậy việc nhân giống Trầu tiên phục vụ công tác bảo tồn là hết sức cần thiết. Trong nghiên cứu này, nano bạc (nAg) được sử dụng làm chất khử trùng mẫu đốt thân rễ cây Trầu tiên ở các nồng độ 75, 100, 125, 150 và 200 ppm trong các khoảng thời gian 20, 30, 40, 50 và 60 phút. Kết quả sau 4 tuần nuôi cấy cho thấy, mẫu được khử trùng bằng nAg ở nồng độ 150 ppm trong 40 phút cho tỷ lệ mẫu sống và tỷ lệ mẫu sống sạch bệnh đạt cao nhất (tương ứng là 70,32 và 65,34%). Từ vật liệu khởi đầu, mẫu được đưa vào nuôi cấy trong môi trường MS bổ sung 20 g/l sucrose, 8,5 g/l agar, 1 mg/l BAP và chứa nAg với các nồng độ 0, 2, 4, 6, 8 ppm. Kết quả cho thấy, môi trường tối ưu tạo chồi có bổ sung 6 ppm nAg, sau 4 tuần có tỷ lệ mẫu sinh chồi đạt 69,34%, số chồi trung bình/mẫu đạt 1,58. Môi trường MS bổ sung 20 g/l sucrose, 8,5 g/l agar, 2 mg/l BAP và 6 ppm nAg thích hợp nhất trong giai đoạn nhân nhanh, sau 6 tuần nuôi cấy hệ số nhân và chiều cao trung bình của chồi tương ứng đạt 2,81 lần và 1,78 cm.

Thứ hai, 30/03/2020 08:15

Phổ 1H NMR của năm phức chất có công thức [PtCl(eugenol-1H)(amin)] [amin: pyridin (2), 4-Me-pyridin (3), quinolin (4), p-cloanilin (5), p-toluidin (6)] trong dung môi d6-axeton và CDCl3 đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, trong dung môi d1-cloroform các phức chất 2÷5 cho hai bộ tín hiệu ổn định theo thời gian ứng với hai tương tác liên phân tử mạnh (liên kết hydro Cl3C-H… ClPt(II) và liên kết halogen Cl2HC-Cl…Pt(II)) đối với 2, 3, 4 và hai liên kết hydro mạnh (liên kết nội phân tử NH2…Cl-Pt(II) và liên kết liên phân tử Cl3C-H…Cl-anilin) đối với phức chất 5. Trong khi đó, trong dung môi d6-axeton phức chất 5 và 6 có chứa các dẫn xuất của anilin, xảy ra sự đồng phân hóa nhóm amin chuyển từ vị trí cis sang vị trí trans so với nhánh allyl của eugenol. Quá trình chuyển đổi này đạt đến trạng thái cân bằng sau 48 giờ.

Thứ hai, 30/03/2020 08:10

Cà phê là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Rang là một công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất cà phê, bởi rang tạo nên mùi vị và hương thơm đặc trưng của cà phê. Bên cạnh đó, trong quá trình rang một số hợp chất không mong muốn cũng có thể được tạo thành, như các hợp chất hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs). Trong nghiên cứu này, 15 hợp chất PAHs đã được phân tích trong một số sản phẩm cà phê rang, cà phê hòa tan của Việt Nam và một số nước làm đối chứng. Tổng hàm lượng các PAHs được phân tích trong cà phê rang Việt Nam dao động trong khoảng 3,20-143 µg/kg và trong cà phê hòa tan là 1,30-14, /kg. Trong đó, benzo[a]pyren (BaP) được phát hiện thấy ở cà phê rang với hàm lượng cao nhất là 1,2 µg/kg và không phát hiện đối với mẫu cà phê hòa tan. So sánh với quy định của Uỷ ban châu Âu về hàm lượng tối đa cho phép của BaP và nhóm PAH4 trong các chế phẩm từ thực vật, tất cả các mẫu cà phê đã phân tích đều có hàm lượng PAHs độc hại ở mức thấp hơn giới hạn cho phép. Dựa trên hàm lượng PAHs trong các mẫu cà phê, nhóm nghiên cứu đưa ra đánh giá rủi ro sức khỏe khi sử dụng cà phê. Theo đó, các mẫu cà phê ở Việt Nam có HQ<1 và ILCR<1.10-5, có nghĩa là người tiêu dùng cà phê ở Việt Nam an toàn khi tiếp xúc với PAHs có trong các loại cà phê được phân tích.

1 2 3 4 5 ... 17