Với thông điệp năm 2025: “Beat Plastic Pollution - Chống ô nhiễm nhựa”, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế một lần nữa nhấn mạnh rằng, đã đến lúc cần chấm dứt ô nhiễm nhựa, vì con người, thiên nhiên và tương lai Trái đất.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 50% là đồ nhựa dùng một lần. Khoảng 11 triệu tấn nhựa rò rỉ ra đại dương hằng năm, dự kiến tăng gấp 3 lần vào năm 2040 nếu không có hành động quyết liệt. Nhựa không chỉ làm nghẹt thở sông ngòi, đại dương, mà còn len lỏi vào chuỗi thức ăn, không khí, đất và thậm chí máu người. Các hạt vi nhựa đã được phát hiện trong nhau thai, sữa mẹ, và mô người, đe dọa sức khỏe dài hạn.

Sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp thu gom chất thải nhựa.
Là đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hành động vì môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp đã xác định rõ sứ mệnh của mình trong việc giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, trong đó có ô nhiễm nhựa và rác thải. Theo đó, trong những năm qua, Nhà trường đã tích hợp nội dung giảm thiểu rác thải nhựa, kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng tài nguyên và chuỗi giá trị xanh vào các chương trình đào tạo ngành Lâm nghiệp, Môi trường, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Kỹ thuật chế biến gỗ; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế: thu gom, phân loại, tái sử dụng rác thải trong khuôn viên, thiết kế sản phẩm gỗ thay thế nhựa, xây dựng mô hình vườn sinh thái sạch rác; phối hợp với doanh nghiệp để phát triển các mô hình sản phẩm thân thiện môi trường từ gỗ, tre, nứa, giấy tái chế. Đồng thời khuyến khích sinh viên nghiên cứu và khởi nghiệp với giải pháp thay thế nhựa, bao bì bền vững, tái sử dụng chất thải nông lâm nghiệp.

Sinh viên tham gia trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp.
CT