Thứ sáu, 05/08/2022 15:59

Xây dựng thành công mô hình nhân giống vịt con lai từ vịt trống VSD × mái Star 53

Phạm Xuân Thảo

Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp của tỉnh Thái Bình, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã triển khai thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi vịt bố mẹ sinh sản (trống VSD × mái Star 53) và nuôi con thương phẩm theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Thái Bình”, mã số TB-CT/NN 07/20-21. Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng thành công mô hình nhân giống vịt con lai với tỷ lệ nuôi sống lên tới 95,93-96,8%, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.

Tiềm năng của ngành chăn nuôi tỉnh Thái Bình

Thái Bình là tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ sông Hồng, với dân số khoảng gần 2 triệu người, trong đó hơn 80% làm nông nghiệp. Thái Bình có tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng: ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, người dân địa phương chăm chỉ cần cù. Ngành chăn nuôi của tỉnh luôn giữ mức ổn định và phát triển bền vững. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tổng số lượng gia cầm năm 2021 của Thái Bình ước đạt 13,9 triệu con (tăng 0,22% so với năm 2020), trong đó đàn gà đạt khoảng 9,9 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 29,4 nghìn tấn; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 166,5 triệu quả.

Giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2021 ước đạt 3.929,38 tỷ đồng tăng 2,19% so với năm 2020. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo Luật Chăn nuôi (từ 10 đơn vị vật nuôi); trong đó, 1.871 trang trại quy mô nhỏ (78,28%); 466 trang trại quy mô vừa (19,5%); 53 trang trại quy mô lớn (2,22%).

Trong chăn nuôi gia cầm, đàn gà vẫn chiếm chủ yếu (72,64% tổng đàn). Các giống gia cầm được nuôi, phát triển mạnh trong những năm qua là gà Ri lai (gà Ri lai là 1/2, 3/4 là các giống gà mía, Lương Phượng, Chọi); giống gia cầm chuyên trứng như ISA Brown, Ai Cập, Ai Cập lai; các giống vịt được nuôi chủ yếu là giống vịt kiêm dụng như vịt Cỏ, Cỏ lai, Triết Giang; một số khu vực chăn nuôi thủy cầm, phát huy hiệu quả của các mô hình khuyến nông, các hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển chăn nuôi các giống thủy cầm chuyên thịt như vịt CV, Super, ngan R51, R71. Mặc dù các giống ngan, vịt trên địa bàn tỉnh hiện nay có năng suất khá cao, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, cần phải bổ sung thêm các giống nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, để đa dạng hóa các giống gia cầm và đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng thịt.

Nhân giống thành công vịt con lai từ vịt trống VSD × mái Star 53

Để đáp ứng yêu cầu về giống mới, phục vụ hiệu quả ngành chăn nuôi, ngày 16/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ra quyết định số 1704/QĐ-UBND phê duyệt cho Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chủ trì thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi vịt bố mẹ sinh sản (trống VSD × mái Star 53) và nuôi con thương phẩm theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Thái Bình” mã số TB-CT/NN 07/20-21. Mục tiêu của đề tài gồm: xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm là con lai của vịt bố mẹ (trống VSD x mái Star 53); nghiên cứu hoàn thiện thành phần dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật cho 100 cán bộ và hộ gia đình chăn nuôi trong tỉnh.

Bước đầu nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã tiến hành phân tích đặc tính thành phần của hai loài vịt là VSD và Star 53, cụ thể:

Giống vịt VSD là sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương gồm 2 dòng, dòng trống VSD1 và dòng mái VSD2 có đặc điểm ngoại hình như sau: lúc 1 ngày tuổi màu sắc lông đều có màu vàng rơm, chân và mỏ vàng đồng nhất. Vịt trưởng thành có lông màu trắng tuyền, chân và mỏ màu vàng đồng nhất. Năng suất trứng của dòng VSD1 đạt 224,8 quả/mái/48 tuần đẻ. Dòng VSD2 năng suất trứng đạt 246,6 quả/mái/48 tuần đẻ. Vịt VSD bố mẹ có năng suất trứng/mái/50 tuần đẻ đạt 248,0 quả, tiêu tốn thức ăn (TTTĂ)/10 trứng là 4,10 kg. Tỷ lệ phôi 93,14%, tỷ lệ nở/tổng trứng ấp đạt 75,56%. Vịt nuôi thương phẩm đến 8 tuần tuổi có tỷ lệ nuôi sống đạt 98,12%, khối lượng cơ thể đạt 3563,3 g, TTTĂ/kg tăng khối lượng cơ thể là 2,8 kg.

