Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử: Tầm nhìn cho tương lai

Ngày 22/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được lập theo hướng tổng thể, tích hợp các hợp phần, bảo đảm tính thống nhất, liên kết có hệ thống giữa các đối tượng; phát triển bền vững, hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường với phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân, phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ với phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm tính linh hoạt, liên ngành, đi trước một bước về phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chuyên gia, gắn với công nghiệp hóa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn, an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế… Bài viết khái quát những điểm mới của dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thiết kế, chế tạo và tích hợp máy chuẩn đầu mô men lực độ chính xác cao phục vụ lĩnh vực đo lường

Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và tích hợp máy chuẩn đầu mô men lực độ chính xác cao sử dụng cho lĩnh vực đo lường”, các nhà khoa học của Viện Đo lường Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công máy chuẩn đầu mô men lực có phạm vi đo đến 2 kN.m. Kết quả này đã giúp các nhà khoa học trong nước làm chủ công nghệ chế tạo chủng loại thiết bị chuẩn đo lường, tiến tới có thể chế tạo các thiết bị chuẩn cùng loại với nhiều dải đo khác nhau.

Bến Tre: Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực

Thông qua việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất của các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2022 và định hướng đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030”, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Hỗ trợ Chuyển giao Công nghệ, Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) đã phối hợp với Sở KH&CN Bến Tre, Sở Công Thương Bến Tre tổ chức khảo sát, phân tích và đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ của 200 doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Kết quả cho thấy, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức trung bình, tuy nhiên đã có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp có trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình tiên tiến.

Phát triển thành công dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học

Chấn thương dây chằng, đặc biệt ở đầu gối, là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người trẻ trên toàn thế giới. Theo thống kê, cứ 100.000 người trong độ tuổi từ 16 đến 39, có tới 85 người dễ mắc phải loại chấn thương này. Các vận động viên, người lao động nặng và những người vận động sai cách là những đối tượng có nguy cơ cao. Mới đây, TS  Nguyễn Ngọc Tuân tại Đại học Ecole Normale Superieure và cộng sự tại Đại học Sorbonne Paris Nord, Cộng hòa Pháp đã nghiên cứu và phát triển thành công dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học từ sợi polycaprolactone, mở ra hướng điều trị mới hiệu quả hơn cho hàng triệu bệnh nhân bị tổn thương dây chằng.

An ninh mạng và thách thức đối với hệ thống Internet vạn vật

Việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) trong nhiều lĩnh vực như lưới điện thông minh, giám sát môi trường, y tế, sản xuất, logistics… khiến nguy cơ an ninh mạng gia tăng. Đặc biệt, đặc điểm động và đa dạng của các kết nối IoT cùng với hạn chế về tài nguyên đặt ra thách thức lớn về bảo mật. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về sự phát triển của IoT và nguy cơ an ninh mạng liên quan, từ đó đưa ra khuyến nghị về việc bảo vệ các hệ thống IoT trong tương lai.