Thứ tư, 12/01/2022 14:07

Trò chuyện cùng người làm Lịch 3240 năm

Bên cạnh những nhà sáng chế không chuyên với nhiều cải tiến mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người sử dụng, còn có những nhà nghiên cứu không chuyên âm thầm dành thời gian vài thập kỷ cũng như không ít tiền bạc để đi tìm câu trả lời cho những vấn đề chung của cộng đồng dù không được mấy người quan tâm. Dù “đúng” hay “sai”, “thành” hay “bại”, họ cũng rất đáng được trân trọng bởi mong muốn cao đẹp, sự say mê và tâm huyết thầm lặng dành cho khoa học mà hiếm người có được. Ông Đỗ Thành Lam (tên thật là Đỗ Ngọc Giới), cựu chiến binh năm nay 88 tuổi là một người như vậy. Ông đã dành hơn 3 thập kỷ để nghiên cứu về lịch pháp và cho ra đời cuốn “Lịch Thế giới: Một chu trình tự nhiên 3240 năm - Can Chi thiên niên vĩnh cửu” dày gần 4000 trang, chỉ với mục tiêu duy nhất: cung cấp cho xã hội một cuốn lịch và một phương pháp tính lịch mà theo ông là “hoàn thiện nhất vì đã khắc phục được những khiếm khuyết bất cập trong lịch hiện hành”.

Nhân dịp Xuân mới, Tạp chí đã có cuộc trò chuyện với ông xoay quanh hướng nghiên cứu mà ông đang theo đuổi; cũng như “cơ duyên” đưa đẩy ông đến với công việc khá phức tạp nhưng rất ít người quan tâm này.

Khởi sự khi mái tóc còn xanh…

Chào ông, xin ông cho biết cơ duyên nào khiến ông dành nhiều thời gian,từ những năm cuối thế kỷ 20 đến 20 năm đầu thế kỷ 21 để nghiên cứu về lịch pháp?

Cái duyên với “Lịch pháp” đến với tôi từ công việc chung; Khoảng năm 1980-1984, sau khi xuất ngũ về Nguyên quán, tôi được chính quyền và các cụ cao niên trong xã giao chắp bút viết sử làng Xuân Phả - Xuân Trường (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trong quá trình biên soạn, tôi đã dùng cuốn Âm dương đối lịch 2000 năm để tra cứu, quy đổi các niên đại liên quan đến những sự kiện của làng. Qua đó, tôi đã phát hiện một số điểm sai trong cuốn lịch này và cố gắng tìm hiểu những cái sai này bắt nguồn từ đâu.

Cụ thể, những điểm sai theo ông là gì?

Lịch mà chúng ta đang sử dụng hiện nay là Lịch Gregorius hay lịch Gregory, được đặt theo tên của Giáo hoàng Gregory XIII - vị Giáo hoàng thứ 226 của Giáo hội Công giáo Roma. Ông đã giới thiệu lịch này vào tháng 10/1582. Đây là một loại dương lịch thuần túy, không có năm 0000 tức là lịch không có cái Mốc rõ ràng, không có “đầu”, không có “cuối”, cứ (3 năm x 365 ngày) + 1 năm 366 ngày vần vũ, vu vơ trong không gian vô tận, không biết thời gian lịch khởi nguyên từ đâu và đến chỗ nào thì hoàn nguyên - khiếm khuyết một chu trình tự nhiên, lịch chỉ tính toán thuần túy bằng con số, không kèm theo chữ - các cung đoạn thời gian trong lịch không có tên để nhớ và đọc. Theo quy luật của Lịch Gregorius thì trong 1.000 năm, với những năm có 2 số cuối cùng (chẵn) chia hết cho 4 sẽ có tháng 2 nhuận (29 ngày). Nhưng những điều kiện này lại không được áp dụng cho những năm có 2 số cuối cùng là 00 (dù chia hết cho 4 cũng sẽ không có tháng 2 nhuận). Thế nhưng nếu năm đó có 2 số 00 hàng cuối mà chia chẵn cho 400 thì vẫn có tháng 2 nhuận. Một nghịch lý nữa là vào năm 4000, dù chia hết cho 400 song lại không cho kết quả nhuận ở tháng 2…