Vịt Star 53 có nguồn gốc từ Công ty Grimaud Freres (Pháp), là giống vịt siêu nạc, có tỷ lệ thịt ức cao nhất thế giới và có năng suất trứng cao. Đặc điểm màu lông: vịt con 1 ngày tuổi có lông màu vàng rơm đồng nhất, chân và mỏ màu vàng. Vịt trưởng thành có lông màu trắng tuyền, chân và mỏ màu vàng. Vịt có năng suất trứng 209,2 quả/mái/48 tuần đẻ. Tỷ lệ nở/tổng trứng có phôi đạt 89,7%. Vịt thương phẩm nuôi đến 49 ngày tuổi: tỷ lệ nuôi sống 97-98%, khối lượng cơ thể từ 3,5-3,7 kg, TTTĂ/kg tăng khối lượng là 2,2-2,3 kg.

Nhằm phát huy ưu thế lai của hai giống vịt trên và đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của đàn vịt này khi nuôi tại Thái Bình, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm là con lai của vịt bố mẹ (trống VSD × mái Star 53) nhằm cung cấp cơ sở thực tiễn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi thủy cầm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Bình.

Đàn vịt thương phẩm nuôi khảo nghiệm với số lượng 4.500 con, được nuôi tại 3 hộ (1.500 con/hộ) thuộc huyện Thái Thụy. Thời gian nuôi từ 4/2021-6/2021. Vịt được nuôi theo phương thức bán chăn thả, hai tuần đầu nuôi trong chuồng hở có sân chơi và cây bóng mát. Nền chuồng xi măng lót trấu dày 3-5 cm; tường xung quanh xây gạch cao 50 cm và lưới thép. Mật độ nuôi 20-30 con/m2. Sau 2 tuần tuổi, ban ngày có thể cho vịt ra ao hồ vào những ngày khô, nắng, ít gió. Đàn vịt được vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc theo quy trình chăn nuôi vịt thương phẩm của Trung tâm với chế độ ăn dinh dưỡng như bảng 1:

Bảng 1. Thành phần các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của vịt.

Chế độ dinh dưỡng nuôi vịt thương phẩm

Thành phần dinh dưỡng

Giai đoạn tuần tuổi

1-3

4-7

Protein (%)

20

19

ME (Kcal/kg TĂ)

2.900

3.000

Lysine (%)

1,45

1,15

Methionine (%)

0,63

0,45

Canxi (%)

1,00

0,95

Photpho (%)

0,45

0,43

Kết quả cho thấy, đàn vịt có khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, vịt khỏe mạnh, không phát hiện dịch bệnh. Vịt thương phẩm được nuôi tại 3 hộ dân có tỷ lệ nuôi sống khá cao. Ở tuần tuổi đầu tiên, do vịt chưa có sức đề kháng tốt với môi trường nên một số con bị chết (chiếm 1,47-1,93%). Tuy nhiên, từ tuần thứ 2, tỷ lệ chết đã giảm xuống nhiều (cao nhất là 0,04%). Kết thúc 7 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống của đàn vịt đạt 95,93-96,80%.

Vịt con lai có khối lượng trung bình từ 2,4-3,5 kg/con.

Khối lượng cơ thể vịt thương phẩm 1 ngày tuổi đạt 56-56,93 g. Từ sau 2-3 tuần tuổi, khối lượng cơ thể vịt tăng nhanh, đạt từ 1-1,1 kg. Kết thúc 7 tuần tuổi, mỗi con vịt có khối lượng trung bình từ 2,4-3,5 kg, lượng thức ăn tiêu thụ ít từ 2,57-2,61 kg. Trải qua quá trình nuôi khảo nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã xuất bán 5.085-5.092 kg thịt hơi, bình quân 3,5 kg/con vịt thương phẩm. Giá bán tại thời điểm thấp nhất là 38.000 đồng/kg, tổng giá trị thu nhập khoảng 26-28 triệu đồng.

Nhóm chuyên gia của trung tâm tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ gia đình trong tỉnh.

Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình có nhiều ưu điểm như: dễ áp dụng, kinh phí đầu tư thấp, thời gian thực hiện ngắn. Bên cạnh đó, mô hình còn tạo cơ hội cho các hộ chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật nhân giống mới, an toàn sinh học; thay đổi thói quen lạc hậu trong chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, mang tính tự cung, tự cấp, năng suất thấp sang quy trình kỹ thuật mới trong nhân giống, kiểm soát được dịch bệnh đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững.

Kết quả của mô hình nhân giống vịt con lai từ vịt trống VSD × mái Star 53 đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Đồng thời, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)