Người xưa có câu: “Tôi nghi ngờ tất cả những gì tôi chưa rõ, thà phải tìm sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Và kết quả như bạn thấy, tôi đã không những thức suốt đêm mà đã phải “thức” suốt vài thập kỷ mới tìm ra “sự thật” về thời gian lịch. Tâm tư này được tôi gửi gắm trong cuốn sách: “Khởi sự mái tóc còn xanh - Đến lúc hoàn thành trên đầu tóc bạc - Đời người nhuộm thắm thời gian”.

Vạn vật đều có âm dương

Nghĩa là ông đã tìm ra một cách tính lịch hoàn toàn mới, thưa ông?

Cách tính lịch của tôi có thể xem là hoàn toàn mới, nhưng nó dựa trên sự kế thừa và phát triển những nền tảng kiến thức đã được con người thừa nhận hàng nghìn năm nay. Chúng ta thấy, vạn vật đều có âm dương. Từ xa xưa, tiền nhân đã quan sát và trải nghiệm sự chuyển động của các hành tinh trong vũ trụ và thấy rằng mọi sự chuyển động đều mang tính chu kỳ: ví dụ như chu kỳ Meton1. 19 năm dương lịch có 235 tháng Mặt trăng âm lịch; chu kỳ Saros  18 năm 11 ngày 8 giờ. Hậu thế đã sử dụng 2 chu kỳ này để tính lịch, nhưng mỗi người một cách tính khác nhau khiến cho lịch không giống nhau… Tôi cũng sử dụng chu kỳ Saros2 để tính lịch nhưng không phải là từng chu kỳ riêng lẻ, mà phải có tới 180 chu kỳ Saros với số liệu nguyên thủy mới được coi là 1 “Chu trình tự nhiên đích thực”.

“Phép giải” mà ông đưa ra cho bài toán tính lịch nêu trên là như thế nào, thưa ông?

Tôi đã khắc phục khiếm khuyết, bất cập của Lịch hiện hành bằng cách: lồng ghép âm dương (tháng Mặt trăng kết hợp với năm Mặt trời). Coi như năm 2000 lịch cũ đã trôi về quá khứ, tôi bắt đầu tính lịch vào lúc kết thúc chu kỳ Saros cuối cùng trong thế kỷ XX - đây cũng là chu kỳ Nguyệt thực toàn phần lần cuối cùng của thế kỷ XX. thời khắc đó thuộc ngày 16/7/2000, loài người được ngắm nhìn 3 thiên thể: Mặt trời - Trái đất - Mặt trăng thẳng hàng với nhau - giống như 3 vận động viên cùng một điểm xuất phát. Tôi lấy thời khắc đó làm Mốc lịch và kế thừa kết quả trắc nghiệm thiên văn vũ trụ của Meton: mỗi chu kỳ Nguyệt thực toàn phần là 6.585 ngày 8 giờ. Lấy giờ khởi nguyên lịch đặt vào Mốc lịch lúc 0 giờ, 0 ngày, 0 tháng, 0 năm (4 số 0) = 0000 kết nối lúc 0 giờ kết thúc chu kỳ Nguyệt thực toàn phần năm 2000 = 0000 + 2000 = 2000. Kết quả cho thấy: 180 chu kỳ nguyệt thực toàn phần x 6585 ngày 8 giờ = 1185360 ngày = 38880 tháng = 40140 tuần trăng = 3240 năm Âm Dương (âm dương kết hợp hài hòa).

Chân lý không phải luôn thuộc về số đông, nhưng…        

Nhưng bao năm nay việc dùng lịch như hiện nay có ảnh hưởng gì đâu, thưa ông?

Theo tìm hiểu của tôi, lịch sử phát triển lịch đã qua 2 lần cải cách: năm thứ 46 trước Công nguyên (trước đó là Lịch La Mã) và năm 1582. Các năm 1922, 1961 thế giới đã từng xới lên các cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này. Đến 1999-2000 - năm cuối thế kỷ XX, cả thế giới luận bàn tìm chọn thời khắc tổ chức đón chào ngày đầu thế kỷ XXI? và phân vân là ngày 31/12/2000 hay là ngày 1/1/2001? Điều này cho thấy lịch pháp và thời gian lịch rất ít người để ý; Nhưng không phải là hoàn toàn không có. Trên toàn thế giới vẫn có hàng trăm người đang âm thầm ngày đêm nghiên cứu lịch pháp và thời gian lịch, cho đến khi nào một bộ lịch thật sự chuẩn mực và trọn vẹn ra đời thì việc này mới kết thúc.

Vậy theo ông, nếu sử dụng “Lịch Thế giới: Một chu trình tự nhiên 3240 năm - Can chi thiên niên vĩnh cửu” thì sẽ mang lại lợi ích gì, thưa ông?

Lợi ích thứ nhất là khi cải cách lịch không phải điều chỉnh thời gian như 2 lần cải cách trước đây, chỉ cần đưa Lịch 3240 năm vào sử dụng đến muôn đời. Cả nhân loại sẽ dùng chung 1 bộ lịch chuẩn. Cả trái đất sẽ có chung ngày, tháng, năm, chỉ khác nhau ở từng múi giờ. Điều này giúp tiết kiệm chi phí in và sửa lịch. Lợi ích thứ hai là trong mỗi chu kỳ 90 năm, nhân loại sẽ có 4 cái tết chung (âm dương đều có chung ngày 1/1 đầu năm). Tất cả nhân loại đều đón chung cái tết sẽ là một thời khắc rất đáng nhớ. Trong khi đó, Lịch hiện hành sẽ không bao giờ có tết âm dương trùng hợp. Lịch Âm Dương ra đời sẽ dẫn dắt con người trở lại với cội nguồn thuở xa xưa. Khi đó chưa có khái niệm quốc gia, biên giới, cả trái đất chỉ là một ngôi nhà chung…

Trong thời gian tới, ông có mong muốn, kỳ vọng gì ở cuốn “Lịch Thế giới: Một chu trình tự nhiên 3240 năm - Can chi thiên niên vĩnh cửu” không, thưa ông?

Tôi mong muốn nhận được sự quan tâm từ phía các cơ quan khoa học và các cơ quan quản lý cho đứa con tinh thần này của tôi.

Chúng ta đều biết chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, nhưng tâm lý quen dùng cái sẵn có lại luôn luôn thuộc về số đông. Hoạt động khoa học là tìm cho ra được mọi sự thật. Thời gian còn lại tôi chỉ tập trung tìm mọi cách để Lịch 3240 năm đến với cộng đồng xã hội. Và như vậy tôi luôn có việc để làm, có điều để hy vọng, thế là hạnh phúc rồi.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, kính chúc ông mạnh khỏe, chúc cho tâm nguyện của ông sẽ thành hiện thực!

Thực hiện: H.Y

Năm 2002, Tạp chí đăng bài tóm tắt Lịch 3240 năm của tác giả Đỗ Thành Lam, sau đó đăng tiếp một số bài trao đổi của độc giả với tác giả. Năm 2011, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành bộ Sách Lịch 3240 năm, tác giả đã trao tặng cho Tạp chí ấn phẩm này. Ngày 6/2/2012, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức tọa đàm với báo chí và một số nhà khoa học về Lịch 3240 năm. Ngày 19/7/2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng Kỷ lục “Công trình Sách Lịch thế giới 3240 năm có nhiều trang nhất”cho tác giả Đỗ Thành Lam. Năm 2021, tái bản lần thứ nhất và in màu toàn tập bộ Lịch 3240 năm, tác giả đã trao tặng Tạp chí ấn phẩm này.